Trong khi mọi người coi việc những tảng băng vỡ ra từ cực là dấu hiệu của sự ấm lên toàn cầu, Văn phòng Cố vấn Quốc gia Dubai lại cho đây là một nguồn lợi nhuận, cách hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu trong vùng Vịnh đang nóng dần lên.
Công ty đã lên kế hoạch thu gom các tảng băng trôi phía nam Ấn Độ Dương và đưa tới vùng Vịnh cách đó 9.200 km, nơi chúng có thể tan chảy, mang lại nguồn nước sạch và được quảng bá thành điểm du lịch.
"Các tảng băng đang trôi tới Ấn Độ Dương. Bất cứ ai có khả năng mang về đều có thể lấy", Giám đốc điều hành Abdullah al-Shehi cho biết. Ông hy vọng có thể bắt đầu thu gom vào năm 2019.
Công ty sẽ đưa các tàu tới đảo Heard, một khu bảo tồn thiên nhiên của Australia nằm ở phía nam Ấn Độ Dương. Họ sẽ di chuyển giữa các tảng băng khổng lồ để tìm kiếm những khối nước đá có kích thước bằng xe tải. Sau đó các công nhân sẽ dùng lưới để mang chúng tới thuyền, rồi bắt đầu hành trình dài một năm để trở về Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
|
Văn phòng Cố vấn Quốc gia Dubai có tham vọng bằng mọi cách đưa được băng trôi từ Nam Cực về Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ảnh: Supplied. |
Công ty tin rằng hầu hết khối băng nằm dưới nước, và sẽ không tan chảy đáng kể trong suốt chuyến đi. Al-Shehi cho biết mỗi tảng băng chứa khoảng 20 tỷ gallon (khoảng hơn 75 tỷ lít) nước ngọt, gần bằng lượng nước cung cấp cho toàn bộ vùng Vịnh hiện nay, có thể sử dụng mà không tốn chi phí khử muối.
Al-Shehi cho biết dự án của ông là một sáng kiến cá nhân. Ông sẽ tìm kiếm sự đồng thuận của chính phủ khi công ty hoàn tất nghiên cứu khả thi. Ông từ chối tiết lộ chi phí ước tính, và cho biết họ chưa tiến hành nghiên cứu tác động đến môi trường.
Không quá ngạc nhiên khi ý tưởng này bắt nguồn từ Dubai, thành phố vốn nổi tiếng với đường dốc trượt tuyết trong nhà, các đảo nhân tạo và tòa nhà cao nhất thế giới. Tuy nhiên, kế hoạch khai thác băng trôi vấp phải một loạt rào cản pháp lý, tài chính và hậu cần. Các nhà môi trường học cũng không vui vì điều này.
Thách thức bắt đầu từ đảo Heard, nơi Australia nghiêm khắc hạn chế tiếp cận để bảo tồn hệ sinh thái phong phú bao gồm các loài chim di cư, hải cẩu, chim cánh cụt và cá. Các tàu lớn có thể phá vỡ hệ sinh thái này. Ngay cả việc tiếp cận Nam Cực cũng phụ thuộc vào các điều ước quốc tế với những quy định về môi trường, đồng thời cấm các hoạt động khai thác và quân sự.
Nam Cực chiếm 60% lượng nước ngọt của thế giới và có khoảng 1,2 tỷ tấn băng tách ra mỗi năm. Lượng băng mất đi ngày càng tăng do sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, loại băng ở Nam Cực được cho là "khô" nhất thế giới và chỉ có thể lấy được lượng nước nhỏ từ đó.
Hoda Barake, người phát ngôn của nhóm vận động về khí hậu 350.org, đưa ra biện pháp đơn giản hơn để giải quyết biến đổi khí hậu ở Trung Đông, đó là giảm phát thải và giữ tất cả nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất.
Ngoài ra, giám đốc công ty tư vấn Climate Focus, bà Charlotte Streck, cũng đánh giá dự án là "một phương pháp tốn kém và vô ích" để giải quyết vấn đề nguồn nước ở vùng Vịnh và "dường như đi ngược lại tất cả ý tưởng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu".
Al-Shehi phản đối và nhấn mạnh rằng dự án sẽ không tác động đến Nam Cực hay bất cứ môi trường tự nhiên nào khác. Ông nói rằng toàn bộ quá trình "sẽ như một giọt nước giữa đại dương".