1. Đại dịch COVID-19 tạo ra cuộc khủng hoảng toàn diện chưa từng có
Từ trường hợp bệnh nhân đầu tiên nhiễm COVID-19 ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 17/11/2019, dịch đã lan rộng ra 5 châu lục, đến gần tháng 12/2020 khiến hơn 75 triệu ca nhiễm bệnh, hơn 1.680.000 ca tử vong và con số này chưa dừng lại. Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga là các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, đại dịch COVID-19 làm GDP toàn cầu giảm 3-6% và gây thiệt hại ít nhất 5.000 tỷ USD. Dịch bệnh COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện, tạo ra những thay đổi sâu sắc trong đời sống của người dân, kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể thao, giao thông đi lại của các quốc gia và các mối quan hệ quốc tế…
|
Một nhân viên y tế xịt thuốc khử trùng tại một khu chợ tại Jammu, Ấn Độ. (Ảnh: EPA) |
Hàng loạt các sự kiện quốc tế lớn như các hội nghị cấp cao G20, Đại hội Đồng LHQ, cấp cao ASEAN đều diễn ra theo hình thức trực tuyến, nhiều sự kiện thể thao quốc tế, trong đó có Thế vận hội Olympic 2020 bị hoãn. Tuy nhiên, việc các nước gấp rút nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 và đưa vào sử dụng mang đến hy vọng có thể ngăn chặn, kiểm soát đại dịch vào cuối năm 2021.
2. Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 chứng kiến cuộc đua kịch tính
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 trong bối cảnh nước Mỹ chịu thiệt hại nặng nề nhất về kinh tế và nhân mạng do COVID-19, xã hội Mỹ có sự phân hóa sâu sắc. Những khác biệt mang tính đối lập trong chính sách đối nội và đối ngoại giữa hai ứng viên Donald Trump (đảng Cộng hòa) và Joe Biden (đảng Dân chủ) sẽ không chỉ tác động đến nước Mỹ mà còn có ảnh hưởng to lớn đến thế giới.
Đây là cuộc bầu cử chứng kiến lượng cử tri phổ thông đi bầu lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ với số phiếu dành cho người chiến thắng và cả người thua cuộc đều cao chưa từng có. Cuộc bầu cử này thể hiện sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội và chính giới Mỹ. Ngay cả khi ứng viên Joe Biden chính thức giành chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri thì Donald Trump vẫn không thừa nhận thất bại và liên tục đưa ra cáo buộc có gian lận trong bầu cử. Hàn gắn nước Mỹ và khôi phục các quan hệ đồng minh bị rạn nứt cũng như xử lý đại dịch COVID-19… là thách thức lớn của chính quyền Joe Biden.
3. Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng
Căng thẳng Mỹ-Trung từ thương mại đã chuyển thành mâu thuẫn toàn diện, trực diện và gay gắt hơn. Từ tranh cãi về nguồn gốc và cách thức xử lý đại dịch COVID-19, căng thẳng Mỹ-Trung leo thang trong lĩnh vực công nghệ, ngoại giao khi hai bên ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán của nhau với cáo buộc liên quan tới hoạt động gián điệp kinh tế và công nghệ. Chính phủ Mỹ đã cấm tải ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ, áp đặt trừng phạt và lệnh cấm với nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc…
Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc không chỉ diễn ra trên lĩnh vực kinh tế mà còn lan rộng sang tất cả các lĩnh vực từ quân sự đến chính trị, an ninh, ngoại giao và ý thức hệ. Cuộc cạnh tranh toàn diện này đang tác động lớn đến thế giới và dự báo là còn kéo dài.
|
Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng. |
4. Ký kết hiệp định RCEP
Lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực là một thời khắc lịch sử, đánh dấu việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm của mình đã cùng các nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho các nước tham gia.
Ký kết được RCEP khẳng định dấu ấn tích cực mà Việt Nam đã đạt được với vai trò Chủ tịch ASEAN. 15 nước thành viên tham gia hiệp định chiếm gần tới 30% của dân số thế giới (2,2 tỉ người) và 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu (26,2 nghìn tỉ USD) biến RCEP trở thành một khối thương mại lớn nhất thế giới. Việc thực thi hiệp định sẽ xóa bỏ 90% thuế quan nhập khẩu giữa các nước thành viên ký kết trong 20 năm tiếp theo, và thành lập được một quy tắc chung cho thương mại điện tử, trao đổi hàng hóa, và sở hữu trí tuệ.
5. Xung đột ở Nagorno-Karabakh
|
Một người lính Armenia khai hỏa một khẩu pháo trong cuộc giao tranh với các lực lượng của Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh ngày 29/9/2020. (Ảnh: Reuters) |
Đây được coi là cuộc chiến tồi tệ nhất giữa Azerbaijan và Armenia, kể từ năm 1994. Sau 6 tuần (27/9 - 10/11/2020) chiến sự đẫm máu làm hơn 5.000 người chết ở cả hai phía. Với sự trung gian của Nga, hai phía Armenia và Azerbaijan đã ký kết một thỏa thuận ngừng bắn rạng sáng 10/11/2020. Tuy đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, song mâu thuẫn giữa Azerbaijan và Armenia, mâu thuẫn sắc tộc ở Nagorno-Karabakh vẫn tồn tại và rất khó hóa giải, luôn có nguy cơ bùng phát.
