Vị trí đứng của mỗi lãnh đạo và quan chức cấp cao trong bức ảnh tập thể nói lên nhiều điều về vị thế của họ trên vũ đài chính trị quốc tế.
|
Ảnh chụp tập thể các lãnh đạo quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh G20. |
Trong phiên chụp ảnh chung tại hội nghị lần này, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đứng cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là chủ nhà của hội nghị vào năm tới ở Antalya và Đức sẽ đảm nhiệm vai trò đăng cai vào năm 2018.
Kế bên bà Merkel và ông Erdogan là Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tại hội nghị G20 năm 2014 tại Brisbane (Australia), Putin đứng ở rìa ngoài cùng bức ảnh. Năm đó, ông Putin bị lên án vì cuộc khủng chính trị mà phương Tây cho là Nga gây ra ở Ukraine.
|
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin ngồi hàng đầu cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị G20. |
Năm nay, Trung Quốc gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Putin là thượng khách hàng đầu trong hội nghị.
Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Nam Phi Jacob Juma và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều đứng ở hàng đầu trong bức ảnh tập thể.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được xếp ở hàng thứ hai. Khi ông Tập và Abe bắt tay ở Hàng Châu hôm 4.9, dấu hiệu rõ ràng nhất là chủ nhà Trung Quốc mỉm cười với Abe. Đây là sự đối lập hoàn toàn với hình ảnh Tập Cận Bình cách đây 2 năm tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Khi đó, ông Tập không mỉm cười và cả hai không nhìn vào mắt nhau.
|
Ông Tập mỉm cười hiếm hoi với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. |
|
Vẻ mặt của ông Tập và ông Abe cách đây 2 năm tại APEC. |
Tổng thống Mỹ gặp một sự cố nhỏ khi bước xuống từ chuyên cơ không sử dụng xe thang trải thảm đỏ của phía chủ nhà cung cấp mà chỉ dùng một thang sắt khiêm tốn. Ít phút trước khi ông Obama có mặt ở Hàng Châu, các quan chức Mỹ và Trung Quốc cãi cọ nảy lửa về những sắp xếp ngoại giao giữa hai bên.
Khi ông Tập gặp gỡ bà Merkel, ông trao đổi với nữ Thủ tướng Đức lâu hơn so với những lãnh đạo khác. Khi gặp người đồng cấp Park Geun-hye, dù cả hai đều cười nhưng không nồng ấm bằng bà Merkel.
Tuy nhiên, ảnh hưởng chính trị không phải là yếu tố duy nhất xác định chỗ đứng của các vị nguyên thủ quốc gia. Theo luật bất thành văn, chỗ đứng của họ phụ thuộc vào số năm mà họ giữ chức vụ cao nhất của quốc gia.
|
Toàn cảnh hội nghị G20 ở Hàng Châu. |
Đó là lí do vì sao ông Obama ngồi hàng đầu trong hội nghị lần này. Tại G20 năm 2009 tại London, chỉ ít tháng sau khi nhậm chức, ông Obama được xếp đứng hàng hai.
Những lãnh đạo tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde hay Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon thường đứng ở hàng thứ ba khi chụp ảnh chung.
Quá trình sắp xếp chỗ ngồi ở hội nghị G20 cũng lắm công phu.
Tại hội nghị năm 2009 tại London, Thủ tướng Anh khi đó là Gordon Brown từng đề nghị Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy một chỗ ngồi đối diện Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sau khi ông Sarkozy dọa về trước.
Ghế ngồi trong hội nghị thượng đỉnh năm 2013 ở Saint Petersburg cũng được điều chỉnh khoảng cách lớn hơn giữa Obama và Putin trong bối cảnh căng thẳng hai bên về vấn đề Syria gia tăng.
|
Cá giấm Hồ Tây, đặc sản của Hàng Châu có mặt trong buổi yến tiệc. |
Món ăn trong buổi yến tiệc cũng được xem là một dạng “quyền lực mềm” mà nước chủ nhà muốn gửi gắm. Tại Hàng Châu lần này, nước chủ nhà giới thiệu các món ăn đa dạng của vùng đất Chiết Giang, một trong tám chiếc nôi văn hóa ẩm thực lớn ở Trung Quốc.
Những món ăn nổi tiếng Hàng Châu như cá giấm Hồ Tây, thịt lợn Đông Pha hay "gà bọc bùn nướng" chắc chắn xuất hiện. Đạo diễn tài danh Trương Nghệ Mưu được bổ nhiệm làm tổng đạo diễn trong đêm gala tại hội nghị lần này. Một dàn giao hưởng sẽ biểu diễn bên bờ Hồ Tây thơ mộng.