Đức và Pháp, vốn có các quan hệ thương mại làm ăn lớn với Iran, khẳng định vẫn cam kết thực thi JCPOA, giống như quan điểm của Anh. Ngoại trưởng 3 nước này có kế hoạch gặp nhau vào ngày 15/5 để thảo luận hướng giải quyết tình hình mới.
Đây là một phần của các nỗ lực ngoại giao dày đặc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/5 tuyên bố rút khỏi cái mà ông gọi là "thỏa thuận tồi tệ và một chiều". Quyết định của Mỹ đồng nghĩa với nguy cơ các biện pháp trừng phạt sẽ được tái áp dụng đối với bất cứ công ty nước ngoài nào đang làm ăn kinh doanh với Iran.
|
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc họp ba bên, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ở Brussels (Bỉ) ngày 22/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết cần thảo luận cách cứu thỏa thuận lịch sử trên khi không có Washington.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh không thể chấp nhận rằng "Mỹ là cảnh sát kinh tế của hành tinh này" và cho biết các nước EU sẽ đề xuất các biện pháp ngăn chặn trừng phạt lên Ủy ban châu Âu (EC). Ông Le Maire cùng Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đã kêu gọi người đồng cấp Mỹ Steven Mnuchin cân nhắc các biện pháp miễn hoặc hoãn áp dụng trừng phạt đối với các công ty đã có mặt tại Iran, như Renault, Total, Sanofi, Danone và Peugeot của Pháp.
Về phần mình, Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Mỹ Trump đã nhất trí rằng cần đàm phán thêm để thảo luận các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ tác động như thế nào đến các công ty nước ngoài đang làm ăn tại nước này. Người phát ngôn của bà May cho biết Anh và các đối tác châu Âu vẫn "kiên định cam kết" đảm bảo thực thi thỏa thuận, coi đây là cách tốt nhất để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Thỏa thuận JCPOA ký năm 2015, giữa nhóm P5+1 (gồm 4 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) với Tehran. Theo văn kiện này, Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lại việc dỡ bỏ các trừng phạt.
Việc Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đã vấp phải sự phản đối của Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nga, Pháp, Đức và Anh. EU lo ngại nếu thỏa thuận trên sụp đổ sẽ có thể làm gia tăng các cuộc xung đột tại Trung Đông.