Cuộc bạo loạn nhà tù đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ
Cách đây 47 năm, sự ngột ngạt bên trong nhà tù Attica, nơi giam giữ 2.200 tù nhân ở New York dẫn tới vụ bạo loạn nhà tù đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ. Đầu tháng 9/1971, một nhóm tù nhân khống chế cai ngục, tràn vào khu vực trung tâm, giành lấy vũ khí và phóng hỏa. Cảnh sát phải dùng tới súng máy và hơi cay để trấn áp tù nhân nhưng bất thành.
|
Khung cảnh hoang tàn ở Attica sau vụ bạo loạn đẫm máu. (Ảnh: Buffalo News) |
Hơn 1.000 tù nhân sau đó tập trung chiếm giữ một khoảng sân trong nhà tù, bắt 39 người, hầu hết cai ngục và nhân viên nhà tù làm con tin trước khi đưa ra các yêu sách với giới chức New York.
Sau 4 ngày thương thảo bất thành, chính quyền New York quyết định dùng biện pháp mạnh. Họ điều trực thăng thả khí ga vào khu vực mà các tù nhân chiếm đóng rồi bắn tổng cộng 3.000 phát đạn khiến 29 tù nhân và 10 con tin thiệt mạng, 89 người khác bị thương.
Gia đình các nạn nhân sau đó theo đuổi một cuộc chiến pháp lý yêu cầu đền bù vì các hành vi vi phạm nhân quyền của các lực lượng với nạn nhân. Họ thắng kiện và nhận được khoản đền bù không nhỏ sau vụ bạo động được đánh giá là đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ.
Thảm sát tù nhân tại nhà tù lớn nhất Nam Mỹ
Một trong những vụ thảm sát tù nhân chấn động nhất thế giới được ghi nhận ở nhà tù Carandiru, Sao Paulo, Brazil vào năm 1992. Carandiru lúc bấy giờ là nhà tù lớn nhất Nam Mỹ, giam giữ 10.000 tù nhân. Vụ việc bắt đầu từ trận cãi vã giữa 2 tù nhân thuộc 2 băng đảng đổi lập rồi bùng lên thành làn sóng bạo lực lan khắp nhà tù.
|
Carandiru đóng cửa vào năm 2002, 10 năm sau cuộc bạo động đẫm máu. (Ảnh: PA) |
Các tù nhân nổi loạn và nhanh chóng giành được kiểm soát ở nhiều khu vực nhưng không bắt giữ con tin. Giới chức nhà tù ngay sau đó báo cáo vụ việc cho cảnh sát chống bạo động. Sau khi cảnh sát bao vây Carandiru, các tù nhân đã ra giấu xin hàng nhưng cuộc trấn áp vẫn xảy ra.
Hơn 300 cảnh sát nổ súng bừa bãi vào các tù nhân, khiến hơn 100 người thiệt mạng, 87 người bị thương trong khi cảnh sát không hề hấn gì.
Tới năm 2014, hơn 74 cảnh sát tham gia vào vụ đột kích phải ra trình diện trước tòa và nhận mức án 156 năm tù giam. Tuy nhiên, họ chỉ phải ngồi sau song sắt 30 năm vì luật Brazil quy định không áp dụng án tử hình và không có phạm nhân nào ngồi tù quá 30 năm.
Cuộc chiến đẫm máu giữa 2 băng đảng ma túy
Vụ ẩu đả giữa hai băng đảng ma túy đối địch tại nhà tù Apodaca ngày 19/2/2012 trở thành cuộc thảm sát đẫm máu nhất trong trại giam ở Mexico.
Vụ việc bắt đầu sau vụ xô xát giữa thành viên của Zetas và Gulf Cartel, đều là hai tổ chức tội phạm chuyên buôn ma túy khét tiếng ở Đông Bắc Mexico. Vụ cãi nhau tay đôi nhanh chóng kéo theo sự tham gia của đồng bọn 2 bên rồi vượt qua mức kiểm soát.
Hệ quả, 44 tù nhân thiệt mạng và đều là thành viên của Gulf Carte. 30 tù nhân là thành viên Zetas lợi dụng tình thế hỗn loạn để đào thoát. Nhiều trong số đó đến nay vẫn chưa bị bắt lại.
Bạo loạn đẫm máu ở nhà tù Tajikistan
Vụ bạo loạn xảy ra cách đây hơn hơn 2 tháng tại nhà tù ở thành phố Vakhdat, Tajikistan, giam giữ khoảng 1.500 phần tử cực đoan, trong đó có nhiều tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Một nhóm tù nhân đã sát hại 3 quản ngục và giết chết 5 tù nhân khác trước khi lực lượng an ninh can thiệp và tiêu diệt 24 tù nhân nổi loạn.
Tháng 11/2018, một vụ bạo động khác nổ ra tại một nhà tù ở thành phố Khujand của Tajikistan khiến 21 tù nhân và hai quản ngục thiệt mạng. IS sau đó lên tiếng nhận trách nhiệm vụ bạo loạn này.
Chặt đầu tù nhân ở Brazil
Trong vụ bạo loạn mới đây nhất, 52 tù nhân thiệt mạng, trong đó có 16 người bị chặt đầu trong vụ bạo động nhà tù tại miền Bắc Brazil.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 7h30 sáng 29/7 (giờ địa phương) tại nhà tù Altamira, bang Para. 36 tù nhân thiệt mạng do ngạt khói khi các tù nhân khác phóng hỏa cơ sở giam giữ này.
Cuộc bạo loạn bắt đầu khi 1 nhóm tù nhân xông vào khu vực nhà tù do nhóm đối địch kiểm soát. Nhóm bị tấn công đốt cháy căn cứ của nhóm kia để trả thù, 2 lính gác bị bắt làm con tin nhưng sau đó được thả.
Vụ bạo loạn diễn ra trong khoảng 5 giờ đồng hồ. Đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi các vụ bạo động chết người tại các nhà tù ở Brazil trong vài tháng gần đây.
Các nhóm nhân quyền chỉ trích chính quyền hời hợt trong nỗ lực ngăn chặn bạo lực ở các trung tâm giam giữ, thậm chí tạo điều kiện cho các cuộc đụng độ bằng cách giam giữ quá đông các tù nhân trong 1 cơ sở.
Các cuộc đụng độ cũng đặt ra thách thức đối với tân Tổng thống Jair Bolsonar, người trước khi đắc cử nhiều lần tuyên bố sẽ trấn áp các băng đảng tội phạm và bạo lực nhà tù.