Tờ Los Angeles Times của Mỹ ngày 23/4 đăng tải bài viết có tiêu đề: “Không có bất kỳ ca tử vong nào do COVID-19, Việt Nam bắt đầu nới lỏng cách ly xã hội”.
|
Mọi người đến xếp hàng chờ rút gạo "bằng chân" từ ATM gạo miễn phí đều tuân thủ quy định giữ khoảng cách 2m. (Ảnh: Vũ Toàn) |
Bài viết nhận định, nổi lên là một điểm sáng hiếm hoi và bất ngờ trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã bắt đầu nới lỏng biện pháp cách ly trên toàn quốc vào ngày 23/4 sau khi thực hiện chiến dịch ngăn chặn mạnh mẽ nhằm hạn chế số ca mắc COVID-19 và không để xảy ra bất cứ ca tử vong nào.
Nới lỏng các biện pháp một cách thận trọng
Việt Nam đã thắt chặt nhập cảnh, cách ly các cộng đồng dân cư, huy động lực lượng để tìm kiếm những người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2, xử phạt các đối tượng lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Sau khi triển khai đầy đủ các “vũ khí” chống dịch, Việt Nam – quốc gia có 95 triệu dân, đã trải qua 1 tuần không ghi nhận ca mắc mới nào.
Bài viết cho rằng, Việt Nam đã huy động toàn bộ bộ máy vào cuộc và cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của người dân.
Bắt đầu từ ngày 23/4, Việt Nam cho phép người dân trên cả nước nối lại một số hoạt động tập trung quy mô nhỏ, cho phép taxi và xe buýt hoạt động trở lại, nối lại các chuyến bay nội địa thông thường lần đầu tiên trong 3 tuần qua. Tuy nhiên trong bối cảnh nhiều khu vực ở Đông Nam Á vẫn đang sống dưới lệnh phong tỏa, người dân Việt Nam được khuyến khích tiếp tục đeo khẩu trang nơi công cộng, tập trung không quá 20 người. Các trường học duy trì đóng cửa thêm một vài tuần nữa và các chuyến bay quốc tế vẫn đang bị tạm dừng.
Kể từ khi chính phủ ban hành biện pháp cách ly toàn xã hội bắt đầu từ ngày 1/4, Việt Nam chứng kiến sự gia tăng ở mức khiêm tốn các trường hợp mắc COVID-19. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ ghi nhận 268 ca mắc, điều trị khỏi 225 trường hợp và không có ca tử vong.
Hành động sớm và quyết liệt
Bài viết đánh giá, thành công của Việt Nam rất đáng ngạc nhiên bởi Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc, nằm trong số những nước đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các nguồn lực còn hạn chế, chẳng hạn như khó thực hiện việc xét nghiệm rộng rãi như ở Hàn Quốc, hay sử dụng công nghệ cao để giám sát sự lây lan của virus như Đài Loan (Trung Quốc).
Kết quả nói trên lại càng nổi bật hơn nữa khi các quốc gia Đông Nam Á khác đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh. Singapore – đất nước có nền kinh tế phát triển, từng được coi là hình mẫu trong cuộc chiến chống COVID-19, giờ đây đang phải chứng kiến số ca mắc tăng vọt, chủ yếu ở những lao động nhập cư sống trong các ký túc xá chật chật. Indonesia đang phải chứng kiến số ca tử vong cao nhất châu Á, sau Trung Quốc, do đã không lưu tâm đến cảnh báo ở giai đoạn đầu.
Huong Le Thu, chuyên gia phân tích cao cấp tại Viện Chính sách chiến lược Australia cho biết: “Thật đáng ngạc nhiên. Tôi cho rằng Việt Nam là một câu chuyện thành công. Vẫn quá sớm để loại bỏ mối nguy hiểm, nhưng các biện pháp ngăn chặn của Việt Nam đến nay đã chứng minh là khá hiệu quả”.
