Nữ sát thủ là một cô gái nhỏ nhắn xinh xắn với công việc là một bồi bàn đồng thời là một nhà thơ vô danh trong khi người còn lại là một thanh niên với giọng nói nhanh và có tiền án ăn cắp vặt. Cặp đôi ấy chính là Bonnie Elizabeth Parker và Clyde Chestnut Barrow – đôi tình nhân sát thủ khét tiếng nhất mọi thời đại.
Sáng ngày 23/5/1934, đôi tình nhân Bonnie và Clyde đang ngồi trên chiếc Ford V8 vừa đánh cắp. Trong khi Clyde lái xe, Bonnie ngồi bên cạnh ngắm cảnh, miệng phù phèo điếu thuốc lá Camel. Không ai ngờ rằng, đằng sau bộ dạng thảnh thơi ấy lại là hai tên sát thủ vừa mới rời khỏi nơi lẩn trốn tại Black Lake (bang Lousiana). Cặp đôi lao hết tốc lực hướng về phía Arcadia, nơi Clyde quyết định sẽ cướp một ngân hàng để có tiền cho bữa điểm tâm.
|
Cặp tình nhân Bonnie và Clyde. (ảnh:Popdust) |
Khi đến Bienville, cả hai nhìn thấy Ivy, cha của Henry Methvin, một thành viên trong băng, đang đứng cạnh một chiếc xe tải cũ có vẻ như đã bị hỏng. Clyde quyết định dừng xe, toan giúp người đàn ông khốn khổ một tay. Thế nhưng ngay lập tức, Ivy chạy nhanh đến nấp sau một gốc cây. Còn chưa hết ngạc nhiên, cả hai bỗng nghe thấy hàng loạt tiếng súng nổ đằng sau những lùm cây. Clyde chưa kịp động thủ thì đạn đã bắn ra như mưa. 167 phát đạn. Clyde đã chết ngay lập tức vì trúng đạn, trong khi người tình của hắn chỉ kịp cất lên tiếng ai oán kinh hoàng trước khi trút hơi thở cuối cùng. Vậy là, cuối cùng, cặp đôi giang hồ huyền sử đã phải đền tội trong một cuộc vây bắt quy mô lớn nhất, mang nhiều màu sắc ly kỳ nhất của nước Mỹ đương đại.
Trở thành nữ tướng cướp vì tình yêu
Bonnie Elizabeth Parker sinh năm 1910 ở Rowena, bang Texas (Mỹ) trong một gia đình có ba người con. Người cha là ông Henry, một thợ nề, còn người mẹ là bà Emma Parker. Sinh sống trong một khu phố nghèo của thành phố, cuộc sống ngày càng trở nên cơ cực với Bonnie khi 5 tuổi đã mồ côi cha. Tuy vậy, càng trưởng thành, Bonnie càng ra dáng một thiếu nữ xinh xắn với dáng người nhỏ nhắn, mái tóc vàng và khuôn mặt thanh tú, đáng yêu. Là một học sinh giỏi tại trường, Bonnie có kết quả học tập khá tốt, nổi bật ở môn viết và vẽ.
