Số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu hôm 6/3 vượt cột mốc 100.000 sau khi nhiều quốc gia công bố số ca nhiễm tăng đột biến, trong đó riêng Iran ghi nhận kỷ lục hơn 1.200 ca nhiễm mới.
Iran ngày 6/3 cho biết virus corona (SARS-CoV-2) khiến 124 người tử vong và 4.747 ca nhiễm được xác nhận tại nước này.
Phát ngôn viên Bộ Y tế Kianoush Jahanpour công bố các số liệu cập nhật mới nhất nói trên trong cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình quốc gia.
"Chúng tôi ghi nhận thêm 1.234 ca nhiễm virus corona mới, mức tăng kỷ lục trong những ngày qua. Những trường hợp dương tính với virus corona mới được phát hiện có lẽ là những người nhiễm bệnh từ hai tuần trước và mới tới xét nghiệm khi có triệu chứng", ông Jahanpour nói trong cuộc họp báo tại Tehran.
Ông cảnh báo nước này có thể sử dụng "lực lượng" để hạn chế đi lại giữa các tỉnh, song không nêu rõ về các biện pháp này. Tuy vậy, người phát ngôn cũng thừa nhận dịch Covid-19 đã có mặt trên toàn bộ 31 tỉnh của nước Cộng hòa Hồi giáo.
|
Bác sĩ Iran điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona tại bệnh viện ở Tehran hôm 1/3. Ảnh: AFP/Getty. |
Gần ba chục quan chức chính phủ Iran và các thành viên của quốc hội bị nhiễm bệnh và một cố vấn cấp cao cho lãnh tụ tối cao đã qua đời.
Bộ Y tế đã đề xuất gửi 300.000 thành viên dân quân đến gõ cửa trực tiếp từng nhà để chống dịch. Công tố viên hàng đầu cảnh báo rằng bất kỳ ai tích trữ khẩu trang và các thiết bị y tế công cộng khác đều có nguy cơ bị tử hình.
Chỉ hai tuần trước, các lãnh đạo Iran tin rằng dịch bệnh virus corona tàn phá Trung Quốc sẽ không phải là vấn đề ở nước này. Họ thậm chí còn tự hào chia sẻ về xuất khẩu khẩu trang cho các đối tác thương mại Trung Quốc.
Nhân viên an ninh đóng tại mỗi bệnh viện
Khi thế giới vật lộn với sự lây lan của virus corona, dịch bệnh ở Iran là bài học về những gì xảy ra khi một quốc gia thiếu cởi mở với nguồn lực hạn chế cố gắng ngăn chặn sự bùng phát và sau đó gặp khó khăn.
Qua các cuộc phỏng vấn với hàng chục nhân viên y tế Iran, New York Times cho biết các nhà chức trách dường như lo lắng về việc kiểm soát thông tin khi họ tìm cách kiềm chế virus.
Một số nhân viên an ninh đóng tại mỗi bệnh viện đã cấm nhân viên tiết lộ thông tin nào về tình trạng vật tư, bệnh nhân hoặc ca tử vong liên quan đến virus corona.
|
Một thanh tra y tế kiểm tra nhiệt độ bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Tehran hôm 3/3. Ảnh: New York Times. |
Y tá ở một thành phố phía tây bắc Iran đã gửi tin nhắn riêng cho gia đình cô - sau đó được chia sẻ với New York Times - mô tả lá thư từ cơ quan an ninh cảnh báo rằng việc chia sẻ thông tin về các bệnh nhân bị nhiễm bệnh tạo thành "mối đe dọa đối với an ninh quốc gia" và "khiến công chúng hoang mang". Những hành vi phạm tội như vậy "sẽ được ủy ban kỷ luật xử lý nhanh chóng".
Các bác sĩ và chuyên gia cho rằng phản ứng bí mật và thái quá này dường như đang gây tổn hại đến niềm tin của công chúng và cản trở các bước thực tế hơn trong việc ngăn chặn dịch bệnh.