Các chuyên gia đều tin tưởng vào những bước đi sớm và mang tính quyết định của Việt Nam như nhanh chóng dừng hầu như tất cả hoạt động đi lại với Trung Quốc, cho học sinh nghỉ học, cách ly hàng chục nghìn người và huy động nhân lực để thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, theo dõi tiếp xúc liên lạc của bệnh nhân mắc COVID-19.
Bài viết nhận xét, mô hình của Việt Nam đã được chứng minh phát huy tác dụng trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 đang lan rộng trên toàn cầu. Cũng cần phải nhắc lại rằng, Việt Nam là quốc gia đầu tiên dập được dịch SARS cách đây gần 2 thập kỷ.
Ông Lê Hồng Hiệp, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS-Yusof Ishak cho biết: “Việt Nam có thể làm được điều đó, một phần là nhờ có kinh nghiệm trong việc đối phó với những tình huống như vậy”.
Vào tháng 2/2020, khi một nhóm lao động Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi trở về từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc – nơi khởi phát dịch bệnh, chính quyền địa phương đã cách ly toàn bộ cộng đồng dân cư khoảng 10.000 người trong 3 tuần.
Trong những tuần gần đây, khi số ca bệnh “ngoại nhập” gia tăng trên khắp châu Á, Việt Nam đã đưa hàng chục nghìn khách du lịch mới đến cách ly tại các khu cách ly tập trung. Các biện pháp quyết liệt đã giúp tránh được áp lực đối với các bệnh viện của Việt Nam và cho phép những người thuộc diện theo dõi có tiếp xúc với bệnh nhân tập trung trong một số cụm tương đối nhỏ.
Người dân tin tưởng vào cách ứng phó của chính phủ
Tuy nhiên ông Todd Pollack, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Harvard, đồng thời là Giám đốc Quốc gia của Tổ chức hợp tác phát triển y tế (HAIVN) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn cần phải quan tâm đến những trường hợp không triệu chứng: “Những gì chúng ta biết hiện nay là virus lây lan cả trước khi người bệnh phát triển triệu chứng vì thế nếu bạn chỉ theo dõi những người đã có triệu chứng thì đã quá muộn”.
Các quan chức Mỹ đã rất bất ngờ vì tỉ lệ lây nhiễm thấp ở Việt Nam. Tuy vậy, Giám đốc CDC Mỹ tại khu vực Đông Nam Á phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến hồi tuần trước khẳng định “không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy những con số đó là sai”.
Việt Nam đã không phát hiện thêm trường hợp lây nhiễm nào sau khi tiến hành xét nghiệm hơn 1.000 tiểu thương tại các khu chợ ở Hà Nội và hơn 19.000 khách du lịch tại các sân bay, ga tàu ở TP.HCM, điều này củng cố niềm tin rằng dịch bệnh đã được ngăn chặn.
Thành công nói trên cho phép Việt Nam chung tay hỗ trợ các quốc gia khác, trong đó có việc tặng hàng trăm nghìn khẩu trang cho các nước châu Âu và các nước láng giềng ở khu vực Động Nam Á. Hồi đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự cảm ơn “bạn bè của chúng tôi tại Việt Nam” trong một bài viết đăng trên Twitter, sau khi Mỹ tiếp nhận 450.000 bộ quần áo bảo hộ được sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam, do công ty DuPont và FedEx của Mỹ đồng sở hữu và vận hành.
Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến tại 12 quốc gia do Ipsos Business Consulting tiến hành cho thấy “người dân Việt Nam nhìn chung có đánh giá tích cực với các biện pháp chống COVID-19 của chính phủ”, theo Straitstimes. Trước đó, trong cuộc khảo sát từ ngày 12 đến 14/ 3, hơn 80% số người Việt Nam được hỏi dự đoán rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường vào tháng 6/2020, điều này khiến họ lạc quan hơn so với những người được hỏi ở các nước khác như Mỹ, Italy, Pháp, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ./.