Theo hãng tin Reuters ngày 18/5, với 54 phiếu ủng hộ và 45 phiếu chống, Thượng viện gồm 100 ghế của Mỹ đã chính thức xác nhận bà Haspel sẽ trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử CIA.
6 thành viên phe thiểu số Dân chủ đã bỏ phiếu ủng hộ bà Haspel, người có 33 năm phục vụ tại CIA. Hai thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống.
|
Bà Gina Haspel trong việc điều trần trước Ủy ban tình báo thượng viện Mỹ ngày 9/5 - Ảnh: REUTERS |
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain không bỏ phiếu. Ông McCain trước đó cũng kêu gọi các đồng nghiệp khác bỏ phiếu chống, lập luận việc để một người đã từng chủ trương tra tấn tù nhân lên làm giám đốc CIA sẽ chuyển tải một thông điệp sai từ Mỹ đến thế giới.
Bất chấp lời kêu gọi từ vị thượng nghị sĩ kỳ cựu đang điều trị ung thư não, nhiều thành viên trong chính phủ Trump, các quan chức tình báo và cựu nghị sĩ đã công khai thể hiện sự ủng hộ bà Haspel trên mặt báo.
Thượng nghị sĩ Mark Warner, thành viên phe Dân chủ trong Ủy ban tình báo thượng viện, xem việc ủng hộ bà Haspel là cách để ngăn chặn ông Trump.
"Tôi tin bà ấy sẽ là người dám đứng lên và nói sự thật với tổng thống khi ông ta yêu cầu bà ấy làm điều gì bất hợp pháp hoặc vô đạo đức như đưa trở lại chương trình tra tấn tù nhân", ông Warner giãi bày.
Vị trí người đứng đầu CIA cho phép bà Haspel gặp tổng thống Trump hầu như mỗi ngày với nhiệm vụ đưa các báo cáo tình báo tuyệt mật. Tuy nhiên, nói như một nhà quan sát, thật khó để tin ông Trump sẽ đề cử người có ý định chống đối ông ta vào vị trí nhạy cảm như giám đốc CIA.
Bà Haspel được cất nhắc trở thành người thay thế ông Mike Pompeo tại CIA sau khi ông này được đề cử trở thành ngoại trưởng. Theo báo Washington Post, việc dình chàm chương trình tra tấn tù nhân, bao gồm trấn nước, đã khiến bà Haspel nhận nhiều dị nghị, chỉ trích và nản lòng.
Ít nhất một lần các quan chức Nhà Trắng phải thuyết phục bà Haspel không được rút lui khỏi vị trí được đề cử.
Phần lớn sự nghiệp của bà Haspel là ở Thái Lan với tư cách là người đứng đầu mạng lưới CIA tại quốc gia này. Các trại giam của CIA tại Thái Lan sau đó nổi tiếng vì màn trấn nước tù nhân - một hình thức tra tấn phổ biến được Mỹ áp dụng phổ biến sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001.
Sự nổi tiếng đó có phần "góp công" không nhỏ của bà Haspel khi năm 2005 bà cho ra lệnh hủy các đoạn băng ghi lại cảnh tra tấn tù nhân.
Các nhóm nhân quyền đã ngay lập tức lên tiếng phản đối phê chuẩn bà Haspel.