Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều “lịch sử” lần thứ 3 hôm qua (27/3) đã kết thúc tốt đẹp với việc hai bên ký kết bản tuyên bố chung mang tên Bàn Môn Điếm (Panmunjom) vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố khẳng định các cam kết của hai bên hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tạo dựng hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy việc hợp tác liên Triều.
|
Tin tức về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Ảnh: AP. |
Cộng đồng quốc tế ngay lập tức đã có những phản ứng hoan nghênh thành quả đạt được từ hội nghị, đồng thời hi vọng các bên tiếp tục duy trì đối thoại nhằm đạt được kết quả cuối cùng.
Ngay sau lễ ký kết Tuyên bố Bàn Môn Điếm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Abe cho rằng, đây là một bước đi rất tích cực và Nhật Bản đang rất mong đợi hành động “cụ thể” từ phía Triều Tiên cho những cam kết của mình.
“Chúng tôi hoan nghênh các cuộc thảo luận nghiêm túc giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về chủ đề phi hạt nhân hóa cũng như một số vấn đề khác. Đây là một bước đi tiến bộ trong việc hướng tới giải quyết các vấn đề khác liên quan tới Triều Tiên. Chúng tôi tin tưởng Triều Tiên sẽ thực hiện các bước đi cụ thể sau hội nghị thượng đỉnh này và một cuộc họp khác với Mỹ sắp tới. Chúng tôi sẽ theo sát vấn đề và phối hợp chặt chẽ với Mỹ, Hàn trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều”.
Thủ tướng Nhật Bản cho biết, nước này sẽ không thể bị bỏ rơi trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên khi mà Hàn Quốc và Triều Tiên vừa cam kết sẽ cùng với Mỹ và Trung Quốc tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo về những vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tỏ ra lạc quan về các cam kết của Hàn Quốc và Triều Tiên trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Chính phủ Trung Quốc hi vọng các bên liên quan sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động đối thoại để giải quyết vấn đề Triều Tiên một cách hòa bình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh một bước tiến lịch sử do các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc tạo ra, đánh giá cao quyết tâm chính trị và sự can đảm của họ. Chúng tôi hy vọng và mong đợi hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm sẽ khởi đầu một hành trình mới về nền hòa bình và ổn định lâu dài cho bán đảo Triều Tiên”
Còn trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ cũng đã lên tiếng hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Ông Trump viết: “Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đã diễn ra. Những điều tốt đẹp đang đến, nhưng thời gian sẽ nói lên tất cả”. Dù hoan nghênh, song người đứng đầu nước Mỹ vẫn cho thấy sự thận trọng về tính khả thi của các cam kết đến từ phía Triều Tiên.
Giống với quan điểm của Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng cho rằng, cuộc gặp “lịch sử” là một bước đi tích cực, song Triều Tiên phải tôn trọng các cam kết của chính mình với những hành động “cụ thể”, đặc biệt là từ bỏ hoàn toàn hạt nhân.
Ông Johnson cho biết, nước này sẽ cùng các đối tác của mình sẽ vẫn thực thi nghiêm chỉnh các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên cho tới khi những cam kết biến thành hiện thực.
Cùng với Anh, Đức và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã đưa ra phản ứng của mình về hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Bộ Ngoại giao Đức hoan nghênh nỗ lực của hai bên trong việc tiến tới đối thoại sau nhiều căng thẳng.
Còn Điện Kremlin thì coi kết quả mà hội nghị thượng đỉnh liên Triều đạt được là một bước đi “tiến bộ” của hai bên mà chính phủ Nga cũng như Tổng thống Vladimir Putin vốn luôn ủng hộ.
Quốc tế phản ứng lạc quan đan xen chút thận trọng. Còn Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thì cho rằng, cuộc gặp lịch sử ngày 27/4 đã mang lại một thỏa thuận “giá trị” lớn, tạo ra một sự khởi đầu mới cho bán đảo Triều Tiên và thế giới. Đối với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, “mùa đông giá lạnh”, “cơn ác mộng” trong mối quan hệ liên Triều đã qua đi, để nhường lại chỗ cho “mùa xuân ấm áp” đến với thế giới.