Ly kỳ chuyện “thánh sống” Nepal lần đầu lộ mặt vì động đất

Google News

Trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Nepal tháng 4 vừa qua đã khiến một người được tôn là "thánh sống" Nepal phải làm điều không tưởng để thoát thân.

Trước trận động đất 7,8 độ Richter xảy ra ngày 25/4, Bajracharya chỉ xuất hiện trước mặt công chúng khi được khênh trên một chiếc kiệu gỗ trang trí công phu. Vị nữ thần của quốc gia thuộc dãy Hymalaya, được gọi là Kumari, sống ẩn dật và hiếm khi nói chuyện trước đám đông. "Thánh sống" Nepal bị ràng buộc bởi những phong tục kết hợp giữa các yếu tố của đạo Hindu và đạo Phật.
Bajracharya - “nữ thần sống” trị vì lâu nhất trong suốt 3 thập kỷ đã phải chạy ra khỏi nhà khi động đất xảy ra. (Ảnh: Daily Mail) 
Nhưng khi phải đối diện với trận động đất khủng khiếp, Bajracharya đã không còn con đường nào khác ngoài việc rời khỏi nơi cư trú của mình ở khu phố cổ thuộc thành phố lịch sử Patan, phía nam Kathmandu. Và lần đầu tiên kể từ khi sinh ra, vị “nữ thần sống” này phải tự bước đi trên đôi chân của mình.
Trước trận động đất kinh hoàng tại Nepal, "nữ thần" Bajracharya chưa từng phải đi bộ ra đường. (Ảnh: Daily Mail) 
“Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày phải rời bỏ ngôi nhà của mình. Có lẽ thần phật trên trời đang tức giận vì con người ngày càng không còn tôn trọng truyền thống nữa”. Bajracharya chia sẻ. Bà vẫn rất đau buồn về sự ra đi của 8.800 người dân Nepal sau thảm họa thiên tai này. Khi trận động đất xảy ra, ngôi nhà 5 tầng của Bajracharya bị rung lắc mạnh. Gia đình bà vẫn ở lại trong nhà, chờ đợi xem liệu Kumari có phá vỡ truyền thống và đi cùng với họ.
“Chúng tôi không thể bỏ lại ngôi nhà như mọi người, chúng tôi phải nghĩ cho bà ấy. Chúng tôi không biết phải làm gì. Nhưng khi thiên tai xảy ra, không ai có thể nghĩ thêm điều gì khác nữa”, Chanira Bajracharya, cháu gái của “thánh sống” chia sẻ. Dhana Kumari Bajracharya được tôn làm “nữ thần” năm 1954, khi bà mới được 2 tuổi và được gọi là Kumari của Patan, cai trị trong suốt 3 thập kỷ.
Quảng trường Patan Durbar tại thành phố Patan, Nepal. Bên phải là Cung điện hoàng gia cổ và bên trái là các ngôi đền Hindu. (Ảnh: Wikimedia Commons/Clemensmarabu) 
Được biết, Kumari phải là một cô gái được lựa chọn từ cộng đồng Newar trước tuổi dậy thì, và được coi là hiện thân của nữ thần Hindu Taleju. Các tiêu chí lựa chọn rất nghiêm ngặt và bao gồm những yếu tố như cơ thể không tì vết hay phải có bộ ngực như của sư tử và cặp đùi như một con nai.
Bị phế truất vì quá... già
Không giống các “thánh sống” Kathmandu, những người phải chuyển đến một nơi ở chính thức, Kumari của Patan được phép sống cùng gia đình của mình, nhưng chỉ có thể xuất hiện trong những ngày lễ, và được kiệu qua những con phố để người dân chiêm ngưỡng và tôn thờ.
Hồi tưởng lại hình ảnh những tín đồ xếp hàng dọc trên những con phố chật hẹp của Patan, háo hức chờ mong phước lành từ nữ thần, Bajracharya tâm sự: “Tôi thích nhất là được đưa ra ngoài trong những dịp lễ hội”. Theo truyền thống, Kumari của Patan sẽ bị phế truất khi bắt đầu có kinh nguyệt và, do Bajracharya chưa bao giờ “bị” nên cô vẫn tiếp tục vai trò của mình ở tuổi 30.
Bajracharya​ đã được lên ngôi nữ thần từ năm 1954 khi mới chỉ 2 tuổi. (Ảnh: Daily Mail) 
Nhưng năm 1984, Thái tử Nepal là Dipendra, người đã tiến hành thảm sát gia đình 17 năm sau đó, làm dấy lên một cuộc tranh cãi dẫn đến kết cục là Bajracharya phải kết thúc nhiệm kỳ của mình. 30 năm trôi qua, nhưng sự kiện năm đó vẫn còn in sâu trong tâm trí của “nữ thần”.
“Tại sao nữ thần lại già như vậy?” - câu hỏi của Thái tử 13 tuổi khi đó đã khiến các thầy tu buộc phải tìm một cô gái trẻ hơn thay thế vị trí của bà. “Họ đòi thay thế tôi mà không cần lý do nào cả. Tôi đã rất tức giận... nhưng tôi cảm thấy như nữ thần vẫn còn ở trong tôi”, Bajracharya chia sẻ.
Những thói quen không đổi
Bị buộc phải rời khỏi vị trí của mình, Bajracharya đã quyết định tiếp tục cuộc sống như bà vẫn sống hằng bao năm qua - không thể từ bỏ nhiệm vụ của mình hay hòa mình vào cuộc sống bên ngoài. Mỗi sáng tỉnh dậy, bà vẫn mặc chiếc váy màu đỏ và trang điểm hoàn toàn như khi còn là một Kumari.
Vào những dịp đặc biệt, bà sử dụng bột màu đỏ và vàng để vẽ con mắt thứ 3 ở giữa trán và ngồi trên chiếc ngai gỗ được chạm trổ hình rắn xung quanh. Vào các ngày thứ 7 và những dịp lễ hội, bà vẫn tiếp nhận những người sùng đạo – như khi còn là một Kumari, trong một căn phòng tách biệt tại ngôi nhà gạch đỏ của mình. Bà cho biết: “Các thầy tu đã làm việc mà họ phải làm, nhưng tôi không thể từ bỏ trách nhiệm của mình”.
 Trận động đất khủng khiếp tại Nepal đã cướp đi mạng sống của 8.800 người và phá hủy nhiều nhà cửa. (Ảnh: Reuters/Business Insider)
Khi cháu của Bajracharya là Chanira được chọn là Kumari năm 2001, bà đã hướng dẫn cô bé trong suốt quá trình đó. Nepal đã chứng kiến những thay đổi trong suốt cuộc đời Bajracharya. Mặc dù đất nước có nhiều thay đổi trong những năm qua nhưng thói quen hàng ngày của cựu Kumari này vẫn không hề thay đổi. Nhượng bộ duy nhất của bà với cuộc sống hiện đại là xem truyền hình, đặc biệt là các chương trình về những sự kiện đang diễn ra và những bộ phim truyền hình Ấn Độ.
Tuy nhiên, kể từ khi trận động đất xảy ra, bà dành hầu hết thời gian để cầu nguyện. Chanira – Kumari hiện tại cho biết: “Bà rất đau buồn... Năm ngoái, các thầy số đã dự đoán bà sẽ phải rời bỏ ngôi nhà của mình, và chúng tôi vẫn tự hỏi làm thế nào mà điều đó lại xảy ra. Nhưng chúng tôi không bao giờ mong đợi điều này”.
Theo VnTinnhanh

Bình luận(0)