Cuộc gặp Thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin tại Phần Lan hôm 16/7 vừa qua không chỉ cho thấy sự tan băng trong quan hệ song phương mà còn tạo ra tiền đề để giải quyết nhiều vấn đề quốc tế. Đối với các nhà quan sát Syria, Hội nghị là một cơ hội quan trọng cho cả Nga và Mỹ, để tiến tới một thỏa thuận chung nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 7 năm tại quốc gia Trung Đông này. Thế nhưng, hy vọng về việc đạt được thỏa thuận đó có lẽ vẫn xa vời khi giữa Nga và Mỹ còn nhiều khác biệt trong vấn đề Syria.
|
Tổng thống Donald Trump bắt tay Tổng thống Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh. Ảnh:Nymag. |
Cam kết đầy hoài bão
Tại cuộc họp báo chung sau Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ hôm 16/7 vừa qua, Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Putin đã đề cập đến vấn đề Syria. Dù chỉ là những tuyên bố ngắn gọn, nhưng đã phần nào cho thấy quan điểm của Tổng thống Donald Trump và mục đích mà Tổng thống Putin theo đuổi.
Theo tờ Aljazeera, nhà lãnh đạo Nga đã tận dụng cuộc họp báo tại Helsinki như một cơ hội để thúc đẩy mục tiêu “bình thường hóa” tại Syria. Ông nhấn mạnh rằng, người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon cần được khuyến khích trở về nhà và điều này cũng nằm trong lợi ích của Châu Âu. Tổng thống Putin đã đề xuất sử dụng máy bay của nước này để vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo quốc tế cho người dân Syria.
Nhà lãnh đạo Nga cũng tuyên bố, cuộc chiến tại Syria đã đến hồi kết và tin tưởng sự hợp tác giữa Nga và Mỹ đã tạo ra được thành tựu nhất định: “Nhiệm vụ thiết lập hòa bình và tái hòa giải ở Syria là ví dụ đầu tiên cho thấy sự hợp tác thành công giữa Nga và Mỹ. Hai bên có thể nắm thế chủ động và vai trò dẫn đầu trong vấn đề này, tạo ra sự tương tác cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, giúp người Syria trở về nhà”, ông Putin nói tại cuộc họp báo.
Tổng thống Putin cho rằng, sự liên lạc giữa các cơ quan an ninh, tình báo của Nga và Mỹ nên được thiết lập theo hệ thống, đồng thời nhắc Tổng thống Trump về đề xuất của Nga đưa ra trước đó về việc tạo ra một nhóm chung làm việc chống chủ nghĩa khủng bố. Ông Putin khẳng định ông sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc đối thoại về Syria theo thể thức Astana cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sẵn sàng tham gia vào các phương thức ngoại giao khác do Mỹ và Pháp dẫn đầu, “để tối ưu hóa cơ hội đạt được thành công cuối cùng tại Syria”.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh giá cao sự hợp tác quân sự giữa Nga và Mỹ tại Syria, cảm ơn Nga vì đã giúp đỡ tiêu diệt các phần tử khủng bố IS. Ông Trump đồng thời khẳng định: “Các lực lượng quân đội của Nga và Mỹ đã phối hợp với nhau thậm chí còn tốt hơn cả các nhà lãnh đạo chính trị hai nước trong nhiều năm qua”. Điều mà Tổng thống Donald Trump cho là điểm nhấn trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, thực ra là một cơ chế liên lạc giữa Nga và Mỹ được phát triển từ thời Chiến tranh Lạnh.
Việc duy trì cơ chế này cũng là một phần trong chiến lược của Tổng thống Putin nhằm ngăn Mỹ dừng mọi liên lạc với Nga. Tổng thống Putin hiểu rằng, việc giữ liên lạc thường xuyên với các quan chức Mỹ không nhất thiết phải mang lại những kết quả tích cực trong chiến dịch quân sự tại Syria của Nga, nhưng điều này có thể giúp hai bên tránh được những sự cố đáng tiếc. Hiện nay, ngoài tuyến liên lạc trực tiếp giữa các chỉ huy của quân đội Nga và Mỹ trên chiến trường Syria, ông Putin khẳng định vẫn tiến hành đối thoại với Tổng thống Trump. Trước đó tại cuộc gặp tháng 7/2017, hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã đạt được thỏa thuận giảm căng thẳng tại khu vực tây nam Syria.
