"Nhu cầu đoàn kết quốc tế và hợp tác đa phương là điều dễ thấy hơn bao giờ hết. Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2020 cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vì những nỗ lực chống lại nạn đói, vì những đóng góp của nó trong việc cải thiện điều kiện hòa bình ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột và đóng vai trò như một động lực trong nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng nạn đói như một vũ khí chiến tranh và xung đột", phát biểu trao giải cho biết.
Chương trình Lương thực thế giới là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới giải quyết nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực. Vào năm 2019, WFP đã hỗ trợ gần 100 triệu người ở 88 quốc gia là nạn nhân của nạn đói và mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Năm 2015, xóa đói đã được thông qua là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.
Đại dịch COVID-19 đã góp phần làm tăng mạnh số lượng nạn nhân của nạn đói trên thế giới. Tại các quốc gia như Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Nam Sudan và Burkina Faso, sự kết hợp của xung đột bạo lực và đại dịch đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể số người sống trên bờ vực của nạn đói. Đối mặt với đại dịch, Chương trình Lương thực Thế giới đã chứng tỏ khả năng ấn tượng trong nỗ lực của mình. Như chính tổ chức đã tuyên bố, "Cho đến ngày chúng ta có vaccine y tế, thực phẩm là loại vaccine tốt nhất chống lại sự hỗn loạn".
Ủy ban Nobel Na Uy muốn nhấn mạnh rằng việc cung cấp hỗ trợ để tăng cường an ninh lương thực không chỉ ngăn chặn nạn đói mà còn có thể giúp cải thiện triển vọng ổn định và hòa bình.
Giải thưởng Hòa bình năm nay đến trong một năm bị chi phối bởi xung đột, sự bất ổn và đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người trên toàn thế giới. Điều này khiến nó có ý nghĩa to lớn và nhận được nhiều sự chú ý.
Trước khi giải thưởng Hòa bình được công bố, Tổ chức Y tế Thế giới, nhà hoạt động khí hậu Greta Thunberg hoặc các nhóm tự do báo chí được cho là những ứng cử viên nặng ký. Có 318 ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình 2020, đây là con số lớn thứ 4 trong lịch sử giải thưởng. Danh sách này không được tiết lộ cụ thể, nhưng một số cái tên nổi bật như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern được những người đề cử tiết lộ.
Năm 2019, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali đã được trao giải Nobel Hòa bình vì sáng kiến của ông trong việc giải quyết xung đột biên giới với nước láng giềng Eritrea. Năm 2018, giải thưởng được trao cho các nhà hoạt động Denis Mukwege và Nadia Murad vì những nỗ lực trong việc kết thúc bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang.
Một số cái tên nổi bật khác từng được trao giải Nobel Hòa Bình trong thời gian gần đây là Barack Obama (2009), Liên minh châu Âu (2012).
Theo di chúc của Nobel, Giải thưởng Hòa bình nên được trao cho người "đã làm nhiều nhất hoặc tốt nhất cho tình hữu nghị giữa các quốc gia, cho việc bãi bỏ hoặc cắt giảm quân đội thường trực và cho việc tổ chức và thúc đẩy hòa bình".