Những trung tâm thương mại này nằm ở thành phố Paju, cửa ngõ dẫn vào làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom). Ngôi làng là nơi các lực lượng tham gia Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đàm phán về hiệp ước ngừng bắn.
"Chuyện cổ tích có thật ở Paju" là lời quảng cáo từ cơ quan du lịch Hàn Quốc. Nơi đây từng là cơn ác mộng thực sự trong cuộc chiến cách đây hơn nửa thế kỷ với những trận chiến ác liệt nhất. "Nghĩa trang kẻ thù" duy nhất của Hàn Quốc đặt tại đây, nơi những người lính Trung Quốc và Triều Tiên được chôn cất.
Thế nhưng giờ đây mọi chuyện đã lùi vào quá khứ. Trên tầng thượng của Lotte Premium Outlet, trẻ con và bố mẹ chúng có thể nhìn thấy Triều Tiên ở bên kia sông Imjin bằng ống nhòm. Trung tâm thương mại gần đường biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên này cũng có vòng quay ngựa gỗ, rạp chiếu phim và tàu lửa mini.
|
Du khách ghé thăm trung tâm thương mại ở Paju. Ảnh: Reuters. |
Cảm giác vô lo
Tại Shinsegae Paju Premium Outlet, khoảng hơn chục trẻ em chạy nhảy và la hét xung quanh một đài phun nước bên trong trung tâm thương mại. Cách đó vài cây số là một ngôi làng mô hình phong cách vùng Provence (Pháp) với nhà hàng, tiệm bánh và cửa hàng quần áo được trang trí như sách giải trí cho thiếu nhi.
Đây đó ở Paju, trẻ em khắc gỗ để làm búp bê Pinocchio ở một bảo tàng, trong khi tại một trang trại, người lớn nhấm nháp loại rượu làm từ meoru, một loại nho dại ở Hàn Quốc.
Thực tế, người ta gần như không thấy dấu hiệu của căng thẳng tại Paju dù tình trạng này đã bao trùm bán đảo Triều Tiên kể từ hôm Quốc khánh Mỹ (4/7) khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Vụ phóng đã khiến liên quân Mỹ - Hàn tổ chức cuộc tập trận với máy bay ném bom tại một nơi gần Paju.
Tuy nhiên tại làng Provence, anh Kim Ki Deok, 41 tuổi, nhân viên văn phòng đến từ Seoul, nói anh không hề cảm thấy sợ hãi vì đến gần khu vực biên giới.
"Nếu Triều Tiên thực sự muốn, họ có thể phóng tên lửa từ xa", anh Kim nói. "Tôi cảm thấy thoải mái và muốn đến đây thêm lần nữa".
|
Từ Paju, du khách quan sát Triều Tiên ở bên kia sông Imjin. Ảnh: Reuters. |
Cảm giác vô lo cũng hiện diện tại căn cứ quân sự Bonifas của quân đội Mỹ ở ngoại ô Paju. Đây là nơi có sân golf ba lỗ mà tạp chí thể thao Sports Illustrated từng gọi là "sân golf nguy hiểm nhất thế giới" vì số mìn từ thời chiến tranh còn sót lại ở đây.
Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng lệnh ngừng bắn nhưng đến nay vẫn chưa được thay thế bằng hiệp ước hòa bình. Do đó, về mặt kỹ thuật, cả Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Điều đó có nghĩa là người Hàn Quốc từ lâu đã quen sống trong cảnh đề phòng cuộc chiến có thể bùng nổ trở lại. Ngay phía bên kia đường biên giới, Triều Tiên lắp đặt khoảng 10.000 khẩu súng pháo hướng về phía Nam mà theo Bình Nhưỡng có thể sẵn sàng biến Seoul thành "biển lửa" hay "đống tro tàn" bất kỳ lúc nào.
Đối với anh Park Chol Min, 30 tuổi, đây hoàn toàn chỉ là những lời đe dọa sáo rỗng.
"Họ chỉ khoe khoang vậy thôi. Tôi nghĩ Triều Tiên có nhiều thứ để mất hơn là được nếu biến Seoul thành biển lửa", anh Park nói. Anh từ Seoul đến trung tâm thương mại Shinsegae cùng bạn gái để mua quà sinh nhật cho cô.
Cơ chế phòng vệ
Paju bắt đầu các chương trình du lịch liên quan đến Triều Tiên từ những năm 2000 khi chính phủ Hàn Quốc phát động chính sách "Ánh dương" nhằm thúc đẩy quan hệ liên Triều.
Người nước ngoài cũng như dân địa phương kéo đến Bàn Môn Điếm để nhìn thấy những quân nhân Triều Tiên đứng gác ở bên kia biên giới với khuôn mặt không biểu cảm. Họ cũng muốn nhìn thấy đường hầm được Triều Tiên xây dựng và đến Imjingak thăm Cầu Tự do, nơi trao đổi tù binh chiến tranh vào năm 1953.
|
Ông Woo Jong Il đứng trong căn hầm sau nhà. Ảnh: Reuters. |
Ngành du lịch có cú nhảy vọt vào cuối năm 2011 khi hai trung tâm thương mại cao cấp của hai "ông lớn" Shinsegae và Lotte ra đời. Hơn 12 triệu du khách, tức hơn cả dân số 10 triệu của Seoul, ghé qua 2 địa điểm này vào năm ngoái.
Không lâu sau khi 2 trung tâm thương mại đi vào hoạt động, Triều Tiên đã đẩy mạnh một cách đáng kinh ngạc các vụ thử tên lửa và hạt nhân dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un. Nhà lãnh đạo trẻ lên nắm quyền sau khi người cha Kim Jong Il qua đời vào tháng 12/2011.
"Các vụ thử nghiệm chẳng hề làm giảm đến sự hứng thú của du khách", một quan chức về du lịch của Paju nói. "Điều này đã trở thành một phần trong đời sống thường nhật, dù cũng rất buồn khi phải nói như vậy".
Theo giáo sư tâm lý học Kwak Keum Joo tại Đại học Quốc gia Seoul, việc bình thường hóa những lời đe dọa từ Triều Tiên là một phần trong "cơ chế phòng vệ" của người Hàn Quốc.
"Tôi cảm thấy lo lắng vì Triều Tiên khi tôi đi nước ngoài. Song một khi quay về Hàn Quốc, tôi quên đi điều đó", giáo sư Kwak nói.
Điều này lại không phải dễ dàng đối với ông Woo Jong Il, cụ ông 74 tuổi sống ở làng Manu-ri nằm ở phía nam bờ sông Imjin chia tách hai miền Triều Tiên.
Ông Woo đã xây một hầm trú ẩn trong sân sau nhà. Ông là một trong vài người ở Manu-ri xây hầm vào đầu những năm 1970 khi Triều Tiên bắn xuyên qua biên giới khiến một số dân làng bị thương và ngôi nhà cạnh nhà ông bị hư hại.
"Tôi không nghĩ việc này giờ đã lỗi thời", ông nói, chỉ cho khách tham quan một căn hầm tối chỉ đủ chỗ cho 7 người trong gia đình.
"Tôi cảm thấy lo lắng. Sao tôi có thể không lo chứ? Chúng tôi ở tiền tuyến nên chúng tôi có thể là nạn nhân. Nếu một lúc nào đó quan hệ với Triều Tiên trở nên tệ đi, căn hầm này sẽ giúp tôi được an toàn".