Một buổi sáng thứ 5 ẩm ướt tháng 5 năm 1938, hàng trăm công nhân làm việc ở mỏ dầu miền tây Pennsylvania (Mỹ), được nghỉ một ngày để tham gia chiến dịch tìm kiếm một bé gái mất tích. Họ cùng cảnh sát với những con chó săn, các cựu chiến binh, những người thợ mỏ và người dân trong vùng "bới tung" cả khu rừng Allegheny để tìm bằng được tung tích cô bé theo lệnh của ngài thị trưởng địa phương. Trong quá trình tìm kiếm, đoàn người với số lượng không dưới 1.000 người phải đối mặt với hàng trăm con rắn chuông nguy hiểm và cẩn thận không thả chân xuống một trong hàng trăm giếng dầu được đào từ thời kỳ bùng nổ dầu mỏ của khu vực vào những năm 1870.
|
Tranh minh họa cho thấy quy mô lớn của chiến dịch tìm kiếm bé gái 4 tuổi mất tích. |
Nhưng khi màn đêm buông xuống, những con người với khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ lại thở dài thườn thượt với một sự thật nghiệt ngã: một ngày nữa trôi qua mà không tìm thấy cô bé tóc đỏ 4 tuổi Marjorie West.
80 năm trước, Marjorie đột ngột biến mất khi đang đi dã ngoại trong rừng cùng gia đình vào Ngày của Mẹ. Cho đến ngày nay, Marjorie vẫn là nạn nhân của vụ mất tích lâu đời nhất được ghi nhận bởi Trung tâm quốc gia hỗ trợ trẻ em mất tích và bị bóc lột.
Cuộc tìm kiếm Marjorie cũng là một trong những chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn nhất đối với một em bé, kể từ khi xảy ra vụ bắt cóc Lindbergh xảy ra cách đó 6 năm. Người dân trong vùng Pennsylvania và người thân còn sống của Marjorie vẫn không nguôi hy vọng. Nếu như còn sống, hiện tại Marjorie đã gần 86 tuổi.
Bé gái 4 tuổi biến mất trong nháy mắt
Ngày 8/5/1938, gia đình nhà West, gồm người cha Shirley, mẹ Cecilia, và các con Dorothea (11 tuổi), Allan (7 tuổi) và Marjorie (4 tuổi) đã tới nhà thờ ở Bradford - một thành phố nhỏ cách Buffalo, New York 90 phút về phía đông và cách Titusville, Pennsylvania cũng chừng đó. Cơn sốt dầu mỏ hay còn gọi là "vàng lỏng" tại thành phố Bradford thời điểm đó đã mang lại đời sống ổn định cho nhiều gia đình như nhà West. Shirley là một kỹ sư trợ lý tại Kendall Refining.
|
Hình ảnh cô bé Marjorie West. |
Sau khi đi nhà thờ, gia đình West lái xe hơn 20km dọc theo đường cao tốc 219 đến rừng Allegheny, địa điểm ưa thích của các thợ săn và người đánh cá. Họ vui chơi cùng gia đình người bạn là ông bà Lloyd Akerlind.
Khoảng 3h chiều, Cecilia ra xe nghỉ ngơi còn chồng bà thì chuẩn bị đi câu cá cùng ông Lloyd. Hai cô bé Dorothea và Marjorie thì thích hái hoa dại.
Cecilia không quên cảnh báo các con về những con rắn đuôi chuông nguy hiểm có thể nấp sau những tảng đá. Khi hái được 1 bó hoa violet, Dorothea chạy ra xe để tặng mẹ, khi quay lại thì em gái Marjorie đã biến mất.
Cuộc tìm kiếm gian nan hơn cả "mò kim đáy bể"
Ngay sau khi Marjorie biến mất, cả gia đình nhanh chóng tới trạm điện thoại công cộng gần nhất, cách đó khoảng hơn 10km, để báo cảnh sát thị trấn Kane.
