|
Ông Song Lizhi, Giám đốc chương trình tiêm chủng, thuộc Trung tâm quản lý và phòng ngừa bệnh dịch của tỉnh Sơn Ðông. Ảnh: SCMP. |
Tờ China Times đưa tin, ông Song Lizhi, người phụ trách chương trình tiêm chủng của tỉnh Sơn Đông, đã tự tử sau khi vụ tiêm vaccine DPT (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván) không đạt chuẩn được tiêm cho 210.000 đứa trẻ của tỉnh gây nên làn sóng căm phẫn khắp Trung Quốc.
Ông Song đang trong tình trạng nguy kịch sau khi đã tự tiêm một lượng lớn insulin vào cơ thể. Sự việc xảy ra sau khi vụ bê bối vaccine DPT do công ty công nghệ sinh học Trường Sinh cung cấp không đạt chuẩn. Giới chức Trung Quốc buộc tội công ty này giả mạo hồ sơ và sản xuất vaccine phòng dại kém chất lượng. Là người quản lý chương trình tiêm chủng của tỉnh, ông Song đã phê duyệt cho lô vaccine kém chất lượng này được sử dụng trong chương trình tiêm chủng của địa phương mình.
Tỉnh Sơn Đông ngừng cung cấp vaccine ngừa bệnh dại kém chất lượng của công ty Trường Sinh từ tháng 11 năm ngoái sau khi các nhà quản lý phát hiện một số lô không đạt chuẩn, thế nhưng tỉnh này chỉ ngừng sử dụng vaccine do công ty này sản xuất sau vụ bê bối vaccine DPT bị phát hiện gần đây.
Mặt trái của bảo hộ
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, sau bê bối vaccine kém chất lượng tại tỉnh Sơn Đông, nhiều người đặt câu hỏi phải chăng chính sách bảo hộ y tế của Trung Quốc là nguyên nhân chính của việc sản xuất và phân phối vaccine kém chất lượng tràn lan.
Nhà kinh tế học Vương Phúc Trọng đã kêu gọi chính quyền mở cửa rộng hơn đối với các loại vaccine nhập khẩu sau vụ bê bối vaccine trong nước. Ông Vương cho rằng, một thị trường đóng cửa sẽ dẫn tới thiếu tính hiệu quả, tham nhũng và nguy hiểm tới sức khỏe người dân.
Từ trước tới nay, Trung Quốc nổi tiếng khắt khe với các loại vaccine ngoại. Yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các loại vaccine nhập khẩu là phải trải qua các thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc và quá trình này kéo dài nhiều năm. Điển hình có thể kể tới vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung đã được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt từ năm 2006, nhưng mãi 10 năm sau nó mới được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc cho phép lưu hành.