CCTV cho biết, con đập trên sông Chuhe ở tỉnh An Huy đã bị phá hủy bằng chất nổ vào sáng sớm 19/7. Mực nước ở sông này dự kiến sẽ giảm 70 cm.
Lần gần đây nhất giới chức Trung Quốc buộc phải cho nổ đập để xả nước là ở trận lụt tồi tệ vào năm 1998 - trận lụt khiến hơn 2.000 người chết và gần 3 triệu ngôi nhà bị phá hủy.
|
Tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Mực nước trên nhiều con sông, trong đó có cả sông Dương Tử tăng cao bất thường trong năm nay vì những cơn mưa xối xả.
Hôm 18/7, đập Tam Hiệp khổng lồ trên sông Dương Tử đã mở 3 cửa xả để xả bớt nước trong hồ chứa, sau khi lượng nước đổ về hồ chứa Tam Hiệp đạt 61.000 m3/giây, trong khi lượng nước xả ra là 33.000 m3/giây. Sau khi xả bớt lũ, mực nước trong hồ chứa đạt 160,17m, cao hơn 15m so với mức giới hạn lũ.
Ở những nơi khác, binh lính và công nhân được huy động để kè và che chắn đê, đập bằng bao cát và đá. Hôm 18/7, binh lính đã hoàn thành việc vá chỗ vỡ dài 188 m trên hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Lụt tràn hồ Bà Dương đã gây ra lũ lụt trên khắp 15 ngôi làng và cánh đồng nông nghiệp ở tỉnh Giang Tây. Hơn 14.000 người đã đưc sơ tán.
Lũ lụt theo mùa diễn ra thường xuyên ở Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực miền Trung và miền Nam. Tuy nhiên, mùa hè năm nay ghi nhận tình trạng nghiêm trọng nhất của lũ lụt ở Trung Quốc. Đến nay, hơn 150 người đã chết hoặc mất tích trong lũ lụt và lở đất do những cơn mưa xối xả.
Theo Bộ Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Trung Quốc, khoảng 1,8 triệu người đã được sơ tán và thiệt hại trực tiếp do lũ lụt ước tính lên tới hơn 49 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7 tỷ USD).
Đến nay, tình hình lũ lụt tại các thành phố lớn đã được có những chuyển biến tích cực khi mực nước dần giảm song mối lo ngại gia tăng ở Vũ Hán và các đô thị hạ lưu, lưu vực các con sống lớn.