Tuy vậy, do quá chán nản với cuộc sống tầm thường, Bonnie quyết đinh bỏ học ở tuổi 16 và kết hôn với Roy Thornton, 21 tuổi, một tên “dủ thủ du thực” sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở Dallas. Cuộc sống hôn nhân với Bonnie cũng không hạnh phúc hơn là bao khi Roy liên tục vắng nhà và rất ít khi gần gũi vợ. Vào năm 1929, Roy phải vào tù bóc lịch 5 năm với tội danh trộm cắp. Trong khoảng thời gian Roy xa nhà, Bonnie buộc phải làm hầu bàn để trang trải cuộc sống và thường chịu những lời cay nghiệt của các vị khách. Tháng 2/1932, Roy được tại ngoại, thế nhưng “ngựa quen đường cũ”, hắn lại bị bắt lại, lần này là hành vi giết người. Sau đó, cả hai không còn gặp lại nhau nhưng cũng không làm thủ tục ly dị, thậm chí Bonnie còn đeo nhẫn cưới mà Roy trao tặng cho đến tận giờ phút cuối cùng của cuộc đời.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Vào tháng Một năm 1930, Bonnie Parker gặp Clyde Barrow ở nhà một người bạn khi còn là những thanh niên mới lớn, Bonnie 19 tuổi, còn Clyde 21. Clyde Barrow sinh ngày 24/3/1909 ở Telico, bang Texas trong một gia đình có tám người con. Gia đình Barrow đã di cư đến Dallas vào đầu những năm 1920 như một phần của làn sóng tái định cư từ các trang trại nghèo khổ gần đó để tới các khu ổ chuột nằm ẩn bên trong những khu phố phía Tây thành phố Dallas. Cha mẹ của Clyde đều là nông dân, cuộc sống hết sức chật vật. Năm 12 tuổi, khi người cha chuyển tới Dallas và mở một trạm xăng để kiếm kế sinh nhai, Clyde nhanh chóng hòa nhập với nhịp sống sôi động nơi đây. Tuy vậy, sớm cảm nhận được nỗi khốn khổ của những kẻ nghèo đói, Clyde bắt đầu trở thành một “đạo chích” và sớm trở thành nhân vật được “quan tâm” bậc nhất của cảnh sát khu vực.
Bonnie yêu Clyde ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chàng trai này có mái tóc nâu và đôi mắt cùng màu. Dù xuất thân nghèo khó nhưng Clyde rất cuốn hút phụ nữ. Cả hai tìm đến nhau như một định mệnh, đều chung “lý tưởng” chán ghét và bất mãn cái nghèo đói ở môi trường mà họ sinh ra. Không hề bận tâm tới những người bạn chung có mặt hôm đó, Bonnie và Clyde cùng nhau trò chuyện hàng tiếng đồng hồ. Trong những buổi hẹn hò sau đó, cả hai vẫn tiếp tục cuốn hút nhau. Clyde tin tưởng kể cho Bonnie về quá khứ của mình. Hắn thú nhận rằng mình đang bị cảnh sát truy đuổi về những tội đã từng gây ra trước đó, đặc biệt thời gian hắn ở Waco.
Vừa gặp nhau mấy ngày, Clyde đã bị công an bắt giam vì tội trộm cắp. Tưởng chừng cô gái trẻ tiếp tục buông bỏ người chồng, người tình tội lỗi, thế nhưng vì yêu Clyde say đắm, Bonnie đã bất chấp tất cả, lén đưa một khẩu súng ngắn cho Clyde để giúp hắn vượt ngục. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, Clyde lại bị bắt lại thêm một lần nữa và bị bỏ tù ở Eastham. Tại đây, hắn lại tiếp tục gây tội ác bằng việc giết hại một viên cảnh sát và một thủ kho. Thậm chí, Clyde thuyết phục bạn tù chặt ngón chân của hắn để được mãn hạn tù trước thời hạn và thoát hình phạt lao động khổ sai.
Ngày 8/2/1932, lệnh tạm tha Clyde khỏi Eastham bất ngờ được ký. Clyde quay trở lại tìm Bonnie. Mối tình của họ lại bắt đầu lại và gắn bó hơn bao giờ hết.
“Robin Hood” của nước Mỹ
Trong bối cảnh nước Mỹ đang rơi vào cuộc Đại suy thoái (Great Depression), Bonnie và Clyde quyết định phải đổi đời bằng một cuộc sống tươi đẹp hơn. Clyde lên kế hoạch thành lập băng nhóm của riêng mình cùng với tên “đàn em” trung thành là Richard Fults. Trong khi đó, Bonnie tình nguyện tham gia băng đảng, tạo thành một bộ ba “khét tiếng” chuyên thực hiện các vụ cướp nhỏ tại các cửa hàng và cây xăng. Mục tiêu của băng nhóm là thu thập đủ tiền và vũ khí để trả thù nhà tù Eastham, chốn địa ngục đã từng đày đọa Clyde. Thế nhưng khi đang thực hiện một phi vụ trộm cướp tại Kaufman, bang Texas, Bonnie và Fults đã bị bắt. Bonnie được thả sau đó một vài tháng do bồi thẩm đoàn không kết tội ả, trong khi Fults bị truy tố và xét xử. Hắn ngồi tù một thời gian và sau khi mãn hạn tù thì tuyên bố không bao giờ quay trở lại băng đảng của Clyde nữa.
