Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 4/4/2022. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 6/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 493.690.963 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.182.295 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.182.286 và 3.068 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 429.170.871 người, 58.337.797 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 55.398 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 265.995 ca; Pháp đứng thứ hai với 203.021 ca; tiếp theo là Đức (187.256 ca). Anh đứng đầu về số ca tử vong mới, với 368 người chết trong ngày; tiếp theo là Nga 316 ca và Đức với 256 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.888.185 người, trong đó có 1.009.094 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.030.767 ca nhiễm, bao gồm 521.518 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.040.129 ca bệnh và 660.528 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 181,4 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 141,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận 96,74 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 56,25 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,77 triệu ca và châu Đại Dương 5,78 triệu ca nhiễm.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Số ca mắc mới tại New York (Mỹ) và Hàn Quốc tăng trở lại
Số ca mắc mới COVID-19 tại bang New York (Mỹ) đã gia tăng trở lại do sự lây lan của biến thể BA.2 của biến thể Omicron.
Ngày 4/4, nhà chức trách New York công bố số liệu cho thấy số ca mắc COVID-19 trung bình 7 ngày (tính đến ngày 3/4) tại bang này lên mức 17,8/100.000 người, cao hơn gấp đôi so với mức 8,2 của 3 tuần trước đó. Tỷ lệ người dân dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cùng thời gian trên cũng tăng từ mức 1,4% trong ngày 13/3 lên 3% vào ngày 3/4.
Giới chức y tế bang New York cho biết 59,6% số mẫu thu thập trong thời gian 13 -26/3 là nhiễm biến thể BA.2 của Omicron, đồng thời khẳng định vaccine vẫn là "vũ khí phòng thủ" tốt nhất của mỗi người trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 28/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc trong ngày 5/4 đã tăng mạnh trở lại so với một ngày trước đó. Cụ thể, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng lên mức 266.135 ca, cao hơn gấp đôi so với mức 127.190 ca của một ngày trước đó, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 14.267.401 ca.
Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 347.554 ca ghi nhận một tuần trước đó.
Cũng trong 24 giờ qua, nước ngày ghi nhận thêm 209 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi lên 17.662.
Trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc ngày 4/4 quyết định nới lỏng các quy định giãn cách xã hội trong 2 tuần nhằm giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề, nhiều ý kiến quan ngại về làn sóng lây nhiễm mới.
Tiêu chảy cũng là triệu chứng phổ biến của COVID-19
Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia Vương quốc Anh (NHS) đã bổ sung thêm các triệu chứng phổ biến khi nhiễm COVID-19, trong đó có đau họng, đau mỏi cơ và tiêu chảy.
Danh sách trên được cập nhật sau hơn 2 năm dịch COVID-19 bùng phát tại Vương quốc Anh và chỉ vài ngày sau khi nước này kết thúc chương trình xét nghiệm miễn phí tầm soát COVID-19.
Các dấu hiệu ban đầu của việc mắc COVID-19 được công nhận tại Anh là: sốt, xuất hiện những cơn ho liên tục, mất khứu giác hoặc vị giác. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu của đại dịch, người ta đã mau chóng nhận ra rằng bộ 3 biểu hiện này chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Trên thực tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, đã khuyến nghị một danh sách dài hơn các triệu chứng của bệnh COVID-19.
Viết thông điệp lên bức tường tưởng nhớ các bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở London, Anh, ngày 27/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Cũng đã có nhiều cuộc tranh luận tại Anh về việc chính xác những triệu chứng nào nên được nhận biết và được coi là điều kiện để ai đó đi xét nghiệm COVID-19. Đau đầu là một triệu chứng đã biết của COVID-19, nhưng cơ quan y tế có thể không muốn xét nghiệm cho tất cả mọi người khi họ có triệu chứng này, do đau đầu có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác. Sốt, ho hoặc mất khứu giác hoặc vị giác cũng vẫn là chủ đề gây tranh cãi, dù chúng xuất hiện trong hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 hoặc hầu như chỉ do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Trong một tuyên bố ngày 4/4, Bộ Y tế Anh cho biết các triệu chứng của COVID-19 "có thể tương tự như cảm lạnh hoặc cúm" và "có thể không đồng nhất ở các nhóm tuổi khác nhau hoặc các biến thể khác nhau của virus". Danh sách 9 triệu chứng nhận biết COVID-19 được NHS bổ sung gồm: khó thở, cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức, cơ thể đau nhức, đau đầu, viêm họng, bị nghẹt hoặc chảy nước mũi, ăn mất ngon, tiêu chảy, cảm thấy ốm hoặc bị ốm.
Cuba nới lỏng với du khách quốc tế
Bộ Y tế công cộng Cuba thông báo nước này đã quyết định nới lỏng các biện pháp đối với du khách nhập cảnh từ ngày 4/4. Theo đó, du khách khi nhập cảnh đảo quốc đảo Caribe này sẽ không phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19, cũng như xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2.
Theo quy định mới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ngẫu nhiên tại các cảng và sân bay, chủ yếu đối với những người đến từ các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao. Du khách nào có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được nhập viện theo quy trình hiện có.
