Đến thời điểm này, đã có kết quả sơ bộ xác định danh tính của 720 thành viên Nghị viện.
Bức tranh quyền lực tại cơ quan lập pháp châu Âu
Đến 12h đêm 9/6, vẫn còn 6 nước châu Âu chưa công bố kết quả bầu cử. Nhưng theo dự báo của Nghị viện châu Âu, đại đa số các nhóm có sức ảnh hưởng đã dần lộ diện.
Đầu tiên, nhóm trung hữu Nhân dân Châu Âu (EPP), luôn có số đại biểu lớn nhất tại Nghị viện châu Âu, đã chiếm được 186 ghế, hơn 10 ghế so với nhiệm kỳ 2019-2024 và trở thành nhóm có sức ảnh hưởng lớn nhất. Tiếp theo đó là Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D), một nhóm chính trị trong Nghị viện châu Âu của Đảng Xã hội chủ nghĩa châu Âu (PES) đã có được 133 ghế và là lực lượng chính trị đúng thứ 2 trong Nghị viện. Hai nhóm đứng đầu đã lẫn lượt đạt được số ghế đúng như trong các dự đoán trước đó, mặc dù có chênh lệch đôi chút từ 2 đến 3 ghế.
Bất ngờ lớn nhất có lẽ là 2 nhóm cực hữu, được dự đoán là sẽ có bước tiến triển ngoạn mục và dành được số ghế quan trọng tại Nghị viện. Nhưng trên thực tế, nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID), chỉ nhận được vỏn vẹn 60 ghế, thấp hơn 14 ghế so với dự đoán và chỉ nhỉnh hơn 2 ghế so với nhiệm kỳ trước. Kết quả này cho thấy ID đã không thành công trong việc chinh phục các cử tri châu Âu và thậm chí gần như không ghi nhận được tiến triển nào đáng kể. ID hiện là nhóm đông thứ 5 tại Nghị viện, tăng một bậc so với nhiệm kỳ 2019-2024 nhờ sự thụt lùi của nhóm Xanh/Liên minh Tự do Châu Âu.
Trong khi đó, khối cực hữu Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR), gia đình chính trị của Thủ tướng Italia, Giorgia Meloni (Fratelli d'Italia) cũng chỉ dành được vỏn vẹn 70 ghế, thấp hơn 16 ghế so với dự đoán và hiện đang là nhóm đông thứ 4. Nhóm này cũng gần như không có tiến triển gì về mặt đai biểu khi chỉ hơn được nhiệm kỳ trước vỏn vẹn 2 ghế.
Một bất ngờ nữa được ghi nhận tại cuộc bầu cử lần này, đó là việc nhóm Đổi mới châu Âu (RE), nơi tập trung của đại đa số người theo chủ nghĩa tự do, trong đó có các đại diện thuộc phe của Tổng thống Pháp và là nhóm đông thứ 3 tại Nghị viện với 102 ghế tại nhiệm kỳ trước, đã bị giảm 20 ghế và chỉ còn lại 82 đại biểu. Kết quả này đến từ việc phe cực hữu đã dành được chiến thắng to lớn tại Pháp khi chiếm được 30 trên tổng số 81 vị trí, gấp đôi các đảng phái khác.
Trước tình hình đó, Tổng thống Emmanuel Macron đã ngay lập tức tuyên bố giải tán quốc hội và yêu cầu người dân Pháp một lần nữa đi bầu cử vào ngày 30/6 tới. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho ông Macron khi không lắng nghe ý kiến của người dân và tiếp tục ban hành những chính sách đi ngược lại sự ủng hộ của đại đa số.
Ngoài ra, phe cánh tả và phe môi trường cũng dành được chiến thắng lớn tại Bắc Âu, cụ thể là tại Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch. Mặc dù như vậy, nhóm Xanh/Liên minh Tự do Châu Âu vẫn chỉ chiếm được 53 ghế, mất 18 ghế so với nhiệm kỳ trước và đứng ở vị trí thứ 6.
