Bí ẩn các bà “mẹ hờ” trong ngành công nghiệp đẻ thuê xuyên quốc gia

Google News

Nhiều phụ nữ bắt đầu khởi nghiệp trong ngành nghề mới, mang thai hộ những người nước ngoài chưa từng đặt chân đến Ấn Độ với giá rẻ mạt.

Chỉ cần đẻ là xong nhiệm vụ
Goá phụ tên Sonali đang mang thai với nước da hơi xanh nhợt. Người chồng đã qua đời trong một tai nạn giao thông bỏ lại một mình Sonali phải gồng mình kiếm tiền trả nợ cho căn nhà của gia đình.
Nhiều phụ nữ Ấn Độ chấp nhận đẻ thuê nhiều lần vì hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Guardian 
Theo Guardian, kể từ khi “khởi nghiệp” nghề mang thai hộ, Sonali đã nhiều lần hiến trứng và nhận đẻ thuê cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Lần đầu tiên, Sonali mang thai hộ một cặp vợ chồng người Israel, cô nhận được 2,5 vạn Rupee (khoảng 2.980 USD).
Số tiền trên không đủ để cho người khoá phụ trang trải hết món nợ tiền nhà, do đó cô tiếp tục lên kế hoạch đẻ hộ nhiều lần để kiếm tiền trả nợ.
Một phụ nữ khác tên Kalpita khoe tấm ảnh của hai đứa trẻ sinh đôi mà cô đã vất vả sinh ra. Trong lần đó cô được trả số tiền khoảng 4.100 USD, số tiền được cho là không xứng đáng cho việc sinh hai đứa trẻ, điều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Sau khi xong việc, người chồng ngoại quốc cũng không hề thắc mắc chuyện gì sẽ xảy ra cho người “mẹ hờ” của con mình. Họ luôn chắc chắn và yên tâm rằng những người phụ nữ này chỉ cần nhận được khoản tiền mà họ thanh toán là sẽ được chăm sóc và đền đáp xứng đáng.
Trong gần một thập kỷ vừa qua, ngành công nghiệp đẻ thuê xuyên quốc gia là dịch vụ phát triển mạnh ở Ấn Độ. Bác sỹ sản khoa Nayna Patel được xem như người đi tiên phong cho hoạt động này từ năm 2004.
Đối tượng khách hàng tiềm năng của dịch vụ này đa phần đến từ các nước Australia hoặc châu Âu, nơi dịch vụ đẻ thuê được xem là bất hợp pháp hoặc có chi phí lớn.
Bác sỹ Patel đưa ra mức giá 12.000 USD cho việc sinh một đứa trẻ, trong đó người mang thai hộ được nhận khoản tiền 5.000 USD. Tại những quốc gia như Mỹ hoặc châu Âu, chi phí cho dịch vụ đẻ thuê hợp pháp dao động từ 75.000 đến 120.000 USD (thời điểm năm 2015), gấp 5 lần giá dịch vụ tại Ấn Độ.
“Chuyện cổ tích” thời hiện đại?
Bác sỹ sản Patel chia sẻ: “Ở các khu vực trên thế giới, nhiều phụ nữ khao khát thiên chức làm mẹ nhưng đành bất lực. Trong khi đó có những phụ nữ đông con nhỏ nhưng lại mong mỏi gia đình thoát được cảnh nghèo. Nếu hai bộ phần này muốn giúp nhau, tại sao chúng ta không cho phép điều đó?”.
Từ những lời chào mời trên, các câu chuyện mà bác sỹ Patel đưa ra đã đưa phụ nữ nghèo Ấn Độ mơ mộng đến “câu chuyện cổ tích của thị trường tự do”. Đến cuối năm 2015, phòng phám của bác sỹ Patel thông báo đứa trẻ thứ 1.001 đã chào đời khoẻ mạnh từ phương pháp này.
Những người phụ nữ đẻ thuê chuyên nghiệp được cung cấp chỗ ở trong các khu ký túc xá, việc của họ chỉ là hiến trứng hoặc tĩnh dưỡng, theo dõi sát sao tình trạng em bé. Họ cũng phải xa gia đình trong suốt thời gian mang thai của mình.
Những toà nhà ký túc xá mà các bà “mẹ hờ” đang sinh sống được các chuyên gia mô tả như là “nhà máy trẻ em”. Các chuyên gia phê bình nhận định mối quan hệ của những cặp vợ chồng ngoại quốc và người mang thai hộ không khác gì khách hàng và người làm thuê.
“Điều đau lòng khi nhắc đến Ấn Độ là sự nghèo đói khiến phụ nữ sẵn sàng hy sinh, cho thuê dạ con của chính mình”, luật sư Jayshree Wad đánh giá. Mỗi năm những người chồng ngoại quốc chỉ đến Ấn Độ hai lần, một lần để giao tinh trùng hay tạo phôi thai, lần sau đến để nhận con.
Những bà “mẹ hờ” cho rằng mang thai hộ sẽ thay đổi đáng kể cuộc sống của họ mà không để ý rằng điều này rất nguy hiểm. Bác sỹ Sukhpreet Patel cho biết phụ nữ mang thai quá nhiều lần liên tiếp có nguy cơ tăng huyết áp, thiếu máu và sinh non.
Trên khía cạnh tâm lý, những người mẹ sinh xong đều được tách ra phòng riêng với đứa bé. Mặc dù không phải máu mủ ruột thịt, nhưng nhiều bà mẹ không khỏi cảm thấy tổn thương vì sự chia cắt. Không ít trường hợp các bà mẹ khi chia tay đứa con của người khác nhưng do mình sinh ra đều đau buồn và muốn giữ các em lại.
Tại Ấn Độ, hoạt động đẻ thuê đã được coi là hợp pháp từ năm 2002. Tuy nhiên đến năm 2015, giới chức Ấn Độ bắt đầu xem xét việc cấm các hoạt động mang thai hộ cho người nước ngoài vì cho rằng ngành công nghiệp thương mại hoá đẻ thuê này có thể khiến phụ nữ nghèo bị bóc lột.
Mời quý độc giả xem video Tìm hiểu thêm về mang thai hộ (nguồn VTC):
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)