Bi kịch phía sau cánh cửa các viện dưỡng lão ở Pháp

Google News

Đại dịch COVID-19 đã biến hàng nghìn viện dưỡng lão và những khu nhà lưu trú của những người cao tuổi ở Pháp thành các “ốc đảo bị cô lập”.

Bên trong các viện dưỡng lão, các nhân viên chăm sóc với quân số ít ỏi đang kiệt sức dần trong cuộc đấu tranh giành giật lại sự sống cho những người già cô đơn bị giam hãm trong những căn buồng chật chội.
Cuộc chiến tiêu hao rất nhiều sinh lực để chống lại coronavirus mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Ở thời điểm này, chính phủ chỉ có được những số liệu không đầy đủ về số nạn nhân, ngoài lý do thiếu phương tiện thống kê, đó còn là sự ngần ngại của các cơ sở và những người phụ trách y tế địa phương trong việc minh bạch các số liệu.
Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu
Le Bosquet de la Mandallaz ở Sillingy (Haute-Savoie) là trại dưỡng lão đầu tiên có người chết vì COVID-19 khi có 7 người nhiễm dịch đã chết vào đầu tháng 3. “ Ban đầu, người ta kinh hãi nhìn chúng tôi như những người bị dịch hạch”, Eric Lacoudre.
Nhưng sau cơn hốt hoảng ban đầu, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ nhiệt tình từ những người dân địa phương”, Giám đốc Viện dưỡng lão nhớ lại. Một người phục vụ tại một quán ăn trong làng đã nghỉ việc để “đến giúp một tay”.
Bi kich phia sau canh cua cac vien duong lao o Phap
 Các viện dưỡng lão ở Pháp đã bị phong tỏa hoàn toàn. Con cái cũng chỉ có thể nói chuyện với bố mẹ qua các cửa kính khép chặt.
Những tình nguyện viên để chi viện, hỗ trợ các nhân viên hoặc đôi khi đơn giản chỉ là đến chia sẻ với những người già cô đơn đang lâm bệnh. Sở dĩ Lacoudre cởi mở bởi ông cảm thấy “ tự hào vì đã vượt lên trên được khó khăn”.
Thái độ này của Lacoutre là trái ngược hẳn với đa số các đồng nghiệp, họ đều rất kín đáo và không hề muốn nói về những gì đang diễn ra trong cơ sở lưu trú của mình.
Ở Trại dưỡng lão Aiguerelles à Mauguio (Hérault), cái chết của 3 bệnh nhân COVID-19 đã được xác nhận, 4 người nữa cũng đã chết khi chưa được xét nghiệm nhưng họ đều mang những dấu hiệu của chứng bệnh COVID-19.
29 trên tổng số 78 người lưu trú tại cơ sở này và 6 trong tổng số 40 nhân viên đã có xét nghiệm dương tính với COVID-19. Ban giám đốc của viện dưỡng lão có thông báo cho gia đình nhưng không cung cấp thông tin nào cho các phương tiện truyền thông công cộng.
Ở Paris, đã có 5 người cao tuổi chết tại Trại dưỡng lão của Fondation Rothschild, 5 người khác trong Trại dưỡng lão Le Cœur (Yvelines) cũng đã chết với những triệu chứng của COVID-19. Ở Thise (Doubs) 15 khách lưu trú đã chết. Nhiều gia đình nạn nhân nhận được thông báo về cái chết của người thân mà không có bất cứ lời giải thích nào đi kèm.
Tập đoàn Korian, chủ sở hữu của các cơ sở dưỡng lão trên đã từ chối yêu cầu cung cấp thông tin mà báo chí gửi đến cho tập đoàn này thông qua Cơ quan Y tế Khu vực (ARS). Các phóng viên cũng gặp phải tình trạng tương tự ở cơ sở dưỡng lão Le Couarôge ở Cornimont (Vosges) nơi có 15 người chết. “Muốn hỏi hãy đến tòa thị chính”, đó là câu trả lời của ban giám đốc dành cho các nhà báo.
Theo giáo sư Jérôme Salomon, Giám đốc hành chính của Tổng cục Y tế (DGS), hiện nay trong bản cập nhật hàng ngày về tình hình dịch bệnh vẫn chưa có sự tách biệt trong những con số thống kê giữa cái chết của những người bệnh tại các viện dưỡng lão với những cái chết vì bệnh dịch được ghi nhận trong bệnh viện hoặc trong thành phố.
Có nhiều lý do khách quan dẫn đến việc chưa có được một tấm bản đồ về sự phân bố bệnh dịch ở các viện dưỡng lão trên quy mô toàn quốc. Việc đếm số lượng người chết trong các viện dưỡng lão sẽ ám chỉ rằng tất cả các bệnh nhân trong những viện này đã được xét nghiệm trước hoặc sau khi chết.
Nhưng theo quy định hiện nay của Bộ Y tế, chỉ hai hay ba trường hợp đầu tiên có những triệu chứng nhiễm bệnh được xét nghiệm. Còn khi những bệnh nhân cao tuổi nhiễm dịch bị chết trong bệnh viện, người ta không phân chia ra những trường hợp trước đó bệnh nhân sống tại nhà hay tại các viện dưỡng lão.
"Không có luật omerta (luật im lặng)"
Phần lớn các cơ quan y tế khu vực (ARS) bắt đầu lập các bản đánh giá tạm thời. Trả lời báo Le Monde, người lãnh đạo ARS của vùng Hauts-de-France cho biết: “đã có 18 trong tổng số 580 trại dưỡng lão công bố có người nhiễm COVID-19 trong số những người lưu trú tại đó. Đến nay đã có tổng cộng 81 người dương tính và 21 người chết vì COVID-19”.
Nhưng tại sao chỉ có rất ít cơ sở chịu cung cấp thông tin cho báo chí? Olivier Obrecht, Phó Tổng giám đốc của ARS vùng Bourgogne-Franche-Comté, giải thích: “Không có luật “omerta” gì ở đây. Đơn giản là chúng tôi có một quy định nghiêm ngặt trong việc công bố thông tin để không tạo ra sự hoảng loạn hay sự chủ quan quá đà trong cộng đồng. Ngay cả khi chúng tôi có thể kiểm đếm đầy đủ những cái chết trong từng viện dưỡng lão, chúng tôi cũng không thể nói chính xác về nguyên nhân của những cái chết đó”.
Bi kich phia sau canh cua cac vien duong lao o Phap-Hinh-2

