Trong 25 năm không có trẻ sơ sinh nào chào đời, dân số làng Kawakami giảm từ 6.000 người (cách đây 40 năm) xuống chỉ còn 1.150 người – do cư dân trẻ tuổi rời đi còn cư dân lớn tuổi qua đời. Không ít ngôi nhà bị bỏ hoang, một số nhà trở thành nơi ở của động vật hoang dã.
Do đó, sự ra đời của bé Kentaro là sự kiện đáng ăn mừng đối với người dân làng Kawakami. Nhiều người, hầu hết là người lớn tuổi trong làng, trong đó vài cụ lão đi lại khó khăn vẫn đến thăm bố mẹ bé Kentaro là Miho và Hirohito trong hơn 1 tuần để bày tỏ sự vui mừng.
|
Gia đình chị Miho, anh Hirohito và bé Kentaro.Ảnh: CNN. |
“Người lớn tuổi rất vui khi thấy Yokobori. Một cụ bà chống gậy đã đến để bế con tôi. Tất cả đều đến thay phiên bế bé”, anh Miho kể lại.
Sự ra đời của bé Kentaro là điều bất thường không chỉ vì đây là em bé được sinh ra đầu tiên sau 25 năm ở làng này, mà còn vì cha mẹ em chuyển từ đô thị về nông thôn sinh sống – đi ngược xu hướng hàng thập kỷ qua.
Vài khảo sát gần đây chỉ ra ngày càng nhiều người trẻ tuổi bị các miền quê thu hút bởi chi phí sinh hoạt thấp, không khí trong lành và lối sống ít căng thẳng.
Kawakami chỉ là một trong vô số thị trấn và làng mạc nhỏ ở nông thôn bị lãng quên khi người Nhật trẻ tuổi chuyển đến thành phố sinh sống. Hơn 90% người dân nước này đang sống trong đô thị như Tokyo, Osaka, Kyoto, nơi được kết nối bởi tàu cao tốc Shinkansen.
Tình hình trên khiến vùng nông thôn cùng các ngành nông, lâm nghiệp rơi vào cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Đến năm 2022, số lượng lao động làm việc trong ngành nông lâm nghiệp giảm xuống còn 1,9 triệu người so với 2,25 triệu người 10 năm trước đó.
Nhưng không chỉ nông thôn, người dân ở đô thị Nhật Bản cũng không sinh con.
Mới đây, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đưa ra tuyên bố “thời gian sinh nở không còn nhiều” trong một cuộc họp báo.
Năm 2022, Nhật chỉ có 799.728 trẻ em được sinh ra – con số thấp nhất từng ghi nhận. Tỷ suất sinh giảm xuống còn 1,3 con/phụ nữ – thấp hơn mức cần thiết 2,1 để duy trì dân số. Số người tử vong vượt xa số người sinh ra trong hơn 1 thập kỷ.
Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Vào năm 2020, cứ 1.500 người ở Nhật Bản thì có gần 1 người từ 100 tuổi trở lên, theo dữ liệu của chính phủ
Với lượng người nhập cư chẳng đáng kể, người nước ngoài chỉ chiếm 2,2% dân số Nhật năm 2021, nhiều người lo ngại đất nước sắp đạt đến điểm “không thể quay lại”: số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh nở rơi xuống mức thấp nghiêm trọng nên không thể đảo ngược xu hướng suy giảm dân số.
Khủng hoảng nhân khẩu học khiến giới lãnh đạo Nhật phải vất vả đảm bảo lương hưu và chăm sóc sức khỏe cho nhóm dân số già đang tăng lên ngay cả khi lực lượng lao động thu hẹp.
Đời sống đô thị bận rộn cùng thời gian làm việc dài khiến người dân Nhật có quá ít thời gian lập gia đình; chi phí sinh hoạt đắt đỏ cũng là lý do khiến người trẻ tuổi không muốn sinh con. Ngoài ra, tư tưởng cấm kỵ nói về chuyện sinh nở cùng những chuẩn mực xã hội khắt khe ngăn phụ nữ làm mẹ quay lại làm việc.
Nhiều phụ nữ Nhật trình độ học vấn cao bị chuyển sang làm công việc bán thời gian hoặc làm trong ngành bán lẻ khi quay lại làm việc. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ghi nhận, trong năm 2021, 39% lao động nữ làm việc bán thời gian, tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 15%.
Chính quyền thủ đô Tokyo hy vọng giải quyết được vấn đề bằng cách trợ cấp cho việc đông lạnh trứng. Điều này đem lại cơ hội mang thai thành công cao hơn nếu người phụ nữ quyết định sinh con.
Các cặp vợ chồng mới sinh con được nhận “tiền trợ cấp nuôi con” để trang trải chi phí y tế. Với người độc thân thì nhà nước cung cấp một dịch vụ hẹn hò hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI).