Một thanh niên 18 tuổi ở West Lombok, tỉnh West Nusa Tenggara (Indonesia) được cho đã kết hôn với 2 cô gái vị thành niên trong vòng chưa đầy một tháng, trang Kumparan đưa tin.
Người đàn ông, được xác định tên ban đầu là R, đã kết hôn với người vợ đầu tiên, được xác định là F, vào ngày 17/9 và tiếp tục cưới một cô gái khác, được xác định là M, vào 19/10 vừa qua. Cả F và M đều mới 16 tuổi.
Những bức ảnh về hôn lễ của R và M được chia sẻ trên Facebook, đã lan truyền nhanh chóng và trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của cư dân mạng.
Các bức ảnh cho thấy chú rể ngồi giữa hai người vợ, tất cả đều mặc trang phục truyền thống. Họ đã tổ chức một lễ cưới truyền thống được dân địa phương gọi là nikah siri.
|
Chàng trai 18 tuổi cưới hai cô gái 16 tuổi trong vòng một tháng.
|
Cha của R, Ayuni, nói rằng ông đã rất bất ngờ khi biết con trai mình quyết định kết hôn vì con ông vẫn đang là học sinh tại một trường trung học dạy nghề (SMK).
"Tôi đã rất sốc. Con tôi vẫn đang đi học. Kỳ thi Quốc gia sắp diễn ra", Ayuni nói.
R và M đã hẹn hò được 3 năm, trong khi R chỉ mới quen F thời gian gần đây. Sau khi R kết hôn với F, gia đình M đã về thăm nhà của R và đề nghị anh chàng hỏi cưới con gái mình.
Ayuni phàn nàn rằng gia đình ông đã phải chi 50 triệu IDR (3.400 USD) cho đám cưới của con trai. Trong khi đó, mẹ của R, Nurminah, hy vọng cuộc hôn nhân với hai người phụ nữ sẽ không cản trở con đường học hành của con trai.
Erni Suryana, thư ký của cơ quan Kế hoạch hóa Gia đình, Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em ở West Lombok, cho biết các quan chức địa phương không thể ngăn cản hai đám cưới này vì các cô gái đều đang mang thai.
"Ít nhất, đây là một lời cảnh báo cho tất cả các quan chức, chẳng hạn như trưởng làng, để họ đưa ra một hình phạt nghiêm khắc hơn, không tạo điều kiện cho nạn tảo hôn xảy ra", bà Erni nói.
Dù không nói rõ về những hình phạt đó có thể là gì, bà Erni cho biết văn phòng của mình sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và có thể chờ báo cáo chính thức để xử lý vụ việc, nếu có.
Nạn tảo hôn
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), từ lâu West Nusa Tenggara đã phải vật lộn với nạn tảo hôn. Hơn 31% phụ nữ ở độ tuổi 19-24 trong tỉnh đã kết hôn trước 18 tuổi.
Các nhà lập pháp đã sửa đổi Luật Hôn nhân và nâng độ tuổi tối thiểu kết hôn của phụ nữ từ 16 lên 19. Thế nhưng, các bậc phụ huynh vẫn được phép yêu cầu cơ quan chức năng "cấp phép" cho trẻ em chưa đủ tuổi kết hôn với lý do tín ngưỡng.
|
Hai thiếu niên bị ép cưới nhau sau 4 ngày hẹn hò.
|
Trong trường hợp không được pháp luật công nhận, hai bên gia đình sẽ tự tổ chức một lễ cưới truyền thống để đưa những đứa trẻ về chung sống với nhau như vợ chồng.
Tháng 9 vừa qua, vụ việc một nam sinh cấp 2 đã bị ép cưới một nữ sinh tiểu học sau 4 ngày hẹn hò tại làng Montong Praje, West Nusa Tenggara cũng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Hai học sinh này được cho đã vi phạm tập tục tại địa phương khi cả hai trở về nhà vào lúc 19h30 sau một buổi đi chơi. Theo phong tục, những cặp trai gái trở về nhà sau hoàng hôn sẽ buộc phải cưới nhau.
Dù cha mẹ nam sinh phản đối, một đám cưới truyền thống vẫn diễn ra và hai đứa trẻ vẫn về chung một nhà. Chính quyền địa phương cũng tỏ ra bất lực trước vụ việc.
"Họ nói đó là do phong tục. Nếu bạn đưa một cô gái về nhà muộn, bạn phải cưới cô ấy. Chúng tôi đã cố gắng ngăn chặn điều này và tách chúng ra. Tuy nhiên, cha mẹ của cô dâu khăng khăng họ phải kết hôn", Ehsan, trưởng làng Montong Praje, nói.
|
Các đôi tham gia một đám cưới tập thể do chính quyền thành phố Jakarta tổ chức vào tháng 12/2017. Ảnh: Reuters.
|
Câu chuyện về những cặp vợ chồng trẻ con tại Indonesia từng làm dấy lên tranh cãi trong công chúng, các học giả về tôn giáo, nhà hoạt động xã hội.
Lies Marcoes, một chuyên gia về giới và Hồi giáo học, nói: "Indonesia phải nhìn nhận cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này. Tảo hôn là sự cảnh báo của cái chết trong im lặng vì nó gắn liền với tỷ lệ chết sau sinh cao ở cả trẻ và mẹ".
Báo cáo về nạn tảo hôn đầu tiên của Indonesia thực hiện bởi UNICEF vào năm 2016 khẳng định tảo hôn là vi phạm nghiêm trọng quyền con người, bao gồm quyền đi học, quyền sức khỏe, quyền có thu nhập trong tương lai và quyền được đảm bảo an toàn.
Năm 2018, Tổng thống Indonesia Joko Widodo từng lên tiếng rằng chính phủ sẽ có kế hoạch đưa ra những quy định mới để chấm dứt nạn tảo hôn.
Trong hai năm qua, chính quyền và các tổ chức xã hội đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng Indonesia vẫn còn một chặng đường dài để đạt đến mục tiêu cuối cùng.