Tại cuộc họp báo, hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ cũng đã nhất trí sẽ hợp tác nhằm khôi phục an ninh tại khu vực biên giới Israel – Syria theo thỏa thuận ngừng bắn giữa hai nước được ký kết năm 1974. Ông Trump khẳng định Mỹ và Israel đang phối hợp để đảm bảo điều này.
Dễ nói nhưng có khó làm?
Tờ Independent dẫn lời ông Sam Heller, nhà phân tích chính trị tại Nhóm Crisis cho biết: “Những gì chúng ta nhận được tại Helsinki về cơ bản chỉ là sự lặp lại điều đã xảy ra. Tổng thống Putin đặt ra rất nhiều mục tiêu cụ thể tại Syria, nhưng không rõ ông có thuyết phục được Tổng thống Trump thực hiện theo các đề xuất của ông hay không hoặc hai bên có đạt được thỏa thuận mới ngoài những cam kết hợp tác mang tính mơ hồ hay không”.
Cùng chung nhận định này, hãng tin Newsy dẫn phân tích của chuyên gia Jake Godin nhấn mạnh, sự hợp tác giữa Nga và Mỹ “nói thì dễ nhưng làm thì khó”, bởi vai trò của hai nước tại Syria khá mâu thuẫn. Mục đích của Nga là đảm bảo vai trò cầm quyền của chính phủ Syria. Nga đã hỗ trợ quân đội Tổng thống Bashar Al-Assad chống lại tất cả các nhóm phiến quân, khủng bố và nhiều phe phái đối lập. Trái lại, Mỹ có ưu tiên hàng đầu là chống khủng bố và hỗ trợ các nhóm đối lập Syria. Dù hiện giờ đã chấp nhận vai trò nắm quyền của ông Assad, nhưng Mỹ vẫn từ chối hợp tác với chính phủ Syria.
Thêm vào đó, những nỗ lực hợp tác của Nga và Mỹ trên chiến trường Syria trước kia thường không hiệu quả. Nga và Mỹ đã thiết lập đường dây nóng giảm xung đột từ năm 2015, khi Nga quyết định can thiệp vào Syria. Đây được coi là kênh liên lạc quan trọng giữa Nga và Mỹ để điều phối hoạt động quân sự tại Syria, đảm bảo hai cường quốc không xảy ra tai nạn hoặc xung đột bất ngờ.
Tuy nhiên, đường dây nóng này đã bị gián đoạn vào năm 2017 khi liên minh do Mỹ dẫn đầu bắn hạ một máy bay chiến đấu của chính phủ Syria. Ngoài ra còn các vụ việc khác như Mỹ cáo buộc máy bay của Nga đã bay gần các máy bay của liên minh ở một khoảng cách thiếu an toàn hay tên lửa hành trình của Mỹ đã tấn công vào các mục tiêu của quân đội Syria.
Chuyên gia Jake Godin cho rằng, trong khi cả ông Putin và ông Trump đều thúc đẩy ý tưởng tăng cường hợp tác về vấn đề Syria tại Hội nghị Thượng đỉnh, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một bước đi thực tiễn nào từ hai nước. Và như vậy giải pháp chấm dứt cuộc xung đột Syria vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Hãng tin Sputnik dẫn lời Tướng Joseph Votel, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) ngày 19/7 cho biết, ông không nhận được chỉ dẫn mới nào về việc hợp tác với Nga kể từ sau cuộc gặp chính thức đầu tiên của Tổng thống Trump và Tổng thống Putin tại Phần Lan. Theo ông Joseph Votel, bất kỳ sự hợp tác nào khác với quân đội Nga tại Syria đều phải cần chỉ thị từ Quốc hội Mỹ.“Đạo luật ủy quyền quốc phòng cấm chúng tôi hợp tác với quân đội Nga và mọi hoạt động của chúng tôi đều theo chỉ dẫn này”.
Ông Joseph Votel nói thêm: “Nhiệm vụ của Mỹ tại Syria là chống khủng bố. Tôi sẽ không suy đoán về những điều mà chúng tôi có thể làm bên ngoài khuôn khổ đạo luật”. Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cấm hợp tác quân sự với Nga sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.