Sau khi Marjorie mất tích là cuộc tìm kiếm mệt mỏi, kéo dài đằng đẵng trong nhiều tháng với sự tham gia của 3.000 người dân địa phương. Thông tin các cuộc tìm kiếm khác đã phủ khắp các tờ báo quốc gia.
Sau buổi chiều Chủ nhật, cảnh sát không thể tìm thấy Marjorie, 200 sỹ quan từ các đơn vị lân cận đã tham gia cuộc tìm kiếm. Khi bóng tối buông xuống, những người công nhân khai thác dầu mang theo đèn pha và "mọi chiếc đèn pin trong thành phố đều được huy động". Cuộc tìm kiếm bị chậm lại do cơn mưa lạnh lúc 1 giờ sáng.
Tới ngày thứ Hai, số người tham gia cuộc tìm kiếm đã lên tới 500 người, họ lội qua các con suối, mở rộng phạm vi tìm kiếm. Cảnh sát thẩm vấn mọi tài xế trong khu vực trải dài hàng trăm km..
Sang ngày thứ Ba, 10/5, cảnh sát đưa thêm những chú chó nghiệp vụ từ New York tới. Tối cùng ngày, cảnh sát đã tìm được một số manh mối nhưng báo chí và truyền thông lại đăng tải những thông tin khác nhau gây mâu thuẫn. Hai bài báo nói rằng các chú chó đã lần theo dấu vết của Marjorie khoảng 1km dẫn lên núi và tìm tới được một chiếc cabin đóng kín.
Tuy nhiên, bên trong nó chẳng có manh mối gì. Những bài báo khác, cũng như các cuộc phỏng vấn người thân và các bài viết của nhiều người họ hàng của Marjorie thì lại nói rằng chó nghiệp vụ đã đi theo mùi hương của cô bé tới tận con đường dọc khoảng rừng thưa.
Vào thời điểm đó nhiều người vẫn tin rằng Marjorie đã đi lạc ra đường lớn và bị ai đó bắt đi. Nhân chứng nói với cảnh sát rằng có 3 chiếc xe đã đi qua khu vực này vào khoảng 3 giờ chiều. Tối 10/5, 2 trong số 3 tài xế đã được nhận diện, tài xế thứ 3 được nhân chứng cho là một người đàn ông chạy xe Plymouth mui kín với tốc độ cao.
Sang tới chiều thứ 4, ngày 11/5, Thị trưởng thành phố Bradford, ông Hugh Ryan, đã kêu gọi sự tham gia của 1.000 tình nguyện viên để tìm kiếm cô bé Marjorie. Khoảng 2.500 người đã hưởng ứng lời kêu gọi này. Đến cuối tuần, khu vực tìm kiếm đã lên tới hơn 90km2 mà không có tung tích của Marjorie. Người ta cũng tìm được một vài manh mối: một mảnh vải ren, một cái hố mới đào cách đó vài km. Nhưng dì của Marjorie nói với cảnh sát rằng cô bé không mặc đồ ren vào ngày hôm đó và 2 người đàn ông thừa nhận đã đào cái hố để giấu những thùng rượu anh đào. Người ta cũng phát hiện được bó hoa violet nằm không xa tảng đá, gần nơi hai chị em hái hoa.
Cảnh sát sau đó bắt đầu phát đi các tờ thông báo mất tích và treo thưởng cho ai thấy tung tích của Marjorie. Họ miêu tả Marjorie có mái tóc xoăn đỏ, làn da tàn nhang, chiếc mũ Shirley Temple màu đỏ và đôi giày da bóng.
Những giả thuyết được đưa ra
Vào ngày 13 tháng 5 năm 1938, ủy viên cảnh sát tiểu bang, PW Foote, nói với hãng tin AP rằng sự mất tích của Marjorie có lẽ bắt đầu từ việc cô thích chơi trốn tìm và khiến việc tìm kiếm trở nên khó khăn.