Một nhà nghiên cứu bệnh học nổi tiếng ở Tehran tiết lộ các nhân viên phòng thí nghiệm xét nghiệm virus corona cho biết họ cũng không được khuyến khích cung cấp thông tin cho truyền thông.
"Khi biến vấn đề này thành vấn đề an ninh quốc gia, họ đang gây thêm áp lực và căng thẳng cho các bác sĩ và đội ngũ y tế và tạo ra môi trường hỗn loạn và sợ hãi", nhà nghiên cứu nói với New York Times.
Dịch bệnh lan rộng
Ởphía bắc Iran, tỉnh Golestan - nơi Iran đã thừa nhận khoảng hai chục ca nhiễm - quan chức y tế hàng đầu đã lên tiếng trong cuộc họp báo hôm 1/3 về sự thất vọng của ông với việc Tehran từ chối thừa nhận mức độ của dịch bệnh.
"Chúng tôi đã biết từ ngày đầu rằng chúng tôi là tâm dịch", ông Fazel nói.
|
Tài xế taxi đeo khẩu trang ở Tehran. Ảnh: New York Times. |
Virus xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm 2019 đã tấn công Iran vào thời điểm dễ bị tổn thương. Nền kinh tế Iran bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Lực lượng an ninh đang nỗ lực đàn áp làn sóng biểu tình. Quân đội quay cuồng sau vụ máy bay không người lái của Mỹ ám sát vị chỉ huy quân sự huyền thoại.
Sự tín nhiệm trong nước với các nhà chức trách bị thách thức nghiêm trọng sau vụ lực lượng phòng không Iran đã bắn nhầm máy bay chở khách Ukraine chứa đầy hành khách Iran.
"Họ đang chao đảo từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác và cố gắng vá víu trước mỗi cuộc khủng hoảng. Họ đã đánh giá thấp tác động tiềm tàng của virus corona", Sanam Vakil, nhà nghiên cứu về Iran tại Chatham House ở London, cho biết.
Các quan chức y tế Iran ban đầu tự hào về năng lực y tế công cộng của họ. Họ chế giễu việc kiểm dịch là "cổ hủ" và miêu tả Iran là hình mẫu toàn cầu. Tuần trước, Tổng thống Hassan Rouhani hứa hẹn cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường.
Hôm 3/3, chính quyền cho biết họ đã tạm thời phóng thích 54.000 tù nhân được coi là không có triệu chứng, rõ ràng là với hy vọng giảm thiểu sự lây lan ở các trại giam đông đúc ở Iran. Nhưng không rõ có bao nhiêu tù nhân đã thực sự được xét nghiệm, do tình trạng thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm nghiêm trọng ở nước này.
Vì sự thiếu thốn đó, không ai có thể đoán được virus corona đã lan rộng bao xa ở Iran. Một nghiên cứu của Canada đã dự đoán một tuần trước rằng tổng số ca nhiễm thực sự có thể là hơn 18.000.
Phản ứng mâu thuẫn
Danh sách các quan chức cao cấp hiện tại hoặc trước đây bị bệnh trong vụ lây nhiễm bao gồm phó tổng thống, thứ trưởng bộ y tế và 23 thành viên quốc hội. Hôm 2/3, truyền thông nhà nước Iran đưa tin ít nhất một quan chức đã chết vì virus: Mohammad Mirmohammadi, 71 tuổi, thành viên Hội đồng Tham mưu, cố vấn cho lãnh đạo tối cao Iran.
|
Một hiệu thuốc ở Tehran hôm 3/3. Ít nhất 77 người đã chết ở Iran vì virus, chỉ đứng sau Trung Quốc. Ảnh: New York Times. |
Chính quyền Iran đã đưa ra loạt biện pháp để đối phó dịch bệnh. Công tố viên hàng đầu của quốc gia đe dọa sẽ xử tử bất cứ ai tích trữ khẩu trang hoặc vật tư khác. Hôm 1/3, Bộ trưởng Y tế Saeed Namaki đã công bố kế hoạch điều động lực lượng gồm 300.000 dân quân Basij mặc thường phục đến từng nhà để sàng lọc cư dân và khử trùng nhà cửa.
