Theo trang thống kê worldometers.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới có trên 236.000 ca mắc COVID-19 và trên 4.900 ca tử vong, chủ yếu vẫn tập trung ở ba quốc gia Mỹ, Brazil và Ấn Độ.
Cụ thể là: Ấn Độ ghi nhận số ca mắc hàng ngày cao nhất với gần 64.000 ca; tiếp đó là Mỹ với trên 49.000 ca và Brazil với trên 38.000 ca.
Ba quốc gia nói trên cũng ghi nhận số người tử vong cao nhất thế giới trong 24 giờ qua: Mỹ (1.005 ca), Ấn Độ (950 ca) và Brazil (661 ca).
|
Khám sức khỏe cho các bệnh nhân tại trung tâm điều trị COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Châu Á
Trung Quốc ghi nhận 22 ca nhiễm COVID-19
|
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 30/6. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Ngày 15/8, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã ghi nhận 22 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 14 ca "nhập cảnh" và 8 ca lây truyền trong nước. Có tới 20 ca mới không có triệu chứng, trong đó có 13 ca nhập cảnh.
Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, 7 ca tại khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và 1 ca ở tỉnh Quảng Đông. Một ca nghi nhiễm mới tại Thượng Hải là ca vừa nhập cảnh và không có ca tử vong nào trong ngày 14/8.
Tính đến hết ngày 14/8, tổng cộng 2.263 ca nhập cảnh đã được ghi nhận tại Trung Quốc. Trong số này, 2.084 người đã khỏi bệnh và được xuất viện. 179 ca đang được điều trị, không có trường hợp nguy kịch và tử vong.
Đến hết ngày 15/8, NHC ghi nhận 4.406 ca nhiễm và 67 ca tử vong tại Đặc khu Hành chính Hong Kong, 46 ca nhiễm tại khu hành chính đặc biệt Macau, và 481 ca nhiễm trong đó có 7 ca tử vong tại Đài Loan.
Nhật Bản hạn chế sự kiện đông người
Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục hạn chế số lượng khách tối đa tham gia các buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao chuyên nghiệp và các sự kiện khác ở mức 5.000 người, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan ở nhiều nơi trên cả nước.
Ban đầu, chính phủ dự định áp dụng hạn chế trên đến cuối tháng 8, sau khi số người được phép tham gia các sự kiện lớn đã tăng từ mức 1.000 người lên tối đa 5.000 người từ tháng 7. Tuy nhiên, ngày 14/8, Tokyo đã ghi nhận 389 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong một tuần qua, trong đó khu vực thành thị và lĩnh vực du lịch ghi nhận số ca nhiễm tương đối cao trong mùa nghỉ dưỡng.
Đây cũng là lần đầu tiên trong tuần qua, số ca nhiễm trong một ngày vượt ngưỡng 300 ca. Hiện Tokyo ghi nhận tổng cộng 17.069 ca nhiễm, còn cả nước ghi nhận 54.600 ca. Theo chính quyền thủ đô Tokyo, 58% số ca nhiễm tại thành phố này ở độ tuổi 20-30, khoảng 62% không rõ nguồn gốc lây nhiễm.
Hàn Quốc cảnh báo khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận
Sáng 15/8, Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh (KCDC) cho biết đã ghi nhận 166 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 15.039 ca. KCDC cảnh báo khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận đang đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch mới và việc nới lỏng quy định giãn cách xã hội có thể phải lùi lại nếu tốc độ lây nhiễm tiếp tục tăng.
Cùng ngày, Hàn Quốc đã quyết định áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn ở vùng đô thị Seoul sau khi số ca mắc mới trong ngày tại quốc gia này tăng lên 166 ca, mức cao nhất từng ghi nhận trong 5 tháng qua trong bối cảnh tốc độ lây lan dịch bệnh đang tăng nhanh đáng báo động.
Theo quyết định mới được đưa ra sau cuộc họp đánh giá tình hình ứng phó dịch bệnh của chính phủ, kế hoạch giãn cách xã hội ở Seoul và vùng Gyeonggi phụ cận được nâng một cấp, lên cấp độ 2. Quyết định có hiệu lực từ ngày 16/8 và kéo dài 2 tuần. Tại cuộc họp, Thủ tướng Chung Sye-kyun nhận định tình hình dịch hiện tại đang ở mức độ nguy hiểm và nếu không sớm được kiểm soát, Hàn Quốc có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng dịch lan rộng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Giãn cách xã hội cấp độ 2 có nghĩa là các cơ sở công cộng như thư viện, phòng triển lãm, viện bảo tàng sẽ chỉ được phục vụ tối đa 50% công suất bình thường, xét về số lượng khách tới thăm. Các trung tâm phúc lợi và nhà trẻ được khuyến cáo tạm ngừng hoạt động.
|
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 10/8. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Các hoạt động tụ tập quy mô lớn như lễ hội, triển lãm thương mại với số người tham gia ước tính hơn 50 người (sự kiện trong nhà) và 100 người (sự kiện ngoài trời) sẽ phải hủy hoặc hoãn.