Có thể nói, biến cố Kaufman đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của Bonnie. Cô gái trẻ cảm thấy thích thú với công việc trộm cắp và coi đó như một cuộc phiêu lưu đầy “lãng mạn” với người mình yêu. Mặc dầu vậy, với những phi vụ trộm cắp, giết người liên tiếp, Clyde nhanh chóng trở thành nhân vật hàng đầu trong “bản danh sách đen” cần truy nã của cánh sát. Clyde quyết định rời khỏi Waco. Trước lúc ra đi, Clyde tìm đến Bonnie để thông báo quyết định của hắn. Clyde nói muốn Bonnie cùng hắn tới vùng Tây Nam để “xây dựng cuộc đời mới”, nhưng hắn không ép Bonnie phải làm theo hắn. Thế nhưng, ngay sau khi nghe kế hoạch của người tình, Bonnie không do dự, ôm Clyde thật chặt rồi thu dọn hành lý và rời đi cùng Clyde ngay trong ngày hôm đó.
Trên những chiếc xe lấy cắp, Bonnie và Clyde rong ruổi khắp miền Tây Nam nước Mỹ, đánh cướp các trạm xăng, cửa hiệu tạp hóa, nhà hàng nhỏ và thỉnh thoảng là vài ngân hàng hay bắt cóc con tin. Từ Arkansas, Missouri, Oklahoma, Texas cho đến Louisiana, cặp tình nhân điên cuồng gieo rắc bạo lực và kinh hoàng trên đường đi. Mỗi lần thực hiện xong một phi vụ, cả hai lại tẩu thoát lên các vùng biên giới để tránh sự truy lùng của cảnh sát. Clyde thường xuyên đánh cắp các chiếc xe để tránh bị bắt đồng thời nghiên cứu bản đồ cụ thể các con đường để tẩu thoát. Thậm chí, hắn không ngần ngại xả súng vào bất kỳ ai ngáng đường chúng, kể cả cảnh sát. Bonnie không trực tiếp giết hại bởi ả không giỏi dùng súng như Clyde, thế nhưng ả luôn là kẻ đồng lõa với người tình trong mọi tội ác. Trên cuộc hành trình trải đầy máu và nước mắt, Bonnie và Clyde giết hại không dưới 12 người, trong đó có nhiều cảnh sát. Cặp đôi còn thu nhận thêm nhiều thuộc hạ như Buck, em trai của Clyde, cô vợ Blance của Buck, Raymond Hamilton – một sát thủ trẻ tuổi, rồi W.D. Jones, Joe Palmer, Henry Methvin... Tất cả hợp thành băng đảng Barrow mang lại những tai họa và những điều chết chóc trên mọi cung đường chúng quét qua.
Trong thời điểm “cơn thủy triều” Đại Khủng Hoảng 1929 quét sạch mọi của cải, vật chất của người dân Mỹ, Bonnie và Clyde đã tạo ra một làn sóng tôn sùng chưa từng có. Đôi tình nhân được truyền thông Mỹ xây dựng hình tượng “cặp sát thủ nguy hiểm nhất nước Mỹ”. Thậm chí, một làn sóng dân chúng còn suy tôn hai tên tội phạm nằm ngoài vòng pháp luật như những người hùng của dân nghèo, tổ chức các vụ cướp đánh vào nhà giàu, chống trả cảnh sát kịch liệt rồi lái chiếc xe Ford vương giả hiên ngang đi giữa các trận thư hùng.