Các bác sĩ và chính trị gia Iran ngay lập tức chỉ trích kế hoạch này, nói rằng các dân quân không được huấn luyện có nhiều khả năng lây lan virus hơn là ngăn chặn nó.
Các đường phố của thủ đô Tehran trở nên trống vắng khi các cư dân cố thủ trong nhà vì sợ lây bệnh. Nhưng tại thánh địa Qom, nơi dịch bệnh bùng phát, các nhà thờ Hồi giáo và đền thờ vẫn tổ chức các buổi thờ phượng đại chúng cho khách hành hương viếng thăm bất chấp lời khuyên của Bộ Y tế.
|
Công nhân khử trùng tàu điện ngầm ở Tehran tuần trước. Ảnh: AP. |
Tiến sĩ Afkhami, tác giả cuốn sách về phản ứng trong quá khứ của Iran trước các bệnh dịch, cho biết Iran đã tự hào trong nhiều thập kỷ về sức mạnh của hệ thống y tế công cộng. Năm 2008, Iran đã hành động hiệu quả để ngăn chặn dịch tả từ các nước láng giềng, một phần bằng cách cấm bán rau quả tươi và thức ăn đường phố ở một số khu vực.
Tuy nhiên, lần này, các cơ quan y tế của Iran dường như đã mất cảnh giác.
Dựa vào Trung Quốc với tư cách đối tác thương mại thiết yếu nhất trước lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran đã chậm chạp trong việc hạn chế đi lại sau những báo cáo đầu tiên về đợt bùng phát ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào tháng 12/2019.
Sau đó, Tehran tự hào vì đã gửi nguồn cung khẩu trang bệnh viện sản xuất trong nước cho Trung Quốc, làm cạn kiệt nguồn cung cấp của Iran khi các quốc gia khác đang âm thầm dự trữ cho riêng họ. "Bây giờ, sự thiếu hụt khẩu trang là do họ tự chuốc lấy", Tiến sĩ Afkhami nói.
100.276 ca nhiễm trên toàn cầu
Theo số liệu từ Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), số ca nhiễm virus corona chủng mới trên toàn thế giới đã lên tới 100.276, với 55.694 trường hợp đã hồi phục và 3.404 ca tử vong.
Ngoài Iran, hàng loạt quốc gia châu Âu khác cũng công bố số ca nhiễm Covid-19 mới tăng đột biến trong ngày 6/3.
Viện Robert Koch, trung tâm kiểm soát dịch bệnh liên bang của Đức, hôm 6/3 công bố thêm 134 người nhiễm virus corona, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên tới 543.
Con số ca nhiễm mới ở Đức chỉ kém Trung Quốc - nơi khởi phát dịch Covid-19, có 9 ca. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 6/3 đã công bố tổng cộng 143 ca nhiễm mới ở nước này.
|
Lothar Wieler (phải), Chủ tịch Viện Robert Koch, tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 2/3. Ảnh: AFP. |
Hơn một nửa số ca nhiễm mới do Viện Robert Koch công bố tập trung ở vùng phía tây của North Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất của Đức.
Lây nhiễm cộng đồng bắt đầu bùng phát sau ca nhiễm không rõ nguồn gốc đầu tiên được phát hiện ở North Rhine-Westphalia ngày 24/2. Cho đến nay, Đức vẫn chưa ghi nhận ca tử vong nào vì nhiễm virus corona.
Dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng tại các nước châu Âu. Tại Italy, số người tử vong vì virus corona tại Italy đã tăng thêm 41 trường hợp trong 24 giờ qua ở Italy, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 148.
