Hôm nay (14/5), Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem bắt đầu hoạt động. Động thái di dời Đại sứ quán của Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem không chỉ làm thế giới Arab tức giận mà gây tranh cãi ở cả các đồng minh rằng, bước đi của Mỹ chẳng những không giúp gì mà còn làm tồi tệ hơn tiến trình tìm kiếm hòa bình Israel và Palestine.
Tổ chức Hamas kiểm soát dải Gaza kêu gọi tổ chức biểu tình lớn chưa từng có ở khu vực giáp biên giới Israel, với sự tham gia của hơn 100.000 người Palestine vào ngày 14/5 để phản đối việc Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem.
|
Thành phố Jerusalem. Ảnh: al Jazeera. |
Cùng ngày, người phát ngôn chính quyền Palestine, ông Youssef Al-Mahmoud kêu gọi các quốc gia trên thế giới tin vào tự do, hòa bình và ổn định cũng như những người quan tâm đến việc duy trì các nghị quyết hợp pháp quốc tế, tuyên bố Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine.
Ông Mahmoud cũng kêu gọi bác bỏ và chỉ trích quyết định của ông Donald Trump khai trương đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem đúng dịp kỷ niệm 70 năm sự kiện bi thảm "Nakba" của người Palestine, tưởng nhớ hơn 700.000 người Palestine đã bỏ xứ hoặc bị trục xuất trong chiến tranh 1948, khi nhà nước Israel được thành lập.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, "Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine, bất chấp những bước đi để công nhận Jerusalem là thủ đô Israel". Phát biểu về quyết định của Mỹ dời đại sứ quán từ Tel Aviv và khai trương ở Jerusalem, ông Erdogan nói rằng, 128 quốc gia đã bỏ phiếu chống tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và chỉ có vài nước bỏ phiếu ủng hộ Mỹ "vì họ được yêu cầu làm vậy trong nhiều cuộc điện thoại khác nhau để đổi lấy viện trợ tài chính cho các nước đó". Theo ông Erdogan, quyết định của Tổng thống Donald Trump tiếp tục cô lập nền ngoại giao Mỹ. Ông nói rằng bằng cách công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Mỹ đã để "mất đồng minh."
Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều có chung nhận định, tình trạng của Jerusalem cần được quyết định thông qua một giải pháp hòa bình. Do đó, việc Mỹ di chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem sẽ chỉ khiến tình hình trở nên căng thẳng giữa lúc người Palestine liên tiếp tổ chức biểu tình phản đối ở khu Bờ Tây và dải Gaza.
Ông Khalf Miftah, một người biểu tình nói: “Quyết định di dời Đại sứ quán của Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem đã vi phạm luật pháp quốc tế và khiến toàn bộ thế giới rơi vào vòng xoáy bất ổn. Với quyết định này, Mỹ đang cỗ vũ Israel và tạo điều kiện cho họ có cơ hội chiếm nhiều đất đai hơn”.
Tuy nhiên, phát biểu trước các quan chức tại Bộ Ngoại giao Israel bao gồm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cùng con gái và con rể ông là Ivanka và Jared Kushner, Thủ tướng Israel Netanyahu nhấn mạnh, các quốc gia cần hành động theo Mỹ.
“Hãy di dời các Đại sứ quán tới Jerusalem bởi đây là việc làm đúng đắn. Hãy di chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem để tạo lập nền hòa bình. Bạn không thể tạo lập hòa bình trên những lời nói dối. Dù có bất cứ thỏa thuận hòa bình nào thì Jerusalem vẫn là thủ đô của Israel”.
Israel cho biết tổng số 86 phái đoàn ngoại giao nước ngoài được mời tới tham dự sự kiện mừng Mỹ mở cửa Đại sứ quán ở Jerusalem. Dù tham dự sự kiện tại Bộ Ngoại giao Israel có các đại diện đến từ Hungary, Romania và Cộng hòa Séc nhưng không có bất cứ thành viên nào của Liên minh châu Âu (EU). Điều này cho thấy EU đang bất đồng sâu sắc với quyết định chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem của Tổng thống Donald Trump.
Chia sẻ trên Twitter hôm 13/5, phái đoàn Liên minh châu Âu ở Israel cho biết, tổ chức này sẽ “tôn trọng sự nhất trí của cộng đồng quốc tế về tình trạng của Jerusalem bao gồm việc duy trì vị trí hiện trạng của các đại diện ngoại giao cho tới khi tuyên bố cuối cùng về Jerusalem được đưa ra”.
Vấn đề quy chế của thành phố Jerusalem lâu nay vốn là chủ đề đặc biệt nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel và Palestine. Israel chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel. Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, trong khi người Palestine luôn xác định Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.
Palestine đã bác bỏ các nỗ lực trung gian hòa giải của Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trumo công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, một động thái mà Palestine cho rằng "bất hợp pháp và phá vỡ tiến trình hòa bình Trung Đông".