Khi Liu trở về quê ăn Tết, bố mẹ đã dành sẵn nhiệm vụ cho anh: một chuỗi những cuộc hẹn hò thần tốc. Suốt hơn một tuần tại ngôi làng ở tỉnh Giang Tây, Liu đã gặp khoảng nửa tá những cô vợ tiềm năng trong các cuộc hẹn khiến anh cảm thấy như đang đi phỏng vấn xin việc. Năm tới có lẽ tình hình cũng sẽ không khá hơn với Liu.
Jin cùng làm việc với Liu tại khu công nghiệp ở Đồng bằng Châu Giang. Anh cũng trải qua buổi hẹn hò sắp đặt, người mai mối chính là anh họ của Jin. “Anh ấy đưa bạn gái hẹn đến gặp tôi rồi để chúng tôi lại với nhau”, Jin kể. “Sau vài phút, cô gái tuyên bố rằng có nhà là điều kiện cần thiết, nhưng cô ấy cũng có thể đợi đến khi tôi mua được xe. Nhà không ở trung tâm thị trấn cũng không thành vấn đề với cô ấy, nhưng tôi phải có một khoản tiết kiệm ít nhất 200.000 NDT”.
Liu và Jin cho rằng địa vị xã hội không cao cản trở thành công trên “tình trường”. Họ chỉ là công nhân từ các tỉnh nông thôn lên thành phố làm việc. Khoảng 278 triệu người Trung Quốc khác cũng ở trong tình cảnh đó. Những công nhân này là xương sống của nền sản xuất khổng lồ, nhưng cũng là nhân tố phản ánh vấn đề lớn về mất cân bằng xã hội.
|
Hàng chục triệu đàn ông Trung Quốc có nguy cơ không bao giờ kết hôn hoặc có bạn gái. Ảnh: Allianz Knowledge. |
Hàng triệu người cô đơn
Những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã khởi động những chiến dịch cảnh báo phụ nữ thành thị trên 27 tuổi mà vẫn chưa kết hôn có thể bị ế. Vậy nhưng, với tình trạng phá thai vì giới tính do tư tưởng trọng nam khinh nữ và chính sách 1 con, số lượng đàn ông Trung Quốc bị ế vợ còn lớn hơn rất nhiều.
Truyền thông Trung Quốc cho biết tỷ lệ đàn ông và phụ nữ độc thân sinh từ năm 1980 trở về sau là 136/100. Theo giáo sư Jin Tiankui, một nhà xã hội học có tầm ảnh hưởng, tới năm 2030, khoảng cách giữa số lượng nam giới và nữ giới trong độ tuổi từ 24-40 sẽ lên đến 30 triệu.
Một khảo sát năm 2010 thực hiện trên hàng nghìn người nông thôn làm việc tại hơn 10 thành phố Trung Quốc đã đưa ra kết luận rằng hệ quả của việc di chuyển lên thành phố là nỗi cô đơn do đời sống tình cảm không đủ đầy. Một khảo sát khác cho thấy 70% công nhân xây dựng, đa phần là người nông thôn, cảm thấy nỗi đau lớn nhất mà họ phải chịu đựng là cô đơn.
|
Những người đàn ông độc thân trong một buổi hẹn hò tập thể ở Thượng Hải. Ảnh:. AP. |
Liu năm nay 33 tuổi. Anh bỏ học từ phổ thông để phụ giúp cha mẹ làm việc đồng áng nhưng đã sớm tới thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông với hy vọng kiếm thêm nhiều tiền. Liu làm công việc lắp ráp iPhone 12 giờ mỗi ngày và 6 ngày mỗi tuần trong một nhà máy của Foxconn.
Không có bằng cấp cao, Liu bị bó buộc trong những công việc không ổn định và không đòi hỏi nhiều kỹ năng. Thời gian làm việc dài dằng dặc mà thu nhập thì thấp khiến chuyện hẹn hò của Liu càng thêm thê thảm. “Không phải tôi nhút nhát, tôi chỉ đơn giản là không đủ tiền để cảm thấy tự tin”, anh giãi bày. “Khi một người đàn ông có tiền, mọi phụ nữ đều mong muốn được trở thành bạn gái anh ta”.
Liu không bận tâm về tình cảnh cô đơn của mình, nhưng cảm thấy có lỗi vì làm cha mẹ thất vọng. “Họ đã hy sinh rất nhiều cho tôi và tất cả những gì họ muốn là thấy tôi kết hôn, nhưng tôi không thể mang lại điều đó cho bố mẹ”, anh chia sẻ.
