Lí do gì khiến trẻ em Nam Sudan bỏ trốn khỏi đất nước?

Google News

Thông tin đăng trên tờ Global Post cho hay, nhiều trẻ em ở Nam Sudan đã chạy trốn khỏi đất nước mà không có người lớn đi cùng.

Bạo lực giữa các lực lượng Chính phủ và phiến quân đã lan rộng khắp đất nước gây ra sự chia rẽ sắc tộc sâu sắc. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, hơn 3 triệu người đã phải di dời khỏi nơi ở của mình.
"Mọi người đang chết dần ở Yei"
Ngồi bên ngoài một lều tạm bợ gần trại tị nạn Bidi Bidi ở miền Bắc Uganda, gương mặt của cậu bé Josephat Bieli, 12 tuổi dính đầy bụi và lộ rõ sự mệt mỏi. Em nói đã đi một mình từ Yei ở Nam Sudan đến trại tị nạn Uganda để thoát khỏi cuộc nội chiến đang diễn ra trong nước.
Li do gi khien tre em Nam Sudan bo tron khoi dat nuoc?
Số lượng trẻ em di cư một mình từ Nam Sudan đến Uganda gia tăng trong thời gian gần đây. 
“Nhà cháu đã bị đốt và chúng cháu chạy theo nhiều hướng khác nhau để được sống sót. Cháu không biết bố mẹ, anh chị em ở đâu. Các thành viên trong gia đình cháu đã không gặp nhau kể từ khi cuộc tấn công xảy ra”, Josephat nói.
Josephat đề cập đến vụ tấn công xảy ra ở Yei vào cuối năm ngoái. Cáo buộc tấn công nhằm vào binh lính Chính phủ. Nhiều nguồn tin cho rằng, các binh lính đã kéo hàng trăm người, trong đó có cả trẻ em ra khỏi nhà vào giữa đêm và tàn sát họ vì họ thuộc bộ lạc Nuer.
Josephat cho biết, binh lính luôn xuất hiện với súng, cung tên, dao khi họ lục soát các làng mạc. "Cháu nhìn thấy những người đàn ông trong bộ đồng phục bắn súng vào trẻ em và người cao tuổi. Trên đường đi đến trại này, cháu đã gặp nhiều xác chết. Mọi người đang chết dần ở Yei”, Josephat vừa khóc vừa nói.
Emily Nyayuol, 16 tuổi đã trốn khỏi Yei vào tháng giêng năm ngoái kể lại rằng, “cuộc tấn công xảy ra bất ngờ. Mọi người la hét. Có bạn học của cháu bị hãm hiếp và giết hại. Cháu trèo qua cửa sổ và trốn trong bụi rậm và tìm đường đến Uganda”.
Trẻ em ở Nam Sudan đang phải chịu nhiều tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều em mất mẹ, cha hoặc anh chị em ruột đã trốn sang các trại tị nạn ở Uganda. Số trẻ em đi một mình đến các trại tị nạn đang tăng lên nhanh chóng.
Valentin Tapsoba, Giám đốc khu vực châu Phi của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho biết, "trẻ em tị nạn đang phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm. Các em cần sự hỗ trợ khẩn cấp từ cộng đồng nhân đạo”.
"Giấc mơ này đã vỡ vụn vì chiến tranh"
Số liệu của Liên hợp quốc cho biết, Uganda hiện đang quản lý hơn 900.000 người tị nạn Nam Sudan. Khoảng 190.000 người đã đến đây vào năm 2017, trung bình 2.000 người tị nạn đến Uganda mỗi ngày. Hơn 62% những người mới đến là trẻ em.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, trong những tháng đầu năm nay, có khoảng 9.000 trẻ em tự mình di chuyển từ Nam Sudan đến Uganda. Từ khi xảy ra nội chiến đến nay, hơn một triệu trẻ em đã chạy trốn khỏi Nam Sudan, khoảng 17.000 thanh thiếu niên được cho là đã được tuyển dụng làm binh lính.
Trẻ em chiếm hơn 1/2 trong tổng số 280.000 người tị nạn ở Bidi Bidi - trại tị nạn lớn nhất thế giới. Leila Pakkala, quan chức của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc phụ trách khu vực châu Phi nói rằng, "thực tế rất kinh khủng.
Gần 1/5 trẻ em ở Nam Sudan, đối tượng dễ bị tổn thương nhất buộc phải chạy trốn khỏi quê hương. 3/4 trẻ em ở Nam Sudan không đi học, tỷ lệ thất học cao nhất trên thế giới. Một số trẻ em ở trại tị nạn Bidi Bidi vẫn mặc đồng phục. Điều này cho thấy, các em đã bỏ trốn từ trường học”.
Cuộc sống trong trại tị nạn Bidi Bidi thiếu thốn. Có thời điểm mất nước trong nhiều tuần. Tình trạng thiếu thực phẩm diễn ra thường xuyên. "Chúng tôi không thể cung cấp các điều kiện chăm sóc cho người tị nạn vì thiếu nguồn lực. Chúng tôi không có đủ thức ăn, không có vật liệu xây dựng, không có trường học cho người tị nạn”, George Okumu, quan chức ở Uganda nói.
Mặc dù vậy, trẻ em di cư người Nam Sudan vẫn cho rằng, tị nạn ở đất khách vẫn tốt hơn nhiều so với cuộc sống ở quê nhà. “Cháu sẽ không bao giờ trở lại Nam Sudan cho dù cuộc sống ở Bidi Bidi còn nhiều khó khăn", Josephat chia sẻ.
Trong khi đó, Emily bày tỏ sự thất vọng về tương lai của mình. "Cháu biết sẽ không bao giờ có cơ hội trở lại trường học. Cháu muốn trở thành y tá nhưng giấc mơ này đã vỡ vụn vì chiến tranh. Không có trường học trong trại tị nạn”, Emily nói.
Theo Mạnh Tường/Cảnh sát Toàn cầu

>> xem thêm

Bình luận(0)