Các tờ báo đưa tin về vụ mất tích của Marjorie đã liên hệ vụ việc với một bí ẩn năm 1910. Ngày 16/4/1910, cậu bé Edward Adams, 9 tuổi, đang câu cá với nhóm bạn gần Lamont, bang Pennsylvania, thì nghe tiếng một "người rừng" chửi rủa gì đó. Những đứa trẻ hốt hoảng chạy đi nhưng khi cả nhóm dừng lại thì Eddie đã biến mất.
Cùng ngày 16/4, cách đó hơn 20km, tại thị trấn Ludlow, cậu bé Michael Steffan, 7 tuổi, cũng đang câu cá với một người bạn. Trên đường trở về nhà, người bạn quay lại và phát hiện Michael đã mất tích.
Báo chí vào thời điểm đó đưa tin rằng ông Arbowmith tự giác báo cáo về việc con trai của ông, Harry, 32 tuổi, người có vấn đề về thần kinh, đã đi lang thang cùng ngày, gần Lamont nơi cậu bé Edward biến mất. Nhưng Harry trở lại một tuần sau đó mà không biết gì về các cậu bé mất tích.
2 năm sau, cảnh sát Buffalo đã bắt được J Frank Hickey, kẻ đã thừa nhận sát hại 2 cậu bé tại Buffalo và Manhattan cách nhau 9 năm. Nhiều người tình nghi tên này còn sát hại những cậu bé khác nữa, trong đó có Edward Adams và Michael Steffan. Dù xảy ra cách nhau tới 28 năm nhưng vụ án này cho thấy trong rừng còn ẩn chứa nhiều nguy cơ khác ngoài thú dữ.
Những vụ việc kể trên diễn ra cách nơi gia đình Marjorie cắm trại tới gần 30km và 2 mốc thời gian cách nhau tới 28 năm nên thật khó để người ta tin rằng một "người rừng" nào đó vẫn đang lẩn trốn trong khu rừng suốt 28 năm để bắt cóc Marjorie. Nhưng những giả thuyết đó khiến người ta nhận ra rằng gấu và rắn độc không phải là những mối đe dọa duy nhất tiềm ẩn trong các khu rừng.
Có ý kiến cho rằng Marjorie có thể bị bắt cóc để đòi tiền chuộc. Một số khác lại tin rằng Marjorie bị bắt cóc không phải vì tiền chuộc mà là phục vụ cho một tổ chức kiếm "tiền bẩn" khác.
Ngày 12/9/1950, các nhà chức trách ở Tennessee đã cáo buộc ông Georgia Tann, Giám đốc điều hành chi nhánh Memphis của Tổ chức từ thiện nhà ở xã hội của trung tâm bảo trợ trẻ em tại Tennessee đã nhận nuôi hơn 1.000 trẻ em để kiếm lợi nhuận 1 triệu USD từ đầu những năm 1930 bằng cách lừa các cặp vợ chồng nghèo từ bỏ con. 3 ngày sau khi vụ điều tra được công khai, Tann đã qua đời. Nhiều đứa trẻ thậm chí còn không biết được bố mẹ đẻ của mình thật sự là ai. Vụ việc liên quan tới Tann khi đó cũng từng được xem là một giả thuyết hợp lý.
Lời giải đầy hợp lý từ... một nhà văn
Năm 1998, khi mạng Internet dần trở nên phổ biến, Harold Thomas "Bud" Beck, một nhà văn, giáo sư, Phó tiến sĩ ngôn ngữ học đến từ Bradford, đã treo thưởng 10.000 USD cho ai biết được thông tin về Marjorie. Ông cũng đăng kèm cả ảnh mới nhất của người chị Dorothea, vì cho rằng Marjorie sẽ giống bà. Thế rồi sau đó, ông khẳng định mình đã biết chân tướng sự việc.
Một người phụ nữ đã chủ động liên lạc với ông Beck và khẳng định mình từng làm việc tại một bệnh viện ở Florida với một nữ y tá có khuôn mặt rất giống người trong hình mà ông đã đăng tải lên Internet.