“Bố mẹ không muốn tôi chịu quá nhiều áp lực, nhưng tôi biết chính họ cũng phải gánh những áp lực từ láng giềng và họ hàng. Tôi là đích tôn của gia đình”, Liu nói. Nối dõi tông đường vẫn là truyền thống không thể xóa bỏ ở Trung Quốc, rất nhiều phụ huynh ở nông thôn coi việc con trai không lấy vợ là một thất bại kinh khủng.
Thành thị - nông thôn: Khoảng cách xa vời
Thống kê cho thấy Trung Quốc là một trong những quốc gia có khoảng cách xã hội lớn nhất thế giới, cụ thể là sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn.
Người nhập cư từ nông thôn ít được tiếp cận chế độ an sinh xã hội tại các thành phố và phải đứng ngoài những dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc y tế, tạo chỗ ở và tuyển dụng, dù đã sống ở thành phố và cống hiến cho nền kinh tế của thành phố suốt nhiều năm trời.
|
Rất nhiều người lao động không thể tìm được mối quan hệ bởi chi phí hẹn hò và cưới xin tốn kém. Ảnh: Getty. |
Gần 2/3 số lao động nông thôn nhập cư vào thành phố ở trong độ tuổi dưới 35. Phần lớn họ không hứng thú với cuộc sống tại những làng quê đã bị bỏ lại phía sau cuộc đua kinh tế. Tuy vậy, viễn cảnh ổn định ở những thành phố lớn của họ cũng không khá hơn các thế hệ trước là bao. Họ ít có khả năng kiếm đủ tiền để mua nhà hoặc mua xe, những điều kiện vật chất tiên quyết cho hôn nhân của tầng lớp trung lưu thành thị.
Theo học cao đẳng hoặc đại học là chìa khóa để có công việc với thu nhập tốt hơn, nhưng con đường này cũng bị thu hẹp bởi những bài kiểm tra đầu vào khó nhằn. Các thanh niên nông thôn dĩ nhiên sẽ không có cửa cạnh tranh với những người thành thị đồng trang lứa với đầy đủ điều kiện.
Dần dà, ngay cả những lao động ở độ tuổi trên dưới 20 cũng bắt đầu cảm thấy áp lực đè nặng. “Những ngày này, bố mẹ gọi cho tôi với duy nhất một lý do là giục giã khẩn trương tìm bạn gái. Tôi đã đành phải ngừng nghe điện của họ”. Đó là chia sẻ của Jiang, 22 tuổi, một công nhân đến từ tỉnh Tứ Xuyên.
Bất ổn tiềm tàng
Thiếu tự chủ tài chính, thanh niên nông thôn nhập cư phải dựa nhiều vào cha mẹ. Họ thường ít phản đối phụ huynh sắp đặt những cuộc hẹn chóng vánh hoặc thậm chí lựa chọn bạn đời và thỏa thuận tiền thách cưới.
Ngay cả khi vụ mai mối đã xong xuôi, mọi chuyện sau đó không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Cưới vội vàng có thể dẫn tới ly hôn nhanh chóng. Tại một huyện thuộc tỉnh Hà Nam, 85% số vụ ly hôn trong khoảng 2013-2015 là giữa những cặp đôi lao động nông thôn nhập cư.
Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về tỷ lệ ly hôn cao và số lượng lớn những cuộc hôn nhân tạm thời của lao động nông thôn. Họ tổ chức cưới ở quê rồi lại lên thành phố làm việc và có những mối quan hệ tình cảm riêng ở đó.
|
Đàn ông tại một ngôi làng ở ngoại ô Bắc Kinh. Ảnh: AFP/Getty. |
Trong đất nước mà sự ổn định xã hội được đề cao hơn tất cả, tình trạng ngày càng nhiều nam thanh niên bất mãn vì không thể tìm được ý trung nhân là một vấn đề lớn. Trung Quốc đã bày tỏ ý định “nỗ lực hơn để giải quyết vấn đề mà thế hệ lao động nhập cư thứ 2 đang phải đối mặt”.
Lịch sử đã chứng minh mối liên hệ giữa sự bất mãn do thiếu thốn tình cảm, mong muốn hôn nhân không thành và mất ổn định xã hội. Vào đời nhà Thanh, những người đàn ông nghèo không lập gia đình thường có xu hướng phạm tội nghiêm trọng và được coi là mối nguy đối với xã hội.
Trung Quốc đã có những thay đổi nhưng việc cải cách sâu hơn nữa rất ít khả năng xảy ra, bởi tăng cơ hội cho người nhập cư từ nông thôn đồng nghĩa với việc đẩy cao cạnh tranh trong giới trung lưu thành thị, vốn được coi là hạt nhân để ổn định xã hội. Đó là sự đánh đổi mạo hiểm.
Và vì thế, với hàng triệu đàn ông Trung Quốc như Liu và Jin, cuộc tìm kiếm tình yêu, đi kèm giá trị và sự khẳng định trong xã hội, vẫn là một hành trình dài.