Với khẩu hiệu củng cố đoàn kết dân tộc, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền mong muốn tiếp tục xây dựng một đất nước hòa bình, ổn định, thịnh vượng và nhiều phúc lợi cho người dân trong nhiệm kỳ tới.
Cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia dự kiến diễn ra vào ngày 29/7 tới. Đây là cuộc bầu cử Quốc hội khóa 6 kể từ khi Campuchia tiến hành cuộc bầu cử đa đảng vào năm 1993 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Dự kiến sẽ có 8,3 triệu cử tri, trong tổng số 15,8 triệu công dân Campuchia, đã đăng ký đi bầu. Đến thời điểm hiện tại, các đảng đều đưa ra nhiều cương lĩnh tranh cử khác nhau, phần lớn tập trung vào thúc đẩy kinh tế-xã hội, tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người dân, chống tham nhũng.
|
Nhiều người dân Campuchia xuông đường ủng hộ Thủ tướng Hunsen và đảng CPP cầm quyền. |
Trong cuộc bầu cử lần này, đảng Nhân dân Campuchia đưa ra cương lĩnh tranh cử thúc đẩy đoàn kết dân tộc, tôn trọng hiến pháp, bảo vệ chế độ quân chủ, nâng cao quyền dân chủ, tự do, bảo vệ luật pháp và công bằng xã hội; đồng thời, bảo vệ độc lập chủ quyền, hòa bình và an ninh quốc gia; cũng như phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng hàng năm 7%; giảm nghèo 1%/năm. Phát biểu tại cuộc mít tinh khởi động chiến dịch tranh cử, Chủ tịch CPP, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh “bỏ phiếu cho CPP là bỏ phiếu cho hòa bình và phát triển”.
Trong cuộc bầu cử quốc hội khóa VI sắp tới, dự kiến cử tri Campuchia sẽ bỏ phiếu bầu 125 nghị sĩ. Trước đó, Quốc hội Campuchia khóa V đã bầu 123 ghế nghị sĩ, trong đó đảng CPP cầm quyền được 68 ghế, đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập được 55 ghế.
Niềm tin và CPP
Các thống kê chính thức cho thấy có khoảng 4.999 quan sát viên trong nước và 17 quan sát viên nước ngoài từ Myanmar, Singapore và Trung Quốc đã đăng ký tham gia quan sát cuộc bầu cử quốc hội ở Campuchia vào ngày 29/7 tới.
Người phát ngôn của Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC), ông Dim Sovannarom cho biết thêm NEC cũng đã nhận được đăng ký của 5.711 quan sát viên từ các tổ chức phi chính phủ và các hội đoàn; một số quan sát viên quốc tế từ Hội nghị Quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP). Mặc dù việc đăng ký quan sát viên sẽ kết thúc vào ngày 18/7 tới, nhưng đến nay tổng số quan sát viên đăng ký đã vượt qua số 40.456 người trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2013. “Con số quan sát viên đăng ký sẽ xua tan những chỉ trích và bảo đảm rằng các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức với tinh thần trách nhiệm cao”, người phát ngôn Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Quốc vụ khanh Phay Siphan nói.
Nhận định về số lượng quan sát viên đăng ký giám sát bầu cử, chuyên gia bầu cử Yoeurng Sotheara cho rằng sự có mặt của số lượng lớn của các quan sát viên có giá trị về mặt chính trị để tạo tính chính danh của cuộc bầu cử trong con mắt của cộng đồng quốc tế.
Một ưu thế cho đảng CPP cầm quyền là những thành tựu kinh tế xã hội mà Campuchia đạt được thời gian gần đây. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 5 cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Campuchia dự kiến đạt khoảng 6,9% trong năm nay. Theo WB, dòng chảy đầu tư nước ngoài và đầu tư vào cơ sở hạ tầng trung hạn là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển và năng lực sản xuất của Campuchia. Riêng trong quý I năm nay, Campuchia đã xuất khẩu gần 40.000 tấn mủ cao su tự nhiên, thu về hơn 57 triệu USD cho ngân sách quốc gia.