Các trường học cần kết hợp cả 2 hình thức học trực tuyến hoặc trực tiếp đến lớp, các sự kiện thể thao trở lại hình thức thi đấu không khán giả.
Các cơ sở kinh doanh tư nhân được cho là có nguy cơ lây nhiễm cao như quán bar, karaoke, phòng tập thể hình, phòng hòa nhạc, trung tâm logistics, trung tâm luyện thi với hơn 300 người trở lên và các nhà hàng buffet được phép hoạt động nhưng cần tuân thủ các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt.
Quán cafe và nhà hàng thông thường vẫn được hoạt động. Các cơ sở kinh doanh này sẽ phải đóng cửa nếu tình hình không cải thiện trong vòng 2 tuần tới.
Các công ty, cả tư nhân và công lập, cần phải cho người lao động các lựa chọn làm việc linh hoạt như làm việc từ xa để giảm số người cùng làm việc tại một địa điểm.
Iraq tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất
Tại Iraq, Bộ Y tế nước này ghi nhận 4.293 ca nhiễm mới trong ngày 15/8, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca bệnh lên 172.583 người. Số ca tử vong cũng tăng thêm 76 người, theo đó tổng số người chết vì COVID-19 tăng lên 5.785 trường hợp.
Thứ trưởng Y tế Iraq Hazim al-Jumaili cho rằng nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh luôn ở mức tăng trên 4.000 mỗi ngày là do người dân không tuân thủ các biện pháp y tế trong dịp lễ Eid al-Adha, đồng thời kêu gọi các cơ quan liên quan nhanh chóng áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt đối với những người vi phạm các chỉ dẫn y tế.
Indonesia tiếp tục đóng cửa với du khách nước ngoài
Indonesia sẽ tiếp tục đóng cửa đối với du khách nước ngoài cho đến khi có vaccine phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước cũng là người đứng đầu Ủy ban Xử lý dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia Indonesia, ông Erick Thohir, cho biết chính phủ nước này không muốn những nỗ lực kiềm chế dịch bệnh bị hủy hoại bằng cách mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch nhằm tránh phát sinh các ổ dịch mới. Theo ông Thohir, việc mở cửa trở lại biên giới cho du khách nước ngoài cần phải đi đôi với việc tạo ra khả năng miễn dịch để không phải bắt đầu chống dịch lại từ đầu.
Ngành du lịch của Indonesia có nguy cơ đối mặt với khoản lỗ 4 tỷ USD do lượng khách du lịch nước ngoài giảm mạnh và 4 tỷ USD do du khách trong nước ít đi du lịch từ tháng 1 đến tháng 4. Chính phủ Indonesia đang dần dần mở cửa trở lại một số điểm du lịch cho du khách trong nước và chú trọng khôi phục hoạt động du lịch trong nước trước khi mở cửa trở lại cho khách du lịch nước ngoài.
Châu Âu
Nga bắt đầu sản xuất vaccine
|
Nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 tại Moskva, Nga. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Ngày 15/8, Bộ Y tế Nga thông báo nước này bắt đầu sản xuất vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật mang tên Viện sĩ N.F. Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển.
Nga đã đặt tên vaccine là "Sputnik-V", lấy theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào năm 1957. Dự kiến, lô vaccine phòng ngừa COVID-19 đầu tiên của Nga sẽ ra mắt vào cuối tháng này.
Trước đó, ngày 11/8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngăn ngừa bệnh COVID-19. Thông cáo báo chí của Bộ Y tế LB Nga cho biết bộ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký số LP-006395 cho vaccine phòng ngừa COVID-19 nói trên. Thông cáo báo chí khẳng định kết quả thử nghiệm đã cho thấy vaccine phát huy hiệu quả, có độ an toàn cao và khả năng miễn dịch kéo dài đến hai năm. Việc bào chế loại vaccine này sẽ được thực hiện tại hai cơ sở ở Nga gồm Viện Gamaleya và Công ty Binnopharm. Hiện đã có 20 nước trên thế giới đặt mua hơn 1 tỷ liều vaccine "Sputnik-V".
Nga ghi nhận 5.061 ca nhiễm trong ngày 15/8, nâng tổng số người mắc bệnh COVID-19 tại nước này lên 917.884 trường hợp, đứng thứ 4 thế giới về số ca bệnh. Trong khi đó, tổng số ca tử vong tại Nga cũng tăng lên 15.617 người sau khi có thêm 119 người tử vong trong vòng 24 giờ qua.
Đan Mạch bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng
Tại Đan Mạch, Thủ tướng Mette Frederiksen ngày 15/8 tuyên bố từ ngày 22/8 tới, đeo khẩu trang sẽ là quy định bắt buộc khi người dân tham gia phương tiện giao thông công cộng sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt.
