"Cuộc chiến công hàm" tại Liên Hợp Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông tiếp tục dậy sóng với văn bản mới từ phía Malaysia phản pháo lập luận của Trung Quốc. Trước đó, phía Trung Quốc nói Malaysia không có quyền xin công nhận thềm lục địa mở rộng trên vùng biển phía bắc nước này.
Công hàm ghi ngày 29/7 của Malaysia nhấn mạnh đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng của nước này phù hợp với các quyền được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Chính phủ Thủ tướng Muhyiddin Yassin cứng rắn bác bỏ "toàn bộ những nội dung" được nêu trong công hàm của Bắc Kinh ngày 12/12/2019.
|
Tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords ngày 12/5 di chuyển gần tàu khoan thăm dò West Capella của Malaysia. Sự hiện diện của tàu chiến Mỹ nhằm đối trọng tàu Trung Quốc quấy rối tàu Malaysia. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Trước đó, Malaysia ngày 12/12/2019 nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của mình trên Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS). Ngay trong ngày, phía Trung Quốc phản pháo và chỉ trích đệ trình của Malaysia.
Trong công hàm ngày 29/7, Malaysia bác bỏ "tuyên bố của Trung Quốc về quyền lịch sử, hoặc các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác, liên quan đến những khu vực hàng hải trên Biển Đông" được bao quanh bởi một phần của cái gọi là "đường 9 đoạn".
Không dừng ở đó, Malaysia cáo buộc những tuyên bố của Trung Quốc đi ngược lại UNCLOS và "không có hiệu lực pháp lý vì chúng vượt quá những ranh giới địa lý và nội hàm các quyền lợi hàng hải của Trung Quốc quy định theo công ước".
"Cuộc chiến pháp lý" tăng nhiệt giữa lúc quan hệ Malaysia và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông dậy sóng trong thời gian gần đây.
Chính phủ Malaysia hôm 14/7 công bố báo cáo cho thấy tàu hải cảnh và tàu chiến Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển nước này tại Biển Đông tổng cộng 89 lần trong giai đoạn từ 2016 đến 2019. Tàu Trung Quốc duy trì hiện diện nhiều ngày trong vùng biển Malaysia dù đã bị hải quân nước chủ nhà xua đuổi.
|
Tàu nghiên cứu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc. Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc. |
Hồi tháng 3 và tháng 4, hàng chục tàu hải cảnh và tàu chiến Trung Quốc đã xâm nhập vùng Đặc quyền kinh tế của Malaysia, sau khi Kuala Lumpur triển khai tàu thăm dò West Capella tại ngoài khơi nước này. Trung Quốc cũng điều tàu thăm dò HD-8 tới hoạt động trong vùng Đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Áp lực quốc tế chỉ trích yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông đang ngày một tăng trong thời gian vừa qua.
Hôm 13/7, Mỹ chính thức đưa ra lập trường về tình hình Biển Đông, trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, đồng thời ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) đưa ra năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Trước đó, ngày 3/6, Ngoại trưởng Mike Pompeo xác nhận Mỹ đã gửi công hàm đến Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mới đây nhất, đại diện phái bộ ngoại giao Australia tại Liên Hợp Quốc ngày 25/7 gửi công hàm lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp UNCLOS và phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.
Australia đồng thời bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về cái mà Bắc Kinh gọi là "các quyền lịch sử" hoặc "các quyền và lợi ích hàng hải" được thiết lập trong "quá trình thực hiện lịch sử lâu dài" ở Biển Đông.