Sau 45 năm gián đoạn, ngày 4/7 mới đây, Campuchia đã thử nghiệm hoạt động vận tải trên tuyến đường sắt từ thủ đô Phnom Penh đến thành phố Poipet giáp biên giới với Thái Lan có tổng chiều dài 385 km. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng giúp trong tương lai, mạng lưới đường sắt của Campuchia có thể vươn tới Thái Lan và từ Thái Lan để sang Singapore; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại và việc đi lại của người dân Campuchia và Thái Lan đồng thời giúp người dân tiết kiệm đáng kể chi phí so với di chuyển bằng ôtô. Thủ tướng Hun Sen nhiều lần bày tỏ mong muốn đưa Campuchia trở thành một nước có thu nhập trên trung bình. Chính vì thế cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, nếu đảng CPP cầm quyền tiếp tục được người dân Campuchia đặt niềm tin, mục tiêu này sẽ trở thành hiện thực.
Sứ mệnh đưa Campuchia tiếp tục phát triển
Sau thắng lợi lịch sử ngày 7/1/1979, cùng với niềm vui về sự hồi sinh, đất nước Campuchia phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Lịch sử đã chứng minh, vượt qua rất nhiều khó khăn, CPP vẫn từng bước lèo lái con thuyền Campuchia phát triển.
Đây là đảng duy nhất điều hành Chính phủ trong suốt 5 nhiệm kỳ qua, từng bước xây dựng đất nước Campuchia từ con số không sau chiến tranh, đời sống nhân dân khó khăn nay đã trở thành một đất nước hòa bình, ổn định và phát triển.
|
Đại sứ Campuchia Tuy Ry (người thứ 3 từ trái sang) và đại diện sứ quán Campuchia tại LHQ vui mừng đón nhận tin Campuchia trúng cử vào ECOSOC. |
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Thủ tướng Hunsen và đảng CPP, Campuchia đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Thứ nhất, đưa Campuchia từ môt nước bất ổn trở thành một nước tự do, hòa bình, ổn định với hơn 5,6 triệu lượt du khách năm 2017. Thứ hai, từ một nước dưới sự quản lý của chế độ độc tài Pol Pot trở thành một quốc gia dân chủ, tự do, đa đảng và nhân quyền với các cuộc bầu cử tự do, công bằng và tôn trọng các quy định của pháp luật. Thứu ba, với sự lãnh đạo của CPP, Campuchia từ một nước bị cấm vận kinh tế và chính trị trở thành một quốc gia tích cực hội nhập khu vực và thế giới. Thứ tư, CPP đã đưa Campuchia từ nền kinh tế bị tàn phá, nghèo nàn, thiếu lương thực trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu và tăng trưởng kinh tế ở mức cao (GDP trung bình đạt 7,7%/ năm) đồng thời hoàn tất mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Mới đây nhất ngày 18/6, với 183/188 phiếu ủng hộ tại Liên Hợp Quốc, Campuchia đã trúng cử Ủy viên ECOSOC nhiệm kỳ năm 2019. Hôm 5/6, Campuchia cũng được bầu làm Phó Chủ tịch phiên họp toàn thể lần thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ từ tháng 9/2018 – 9/2019.
Đánh giá về những thành tựu của CPP và cá nhân Thủ tướng Hunsen với đất nước, nhà văn Sebastian Strangio, tác giả cuốn sách “Hunsen của Campuchia” cho rằng “Ông Hunsen biết rõ ông ấy không thể xua tan sự ủng hộ dành cho phé đối lập. Thay vào đó, ông ấy chọn các hành động thiết thực để giảnh được trái tim và trí óc của nhân dân”.
Dư luận hy vọng, thành công của cuộc bầu cử Quốc hội ngày 29/7 tới với sự tham dự của đông đảo cử tri Campuchia sẽ tiếp tục tạo đà cho đất nước phát triển, duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho người dân xứ sở Chùa Tháp.