Sự lên ngôi của các đảng phái có lập trường cứng rắn
Theo kết quả sơ bộ, với sự tiến triển của nhóm trung hữu Nhân dân Châu Âu (EPP), những quyết sách của châu Âu trong thời gian tới sẽ tập trung chủ yếu vào tăng cường sự thống nhất trong việc ủng hộ Ukraine và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng EU. Tại đại hội EPP vào tháng 3 vừa qua ở Bucharest, nhóm này đã nêu bật nhu cầu tạo ra một thị trường quốc phòng châu Âu thống nhất, phát triển các dự án trong PESCO (cấu trúc thường trực về quốc phòng) và bổ nhiệm vị trí ủy viên quốc phòng trong Ủy ban châu Âu mới. Về lâu dài, nhóm đảng này đề xuất thành lập Liên minh Phòng thủ châu Âu, bao gồm các lực lượng trên bộ, trên biển, trên không và không gian mạng.
Tuy nhiên, EPP vẫn sẽ phải thỏa hiệp với Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) để có thể cho ra được những chính sách hợp lý hơn khi S&D chú trọng việc chi tiêu có mục tiêu và thông minh hơn, mua sắm chung các sản phẩm quốc phòng.
Ngoài ra, với sự thụt lùi đáng kể của phe cánh tả và Đảng Xanh, nhiều khả năng trong các tháng tới, Thỏa thuận Xanh châu Âu, thỏa thuận được ủng hộ bởi những nhóm trên, sẽ vấp phải sự tranh luận kịch liệt khi phe cực hữu và dân túy vẫn luôn bất mãn với dự án này.
Thêm vào đó, với việc cánh hữu dành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lần này, vấn đề di cư ở châu Âu sẽ diễn biến theo hướng khắc nghiệt hơn. Trong tình hình hiện tại, các nhóm cánh hữu chú trọng đến việc bảo vệ biên giới và ủng hộ việc hợp tác với một nước thứ 3 để giải quyết vấn đề tị nạn. Ngược lại, những người phản đối chính sách này đại đa số thuộc phe cách tả và Đảng Xanh, giờ đây đang ở bên yếu thế.
Ảnh hưởng đến vị thế EU trên trường quốc tế
Với việc phe cánh hữu dành chiến thắng tại bầu cử Nghị viện châu Âu lần này, trong thời gian tới, EU sẽ có nhiều thay đổi mang tính quyết định trên trường quốc tế.
Đầu tiên, việc tăng cường quốc phòng và khả năng thành lập Liên minh Phòng thủ châu Âu, với nhiều chủng binh khác nhau, sẽ đem đến sự phức tạp địa chính trị tại lục địa già. Việc có được lực lượng riêng dành cho châu Âu sẽ nâng vị thế của EU trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, vấn đề phải duy trì cùng một lúc hai lực lượng, một cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, một cho Liên minh Phòng thủ châu Âu sẽ đẩy nhiều quốc gia thành viên vào thế khó khi không có đủ kinh phí để duy trì hoặc gây bất mãn cho người dân khi tiêu tốn quá nhiều kinh tế dành cho quốc phòng.
Đây sẽ là bài toán hóc búa đối với từng thành viên EU khi phải lựa chọn giữa việc duy trì truyền thống hay xây dựng cái mới. Chưa kể đến, việc thay đổi về quốc phòng hay thành lập lực lượng mới cũng sẽ gây ra những căng thẳng chính trị cho phía Nga hay Trung Đông. Không loại trừ khả năng sự định hình của lực lượng này sẽ là cơ sở để phát sinh các xung đột mới trong tương lai.
Ngoài ra, trong khi các nước như Mỹ hay Trung Quốc đang dần sở hữu các công nghệ mới mang tính quyết định trong tương lai, việc châu Âu vẫn tiếp tục tranh cãi về vấn đề Thỏa thuận Xanh sẽ chỉ làm nhóm 27 chậm trễ thêm trên con đường phát triển kinh tế chung. Những gì mà EU đang chờ đợi để tạo sự bứt phá trong dài hạn sẽ tiếp tục bị đẩy lùi và một khi khoảnh khác qua đi, lục địa già sẽ mất ưu thế cạnh tranh. Vị thế của châu Âu sẽ tiếp tục bị mai một trên trường quốc tế như những gì đã và đang xảy ra trong nhiệm kỳ 2019-2024 vừa qua.
Kết quả chính thức của cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu sẽ được công bố trong một vài ngày tới. Đến giữa tháng 7, các vị trí quan trọng hàng đầu trong bộ máy quyền lực châu Âu như Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu sẽ được bầu ra. Trong bối cảnh bất ổn kinh tế, căng thẳng địa chính trị gia tăng, lực lượng nắm quyền tại châu Âu chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều thách thức để duy trì ổn định nội khối và nâng cao vị thế của EU trên trường quốc tế.