Theo SCMP, Chuang suýt thiêu rụi cả nhà chỉ vì học theo công thức nấu mì ăn liền kem sữa trứng của một người nổi tiếng trên mạng (giấu tên). Người nổi tiếng kia còn khẳng định món ăn sẽ ngon hơn nếu được hâm nóng trong lò vi sóng.
Chuang cho biết, công thức đơn giản nhưng cô quyết định thử nấu tại nhà. Thậm chí, cô còn sử dụng cốc giấy để nấu mì trong lò vi sóng không quá hai phút, chẳng khác gì hướng dẫn của công thức trên mạng.
|
Chuang Qiaoyu (ở Bắc Kinh, Trung Quốc), đã khiến căn bếp bốc cháy, suýt thiêu rụi cả nhà khi bắt chước nấu một tô mì ăn liền theo công thức trên mạng. Ảnh minh hoạ. |
Tuy nhiên, thành phẩm đâu không thấy, cô bắt đầu hoảng loạn khi phát hiện chiếc cốc bốc cháy và khói bốc ra nghi ngút từ lò vi sóng.
Bất chấp sự sợ hãi và hoảng loạn, cô cố gắng tắt điện và dập lửa. Chuang nói rằng bản thân đã rất hối hận khi làm theo cách nấu ăn trên mạng và suýt cháy nhà chỉ vì một tô mì ăn liền.
|
Món mì ăn liền kem sữa trứng được hướng dẫn trên mạng. |
Bài đăng của Chuang gây xôn xao trên mạng xã hội và thu hút gần 1 triệu lượt xem chỉ sau thời gian ngắn. Một người châm biếm: "Tôi nghĩ chúng ta đã học được rất nhiều điều từ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đó".
Cuối tháng 8/2019, một bé gái 14 tuổi đã tử vong sau khi cố gắng bắt chước clip nấu ăn của "thánh nữ văn phòng" Ms Yeah (Tiểu Dã).
Những người có ảnh hưởng còn tạo ra nhiều clip "ăn thùng uống vại" theo trào lưu mukbang. Các clip này được cho khuyến khích lãng phí thực phẩm và những xu hướng ăn uống thiếu lành mạnh.
Tháng 4/2021, Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc chính thức thông qua luật chống lãng phí thực phẩm.
Điều 32 của luật này cấm các vlogger ẩm thực tạo và phát tán những video ăn uống vô độ trên không gian trực tuyến. Người vi phạm bị phạt 100.000 NDT. Điều này được cho sẽ đặt dấu chấm hết đối với trào lưu mukbang tại đất nước tỷ dân.
Luật cũng cho phép các nhà hàng thu phí thực khách để lại thức ăn thừa. Các nhà cung cấp thực phẩm xúi giục hoặc đánh lừa người tiêu dùng đặt hàng quá nhiều sẽ bị phạt 10.000 NDT. Luật quy định sẽ phạt tối đa 50.000 NDT đối với những nhà cung cấp dịch vụ ăn uống gây lãng phí thức ăn.