Theo những nguồn tin riêng mà phóng viên báo Le Monde có được, chỉ trong ngày 23/3, đã có tới 39 người chết trong các nhà dưỡng lão ở vùng Ile-de-France. Nhưng những số liệu này không phải do ARS của Ile-de-France cung cấp mà do các nhà báo lấy thông tin từ từng trại dưỡng lão riêng rẽ rồi tổng hợp lại.
“Chúng tôi muốn có một một cái nhìn toàn cảnh và xác thực về tình hình hiện nay. Sẽ là một sai phạm rất lớn mà chúng tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu coi nhẹ những nguy cơ trên thực tế đối với những người già dễ bị tổn thương này”, Aurélien Rousseau, Giám đốc ARS Ile-de-France giải thích.
Còn Isabelle Bilger, người điều phối các chính sách công tại ARS thì bổ sung thêm: “Những thông tin được phản hồi đến chúng tôi như thế này sẽ cho phép chúng tôi điều chỉnh kịp thời các biện pháp hỗ trợ cho các viện dưỡng lão và đánh giá sự cần thiết của việc sử dụng khẩu trang trong từng trường hợp cụ thể".
Kiến nghị của các chuyên gia hàng đầu gửi tới Bộ trưởng Bộ Y tế
Không muốn thụ động ngồi chờ tình hình xấu đi, các bác sĩ lão khoa đã liên tục thúc giục chính phủ cần tăng cường các nỗ lực nhằm chặn đứng sự lây lan của bệnh dịch trong các cơ sở lưu trú của người già. Yêu cầu đầu tiên của các nhà chuyên môn là phát hiện ra người nhiễm bệnh sớm nhất có thể.
Giáo sư Hubert Blain, lãnh đạo Trung tâm Lão khoa của Bệnh viện Đại học Montpellier, từ vài tuần trước đây đã lên tiếng cảnh báo cho các đồng nghiệp về các triệu chứng không điển hình mà nhiều người cao tuổi nhiễm virus mắc phải: tiêu chảy nặng, mất thăng bằng, rối loạn nhận thức.
Những nhà quản lý của các viện dưỡng lão cần phải được huấn luyện các kỹ năng phát hiện ra những “dấu hiệu cảnh báo sớm, những dấu hiệu xuất hiện trước cả khi bệnh nhân bắt đầu ho và sốt, mục đích nhằm để cách ly các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh càng sớm càng tốt tránh để họ có đủ thời gian lây nhiễm cho những người khác.
Nhưng để việc phát hiện người nhiễm bệnh sớm hơn, theo giáo sư Blain, các viện dưỡng lão phải có được tiếp cận nhanh chóng với việc xét nghiệm virus và xét nghiệm phải được áp dụng cho cả những người lưu trú cũng như đối với những nhân viên chăm sóc.
Cũng theo các bác sĩ lão khoa, việc trang bị đầy đủ khẩu trang cho nhân viên trong các viện dưỡng lão là một yêu cầu thiết yếu. "Nhiều nghiên cứu cho thấy hơn 50% bệnh nhân dương tính với COVID-19 không hề có biểu hiện nào của triệu chứng nhiễm bệnh", Ga#l Durel, đồng Chủ tịch Hiệp hội quốc gia các bác sĩ điều phối viên trong lĩnh vực y học cộng đồng (MCOOR), nhấn mạnh.
Ngày 20/3, trong lá thư ngỏ gửi tới Olivier Veran, Bộ trưởng Bộ Y tế, các chuyên gia đại diện cho ngành lão khoa Pháp đã ước tính mỗi ngày phải cần tới 500.000 khẩu trang để cấp cho tất cả các viện dưỡng lão.
Các bác sĩ lão khoa và giám đốc viện dưỡng lão cũng đang tiến hành các cuộc vận động nhằm đảm bảo những bệnh nhân tại các viện dưỡng lão được quyền nhập viện để chăm sóc trong bối cảnh đang khan hiếm gường bệnh tại các cơ sở y tế gây ra bởi sự tăng vọt về số người nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng.
Trong thư gửi Olivier Véran, các bác sĩ – chuyên gia lão khoa tin rằng các viện dưỡng lão hiện nay không có đủ thiết bị cũng như nhân viên để chăm sóc những bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch.
Giáo sư Claude Jeandel, Chủ tịch Hội đồng Bác sĩ Lão khoa Quốc gia, một trong những người đã ký tên vào bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh: "Chính phủ không nên căn cứ vào tuổi tác để đưa ra những quy định cho phép bệnh nhân được nhập viện để điều trị, tốt hơn là quy định đó phải dựa trên khả năng vượt qua được bệnh dịch của từng người bệnh cụ thể”.
Theo Dương Quốc Tuệ/ CAND

>> xem thêm

Bình luận(0)