Italy cũng là quốc gia có số người chết vì Covid-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, số ca tử vong và ca nhiễm mới tại nước này vẫn chưa có dấu hiệu đi xuống. Tổng cộng số ca nhiễm virus corona ở quốc gia châu Âu bị dịch Covid tấn công nặng nề nhất đã lên tới 3.858, tính tới 5/3, tăng 769 ca so với con số công bố một ngày trước đó.
Tại Hà Lan, một người đàn ông 86 tuổi hôm 6/3 đã trở thành trường hợp đầu tiên tử vong tại nước này do nhiễm virus corona.
Viện Y tế Cộng đồng Quốc gia Hàn Lan (RIVM) cho biết nguồn lây nhiễm của bệnh nhân này chưa được xác định. Cơ quan này cho biết thêm rằng bệnh nhân đã bị cách ly ngay khi được xác nhận nhiễm virus corona và những người từng tiếp xúc với bệnh nhân, bao gồm khách đến thăm tại bệnh viện và nhân viên y tế, đều được kiểm tra sức khoẻ.
Hôm 5/3, số bệnh nhân nhiễm virus corona đã tăng hơn gấp đôi lên 82 trường hợp, từ con số 32 người nhiễm một ngày trước đó, theo thống kê của Viện Quốc gia về Sức khỏe Cộng đồng của Hà Lan.
Hà Lan lần đầu ghi nhận người nhiễm Covid-19 vào ngày 27/2.
Tại Thụy Sĩ, quốc gia nằm ở trung tâm của châu Âu, ca tử vong đầu tiên vì virus corona đã được ghi nhận, một cụ bà 74 tuổi. Hiện nước này đã ghi nhận 58 ca nhiễm virus.
Ireland báo cáo ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở nước này hôm 5/3, một người không có lịch sử đi lại ở vùng dịch tại Italy. Số ca nhiễm cũng tăng từ 6 lên 13.
Hungary xác nhận ca nhiễm thứ ba là một người đàn ông trở về từ Milan, Italy. Cả 2 ca nhiễm trước đó đều là sinh viên Iran tại Hungary.
Pháp có thêm 138 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 423. Nước này cũng ghi nhận 7 ca tử vong, với 3 bệnh nhân qua đời hôm 5/3.
Anh cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên và số ca nhiễm tăng lên đến 115 trong ngày 5/3. Trong khi đó, Tây Ban Nha ghi nhận 234 ca trên toàn quốc với 3 người đã tử vong.
6.593 ca nhiễm ở Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, quốc gia có số ca nhiễm virus corona lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lên tới 6.593.
Hàn Quốc đã ghi nhận được 42 ca tử vong, trong đó phần lớn là người cao tuổi và có bệnh nền. Trường hợp tử vong mới nhất được ghi nhận ở thành phố Daegu, nơi khởi phát lây nhiễm cộng đồng. Bệnh nhân là nam giới, 80 tuổi, mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, trường hợp này chưa được đưa vào cập nhật mới nhất của KCDC chiều 6/3, theo Yonhap.
|
Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ ở Hàn Quốc. Ảnh: AP. |
Khoảng 60% ca nhiễm ở Hàn Quốc liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa Shincheonji. KCDC ngày 26/2 kết luận lây nhiễm cộng đồng bùng phát ngày 16/2 sau một thánh lễ tại nhà thờ của giáo phái ở Daegu.
Trong khi đó, ngày 6/3 cũng chứng kiến một điếm nóng dịch Covid-19 đáng chú ý khác ở châu Á khi Malaysia ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến trong ngày với 28 người nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca ở nước này lên tới 83.
Đây là số ca nhiễm tăng cao chưa từng thấy trong một ngày của quốc gia đã giữ số ca nhiễm dưới 30 suốt nhiều tuần.
"Các ca bệnh gia tăng đột biến có liên quan đến việc tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân số 26", Bộ trưởng Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah nói trong một tuyên bố, đề cập đến bệnh nhân 26 của nước này.
Bệnh nhân số 26 được xác định là ca bệnh nguyên phát khi tiếp xúc gần gũi với hơn 250 người và lây bệnh cho ít nhất 21 khác.