6. Xung đột biên giới Trung-Ấn
Căng thẳng Ấn Độ-Trung Quốc đã trở thành xung đột trực diện tại khu vực biên giới, với cuộc đụng độ đẫm máu nhất trong lịch sử hơn 50 năm qua tại thung lũng Galwan hồi tháng 6. Sự kiện này đã trở thành vết cắt khoét sâu thêm rạn nứt và mâu thuẫn giữa hai nước. Mặc dù ngày 11/11/2020, Ấn Độ và Trung Quốc nhất trí sẽ tiến tới một thỏa thuận rút quân khỏi các "điểm xung đột”, nhằm xoa dịu căng thẳng và đối đầu quân sự kéo dài suốt 7 tháng qua, song cuộc đối đầu lần này có nhiều khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Trung-Ấn trong dài hạn trên nhiều phương diện.
7. Israel và một số nước Trung Đông ký thỏa thuận hòa bình lịch sử
|
Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif Al Zayani, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Abdullah bin Zayed tham gia lễ ký kết Thỏa thuận hòa bình Abraham ngày 15/9/2020. (Ảnh: Reuters) |
Năm 2020 chứng kiến những bước tiến lịch sử tại Trung Đông khi Israel và một số quốc gia khu vực như UAE, Bahrain ký thỏa thuận hòa bình lịch sử sau nhiều năm đối đầu. Các thỏa thuận này đánh dấu nỗ lực trung gian hòa giải của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh các mâu thuẫn địa chính trị và tôn giáo tồn tại dai dẳng trong khu vực, các thỏa thuận chưa đủ sức nặng để hóa giải các bất đồng kéo dài hàng thập kỷ tại khu vực Trung Đông.
8. Những vụ ám sát làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Iran
|
Người dân Iran tham dự đám tang của Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds và chủ huy lực lượng dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis sau khi 2 nhân vật này bị giết hại trong một vụ không kích ở sân bay Baghdad, Tehran ngày 6/1/2020. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 3/1, Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds, thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiệt mạng sau một cuộc oanh kích của Mỹ nhằm đáp trả vụ tấn công vào đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bagdad, Iraq. Cái chết của Tướng Qassem Soleimani và căng thẳng Mỹ-Iran trong thời gian dài đã đẩy quan hệ Mỹ-Iran đứng trước “lằn ranh đỏ” xung đột trong suốt cả năm 2020.
Việc ngày 17/11, Iran chính thức thừa nhận rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (còn có tên gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) là một động thái trả đũa Mỹ và phương Tây. Bên cạnh đó, vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh hôm 27/11 có nguy cơ khơi mào làn sóng bạo lực mới giữa Iran, Israel và Mỹ.
9. Anh chính thức rút khỏi EU vào ngày 31/1/2020
Sau 47 năm là thành viên Liên minh Châu Âu (EU), Anh đã chính thức rút khỏi khối vào ngày 31/1/2020. Tuy nhiên, suốt 1 năm qua, các cuộc đàm phán định hình lại quan hệ Anh với EU tiếp tục vấp phải những trở ngại, kéo dài dai dẳng. Việc không đạt được thỏa thuận trước "thời hạn chót" 31/12/2020 dự kiến sẽ gây gián đoạn và tổn thất kinh tế cho cả hai bên, mà Anh được dự báo sẽ chịu tổn thất rất lớn, đồng thời cuộc “chia tay” này chắc chắn sẽ làm đảo lộn những mối quan hệ vốn đã ổn định của Anh và các nước ở mọi lĩnh vực như xã hội, kinh tế, an ninh trong suốt gần nửa thế kỷ qua.
10. Vụ nổ hóa chất ở Beirut
|
Vụ nổ hóa chất ở Beirut khiến hơn 200 người thiệt mạng |
Ngày 4/8, hơn 2.700 tấn "bom phân bón" nằm im tại cảng Beirut (Lebanon) trong 6 năm đã phát nổ, gây ra một cơn địa chấn mạnh 3,3 độ Richter. Hơn 200 người thiệt mạng và hơn 7.000 người bị thương sau thảm họa này, một phần cảng Beirut cũng bị thổi bay, gây thiệt hại tới 10 - 15 tỷ USD. Đây được coi là một trong những vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất trong lịch sử, mà nguyên nhân được cho là do "thiếu hành động và sơ suất trong công tác lưu trữ vật liệu nổ". Chính phủ Lebanon đã buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài hai tuần nhằm ứng phó với thảm họa. Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp Lebanon phản đối sự thiếu trách nhiệm của chính phủ. Sức ép chính trị từ vụ nổ cũng đã buộc nội các Lebanon và Thủ tướng Hassan Diab phải từ chức.