Cô Phó, ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, gần đây đã đăng tải hình ảnh quả trứng luộc kỳ lạ màu hồng ngọc được cất giữ 20 năm lên mạng xã hội. Bức ảnh gây ra cuộc tranh luận sôi nổi trên cộng đồng mạng xứ tỷ dân.
Theo cô Phó, hồi tiểu học năm 2003, cô và mẹ đến siêu thị để mua trứng gà. Sau khi về nhà, cô Phó chọn một quả trứng nhỏ xinh, nhỏ hơn so với trứng gà thông thường, đòi mẹ luộc để hôm sau đem đến trường ăn sáng.
Tuy nhiên, khi đến lớp, cô đã quên lấy quả trứng luộc ra ăn vì quá mải chơi. 2 - 3 ngày sau, cô Phó mới nhớ ra, quả trứng vẫn nằm trong cặp sách. Sợ hỏng không dám ăn nhưng cũng không muốn vứt đi nên cô Phó giấu mẹ cho trứng vào tủ lạnh.
Sau 2 tháng, mẹ của cô Phó tìm thấy quả trứng trong tủ lạnh nhưng nó đã teo lại, nhỏ hơn so với kích thước ban đầu và có kết cấu như một quả trứng nhựa, màu sắc hơi giống trứng muối, đặt dưới ánh đèn lại có màu ánh đỏ.
|
Quả trứng luộc có màu hồng ngọc được cô Phó giấu vào hộp đựng nhẫn suốt 20 năm. |
Sau đó, cô Phó tiếp tục giấu mẹ cho quả trứng vào hộp đựng nhẫn để bảo quản rồi lại quên bẵng đi. 20 năm trôi qua, mới đây khi đang dọn nhà, cô Phó tìm thấy hộp đựng nhẫn. Tò mò mở ra, cô kinh ngạc khi thấy quả trứng hôm nào vẫn còn, đặc biệt nó không bị thối mà vẫn giữ kết cấu đông đặc, có nhiều vết nứt, trông giống như một viên hồng ngọc.
Quá phấn khích trước hiện tượng lạ, cô Phó liền chụp ảnh và đăng tải lên mạng xã hội. Đa số mọi người đều cảm thấy bất ngờ và cho rằng trải nghiệm của cô Phó thực sự rất lạ lùng. Đồng thời, họ cũng tò mò, muốn biết tại sao quả trứng luộc để 20 năm của cô Phó không bị hư thối mà lại có kết cấu và màu sắc lạ lùng hệt như một viên ngọc quý.
Ông Đặng Học Kiến - Giáo sư tại Trường Khoa học Đời sống thuộc Đại học Sư phạm Hồ Nam, Trung Quốc cho biết, những quả trứng kỳ lạ này được dân gian gọi là "trứng nhỏ", "trứng ma". Thật ra, đó là quả trứng do gà mái đẻ ra bị biến dị. Những quả trứng này thông thường chỉ có lòng trắng trứng không có lòng đỏ trứng. Tuy nhiên, về nguyên nhân tại sao trứng có màu đỏ lạ lùng và teo đi thì vẫn phải nhờ các chuyên gia vi sinh nghiên cứu sâu hơn và giải thích cặn kẽ.