Bên cạnh đó, Cuba sẽ vẫn duy trì các biện pháp y tế, trong đó có giữ khoảng cách, rửa tay, làm sạch bề mặt và đeo khẩu trang.
Vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt Mambisa của Cuba. Ảnh: CIGB/TTXVN
Giới chức Cuba khẳng định việc chính phủ đi đến quyết định nới lỏng các biện pháp trên là nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao. Cho đến nay, Cuba đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 9,9 triệu trong số 11,2 triệu người dân bằng vaccine do chính nước này sản xuất. Hơn 6,3 triệu người cũng đã tiêm mũi tăng cường.
Thượng Hải (Trung Quốc) hoàn tất lấy mẫu xét nghiệm cho 25 triệu dân
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ngày 4/4, các cơ quan y tế Thượng Hải, thành phố có dân số 25 triệu người ở miền Đông nước này, đã hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ người dân chỉ trong một ngày. Đây là đợt xét nghiệm COVID-19 lớn nhất thuộc loại này ở bất kỳ thành phố nào của Trung Quốc cũng như trên thế giới và hoạt động này diễn ra trong bối cảnh Thượng Hải đang phải vật lộn chống chọi với một trong những đợt dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 4/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo cơ quan y tế Thượng Hải, với sự hỗ trợ của hơn 38.000 nhân viên y tế từ khắp nơi trên toàn Trung Quốc, việc lấy mẫu xét nghiệm bắt đầu từ sáng sớm 4/4 và đến khoảng 19h, thành phố đã cơ bản hoàn thành "nhiệm vụ bất khả thi" là lấy mẫu xét nghiệm axit nucleic cho toàn bộ 25 triệu người dân, sớm hơn so với kế hoạch dự kiến. Việc xét nghiệm sẽ được tiến hành sớm sau khi hoàn tất công tác lấy mẫu xét nghiệm.
Trước khi xét nghiệm axit nucleic hàng loạt, Thượng Hải đã tiến hành xét nghiệm kháng nguyên trên toàn thành phố vào ngày 3/4. Người dân được yêu cầu làm xét nghiệm kháng nguyên và nếu kết quả âm tính, họ có thể đi làm xét nghiệm axit nucleic vào ngày 4/4. Nếu kết quả dương tính, họ cần ở nhà chờ nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm.
Cũng trong ngày 4/4, cơ quan y tế Thượng Hải đã báo cáo 425 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận và 8.581 trường hợp lây nhiễm không có triệu chứng tại địa phương. Đây là mức tăng số ca nhiễm hằng ngày cao nhất kể từ đợt bùng phát dịch gần đây nhất, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 trong thành phố lên hơn 60.000 người.
Bảng yêu cầu người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Toronto, Canada, ngày 28/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Singapore nối lại hoạt động kinh doanh dịch vụ giải trí về đêm
Sau hai năm tạm dừng do đại dịch COVID-19, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí về đêm ở nước này sẽ được phép mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 19/4, với các biện pháp an toàn phòng dịch được áp dụng.
Cụ thể các cơ sở dịch vụ giải trí về đêm như quán bar, quán rượu, quán karaoke, vũ trường và hộp đêm sẽ phải áp dụng các biện pháp quản lý an toàn phòng dịch (SMM), bao gồm cả SMM xác định tình trạng tiêm chủng. Đối với các cơ sở như hộp đêm và vũ trường, khách đến được yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm PCR hoặc ART âm tính trong vòng 24 giờ do nhà cung cấp dịch vụ xét nghiệm được Bộ Y tế Singapore (MOH) phê duyệt. Yêu cầu này không áp dụng đối với nhân viên cơ sở kinh doanh.
Ngoài ra, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí về đêm sẽ phải tuân thủ các SMM chung như quy mô nhóm tối đa là 10 người đã được tiêm chủng đầy đủ, bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín, duy trì khoảng cách an toàn ít nhất 1m khi bỏ khẩu trang. Với những sự kiện dưới 1.000 người tham gia sẽ không bị giới hạn về công suất. Tuy nhiên đối với những sự kiện với hơn 1.000 người, công suất được giới hạn là 75%...
Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Changi, Singapore, ngày 1/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là những quy định mới nhất sau khi Chính phủ Singapore nới lỏng một số quy định SMM vào tuần trước khi số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày bắt đầu giảm từ cuối tháng 2. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục giám sát việc tuân thủ các biện pháp này. Trong trường hợp vi phạm, các doanh nghiệp sẽ phải chịu những hành động cưỡng chế như đóng cửa cơ sở kinh doanh và các hình phạt khác.Theo Đạo luật COVID-19 năm 2020 của Singapore, những cá nhân không tuân thủ quy định phòng dịch có thể bị phạt tù đến 6 tháng, bị phạt tới 10.000 SGD (7.370 USD) hoặc cả hai.
Việc mở lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí về đêm có thể được coi là những bước cuối cùng đưa sinh hoạt thường nhật của người dân "đảo quốc sư tử" trở lại trạng thái "bình thường mới". Động thái này được người dân và doanh nghiệp tại Singapore đặc biệt hoan nghênh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng lo lắng về khâu kiểm tra chứng nhận xét nghiệm COVID-19 và nguồn nhân lực phục vụ.