Ông nhà văn nhanh chóng tìm tới Florida để gặp người y tá trong câu chuyện. Người phụ nữ này rất giống Dorothea nhưng cương quyết phủ nhận mình là Marjorie. Mọi nỗ lực của Beck rơi vào bế tắc.
Tuy nhiên, đến năm 2005, Beck lại nhận được tin từ nữ y tá kể trên. Ông đã đến gặp nữ y tá tại trang trại mà bà sinh sống lúc nhỏ tại Bắc Carolina. Người phụ nữ ấy đã kể cho Beck nghe câu chuyện mà mẹ bà kể lại trước khi nhắm mắt xuôi tay với điều kiện ông Beck không được tiết lộ câu chuyện cho bất kỳ ai, trừ Dorothea – người mà bà tỏ ý muốn gặp mặt. Thế nhưng, khi đó Dorothea đã quá già yếu và không thể gặp nữ y tá.
Nữ y tá cho phép Beck xuất bản câu chuyện của mình chỉ sau khi bà qua đời. Bà kể lại câu chuyện rằng: "Vào Ngày của Mẹ năm 1938, cha của bà đang trên đường trở về nông trại sau khi tạm nghỉ công việc tại nhà máy lọc dầu ở Bradford thì bất ngờ đâm phải một bé gái tại con đường ngang qua rừng Allegheny. Ông định đưa cô bé tới bệnh viện ở Kane, nhưng sau đó cô bé bất ngờ tỉnh lại trên xe. Ông và vợ mất đi đứa con gái ngay khi em bé chào đời vì vậy họ quyết định giữ cô bé lại nông trại để nuôi. Thời Thế chiến II, ông nhập ngũ và mất đi một cánh tay – điều này khiến ông cho rằng đó là cách Chúa trừng phạt vì những gì ông đã làm. Sau cuộc chiến, cha mẹ của nữ y tá này còn có thêm 4 người con nữa".
Sau khi nữ y tá qua đời, nhà văn Beck giữ lời hứa và xuất bản cuốn sách "Finding Marjorie West" (Tạm dịch: "Đi tìm Marjorie West") trong đó khẳng định nhân vật nữ y tá chính là Marjorie West.
Nhiều người tin câu chuyện là có thật, bởi nó giải thích được vì sao cô bé biến mất không chút dấu vết. Thế nhưng sau khi cuốn sách ra đời, đã có rất nhiều tranh cãi. Catherine, con gái chị họ của Marjorie, cũng phủ nhận tính xác thực của câu chuyện.
Nếu câu chuyện của Beck là sự thật, nó giải thích được tại sao Marjorie biến mất nhanh chóng mà không để lại dấu vết và chiếc xe Plymouth phóng nhanh hôm đó nhưng vẫn còn những câu hỏi chưa được giải đáp như: Tại sao mà 2 người nuôi Marjorie có thể giữ bí mật lâu đến vậy?...
Đúng là câu chuyện quá hoàn hảo để có thể trở thành sự thật. Trong cuốn sách của Beck, nữ y tá tuyên bố mình chính là bé gái khóc nhè được phát hiện tại Tây Virginia vào đêm Ngày của Mẹ. Vậy nhưng, theo bài báo từ tháng 10/1983, cảnh sát và gia đình West đã đến gặp Conrad Fridley, một thợ máy khẳng định đã có mặt ở địa điểm trên vào thời điểm đó. Cảnh sát xác nhận con gái của Fridley trông rất giống với Marjorie nhưng không phải là người mất tích và cô bé được phát hiện đêm đó mặc quần áo khác với Marjorie.
Vậy nếu nữ y tá kia không phải là Marjorie West thì cô bé thực sự đã đi đâu, hay "biến mất" như thế nào? Câu hỏi đến nay vẫn còn là một bí ẩn chưa ai đưa ra được lời giải đáp thỏa đáng...