Mặc dù vậy, lệnh truy nã từ Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã khiến Bonnie và Clyde gặp khó khăn khi di chuyển. Do vậy chúng quyết định sống trong ô tô để tránh cái nhìn soi mói của người dân. Giọt nước tràn ly xảy ra vào tháng Một năm 1934, khi Bonnie và Clyde tấn công một nhà tù để giải thoát các tù nhân, đồng thời bắn chết hai viên cảnh sát trên đường tẩu thoát. Để tóm gọn đôi uyên ương nguy hiểm và liều lĩnh bậc nhất, vào ngày 23/5/1934, một đội cảnh sát tinh nhuệ đã thiết lập một vụ bố ráp quy mô lớn chưa từng có sau nhiều lần để hai tên tội phạm tẩu thoát. Từ manh mối chiếc xe bị đánh cắp, họ đã thu thập bằng chứng và lần theo dấu vết trốn chạy của 2 kẻ tội phạm. Nhận được nguồn tin mật “chỉ điểm” rằng Bonnie và Clyde đang ẩn náu tại thị trấn Arcadie gần địa phận Louisiana, cảnh sát Texas và các tiểu bang lân cận lập tức phối hợp lên phương án đón lõng ngay lập tức cho dù bắt sống hay bắn chết.
Cuối cùng, cảnh sát đã trông thấy chiếc xe của Bonnie và Clyde. Được cảnh báo về tài thiện xạ của Clyde nên họ nổ súng không một chút chần chừ. Chưa đến 2 phút, đã có 167 viên đạn được bắn ra. Thậm chí Clyde còn chưa kịp cầm lấy một trong 3 khẩu tiểu liên hay 2 khẩu súng trường hoặc 12 khẩu súng lục để ở băng ghế sau. Trong chiếc xe thủng lỗ chỗ thi thể đẫm máu cùa hai tên cướp bị truy lùng gắt gao nhất nước Mỹ.
Lúc ấy, Bonnie mới 23 tuổi và Clyde 25 tuổi. Thi thể của họ được trưng bày và quay phim tại nhà xác Arcadia. Cảnh sát phải nhanh chóng rào chiếc xe V8 lại để đám đông không tháo gỡ các bộ phận làm kỷ niệm.
Có thể nói, hai cá tính giang hồ của Bonnie và Clyde đã làm xuất hiện những câu chuyện thêu dệt đầy lãng mạn. Chuyện tình của cả hai thậm chí còn được Hollywood dựng thành bộ phim đạt 2 giải Oscars danh giá và được ra mắt vào năm 1967. Minh chứng cho tình yêu đầy sâu sắc và mạo hiểm của Bonnie và Clyde, sau khi cả hai qua đời, cảnh sát đã tìm thấy rất nhiều cuốn phim dưới ghế xe hơi. Trước đó, trong suốt hành trình phạm tội, cặp đôi đều mang theo chiếc máy ảnh Kodak để lưu lại những hình ảnh bên cạnh những khẩu súng, và không thể thiếu những tấm ảnh thân mật bên nhau.
Ít người biết rằng, Bonnie Parker tuy giết người cướp của không ghê tay nhưng lại là một phụ nữ có tâm hồn rất lãng mạn. Nữ tướng cướp từng viết hai bài thơ về tình yêu và lối sống ngoài vòng pháp luật của bản thân và người tình Clyde Barrow có tên “The Story of Suicide Sal” và “The Story of Bonnie and Clyde”. Trong đó, bài thơ The Story of Bonnie and Clyde được Bonnie gửi lại cho mẹ trước khi bị bắn hạ vài tuần. Cho đến nay, dù Bonnie và Clyde đã bị tiêu diệt hơn 80 năm trước, vẫn có không ít người săn lùng những bút tích của Bonnie, bởi không dại gì nữ giang hồ đang bị cảnh sát truy lùng gắt gao này lại lấy tên thật để gửi đến các báo. Mặc dù di nguyện của Bonnie là được chôn cất bên cạnh người tình Clyde Barrow, hai gia đình đã mai táng đôi tình nhân ở hai nghĩa trang khác nhau.
Mời quý độc giả xem video Tên trộm liều lĩnh (nguồn Youtube):