Phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 19/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, bên cạnh việc hỗ trợ tài chính, Đức và các nước công nghiệp giàu có cần phải phân bổ lượng vaccine đã đặt mua cho các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu sau khi hội nghị kết thúc, Thủ tướng Merkel cho biết vấn đề cơ bản là công bằng và thế giới chỉ có thể chiến thắng được đại dịch COVID-19 khi mọi người trên thế giới đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cũng cho biết các nước G7 hiện vẫn chưa thảo luận tỷ lệ cụ thể kho vaccine của mỗi nước có thể phân bổ cho các nước nghèo. Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel cũng cho biết Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ bổ sung 1,5 tỷ euro giúp các nước nghèo tiếp cận với vaccine phòng COVID-19.
Khoản tài chính của Đức sẽ giúp hỗ trợ các chương trình như sáng kiến phân bổ vaccine COVAX và Chương trình Hợp tác Toàn cầu Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) trong việc phát triển, sản xuất và phân phối công bằng vaccine, thuốc điều trị, công cụ xét nghiệm, phương pháp điều trị và chẩn đoán trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, với khoản tài chính bổ sung, Đức là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho cuộc chiến đẩy lui đại dịch COVID-19 khi tổng khoản cam kết của Đức lên tới 2,2 tỷ euro.
Liên quan tới chính quyền mới ở Mỹ, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh sự chuyển đổi chính quyền ở Mỹ đã giúp củng cố chủ nghĩa đa phương khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy hợp tác quốc tế. Bà nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nhau của các nước trên thế giới. Sáng kiến ACT-A cho đến nay đã cam kết được 10,3 tỷ USD, trong đó 7,5 tỷ USD là của các nước G-7. Theo Thủ tướng Đức, các nước G7 cũng sẽ giải quyết vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu sau đại dịch một cách "tốt hơn và bền vững hơn", cụ thể là việc củng cố các tổ chức quốc tế.
Liên quan vấn đề này, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng khẳng định những cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu như đại dịch COVID-19 cần phải được ứng phó với một câu trả lời toàn cầu và Chính phủ Đức chủ trương hướng tới một cách tiếp cận chung, đa phương, như sáng kiến ACT-A do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối.
Theo Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển liên bang Đức (BMZ), các nước giàu cho đến nay đã đảm bảo có được 2/3 tổng lượng vaccine toàn cầu, dù các nước này chỉ chiếm 16% dân số thế giới. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7, EU và Mỹ đã công bố viện trợ thêm hàng tỷ USD cho chương trình COVAX toàn cầu, trong đó Washington cam kết tương đương khoảng 3,3 tỷ euro, trong khi Brussels cam kết tăng gấp đôi khoản đóng góp lên một tỷ euro.
Về thỏa thuận hạt nhân Iran, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Đức sẽ nỗ lực hết sức nhằm mang lại động lực mới cho các cuộc đàm phán, đảm bảo rằng sẽ không có vấn đề nảy sinh liên quan việc bên nào (Mỹ hay Iran) sẽ phải thực hiện những bước đi trước tiên. Tuyên bố này được đưa ra khi trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Iran khẳng định quốc gia Hồi giáo sẽ "đảo ngược ngay lập tức" các hành động trong chương trình hạt nhân của mình sau khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.