Hồi giữa tháng 4, Đan Mạch trở thành một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên nới lỏng lệnh phong tỏa sau khi dịch bệnh dần được kiềm chế. Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm lại tăng lên gấp rưỡi trong tuần qua, mức cao nhất kể từ đầu tháng 4. Thủ tướng Frederiksen cho rằng sự gia tăng trở lại các ca bệnh mới này đồng nghĩa với việc kế hoạch dỡ bỏ giới hạn về quy mô các sự kiện tập trung đông người sẽ bị hoãn lại, và hiện duy trì hạn chế ở mức 100 người.
Ukraine ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất
Ukraine ngày 15/8 cũng ghi nhận 1.847 ca mắc, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Theo Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine, tổng số ca mắc bệnh tại nước này hiện tăng lên 89.719 trường hợp bao gồm 2.044 ca tử vong.
Số ca nhiễm mới tại Ukraine đã tăng vọt kể từ tháng 6 vừa qua sau khi giới chức nước này nới lỏng một số biện pháp hạn chế, theo đó cho phép các quán cà phê, nhà thờ và phương tiện giao thông công cộng được hoạt động trở lại.
Châu Mỹ: Mexico tuyên bố quốc tang 30 ngày tưởng niệm nạn nhân COVID-19
|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Mexico City, Mexico. Ảnh: THX/TTXVN |
Tổng thống Mexico, Andres Manuel Lopez Obrador đã ký sắc lệnh tuyên bố quốc tang 30 ngày từ ngày 13/8-11/9 để tưởng niệm các nạn nhân tử vong trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Quốc gia Bắc Mỹ này hiện là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh cũng như trên thế giới.
Tính tới 6 giờ sáng 16/8 (giờ Việt Nam), Mexico đã ghi nhận 511.369 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 55.908 ca tử vong, đứng thứ 7 thế giới về số ca bệnh và thứ 3 thế giới về số ca tử vong.
Trước tình hình dịch tiếp tục diễn biến xấu, Chính phủ Mexico đang tìm mọi cách để sớm tiếp cận vaccine ngừa COVID-19. Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard thông báo nước này sẽ bắt đầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 11 tới theo một thỏa thuận với Chính phủ Argentina, công ty dược phẩm AstraZeneca, Đại học Oxford của Anh và Quỹ Carlos Slim. Trong khi đó, AstraZeneca tại Mexico cho biết việc phân phối vaccine sản xuất tại Mexico sẽ bắt đầu vào quý I/2021.
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador thông báo chính phủ sẽ dành ngân sách lên tới 5 tỷ USD để đảm bảo cung cấp phổ cập và miễn phí vaccine ngừa COVID-19 cho người dân.
Châu Phi
Số ca tử vong tăng lên hơn 25.000 người
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết trong 24 giờ qua, châu lục này đã có thêm 11.030 ca mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 1,1 triệu người, trong đó có 25.371 ca tử vong.
CDC châu Phi cho biết Nam Phi hiện đứng đầu châu lục về cả số ca mắc bệnh (583.653 người) và tử vong (11.677 người). Các nước tiếp theo là Ai Cập, Nigeria, Ghana và Maroc. Xét theo số ca mắc, Nam Phi chiếm hơn 50% số người mắc bệnh tại châu Phi. Khu vực miền Nam châu Phi là nơi chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất, sau đó là Bắc Phi và Tây Phi.
Nam Phi tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế
|
Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Pretoria, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 15/8, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố bắt đầu từ ngày 17/8, nước này sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa từ cấp độ 3 hiện tại xuống cấp độ 2 sau khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tại nước này đang trên đà giảm mạnh trong những tuần qua.
Quyết định nới lỏng lệnh phỏng tỏa bao gồm việc cho phép người dân di chuyển liên tỉnh, gặp gỡ bạn bè và người thân với quy mô dưới 50 người, cũng như dỡ bỏ lệnh cấm bán đồ uống có cồn và thuốc lá. Trong tuyên bố phát trực tiếp trên truyền hình tối cùng ngày, Tổng thống Ramaphosa nêu rõ sau khi tham khảo các chuyên gia y tế, quyết định trên được đưa ra nhằm mục đích từng bước khôi phục nền kinh tế hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Ramaphosa, trong 3 tuần qua, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã giảm từ mức trung bình 12.000 ca/ngày xuống còn khoảng 5.000 ca/ngày trong 7 ngày vừa qua. Cùng lúc đó, số ca khỏi bệnh đã tăng từ mức 48% trong tháng 7 lên mức 80% trong 2 tuần qua. Bên cạnh đó, tính đến ngày 15/8, trong 583.653 ca mắc COVID-19 tại nước này, số người hiện đang phải điều trị chỉ còn 105.000 ca, qua đó đưa Nam Phi trở thành một trong những nước có tỷ lệ người hồi phục cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, Tổng thống Nam Phi khẳng định trong nỗ lực duy trì các biện pháp nhằm giảm gánh nặng lên hệ thống y tế tuyến đầu, nước này sẽ tiếp tục tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình truy dấu những người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 trên quy mô toàn quốc.