Tờ Sing Tao của Hong Kong vừa đăng bài viết nhấn mạnh, hiện chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đang xem Seoul là đồng minh còn Tokyo là "kẻ thù không đội trời chung". Do đó, Bắc Kinh có ý ưu tiên tạo liên minh an ninh lâu dài với Seoul (cũng như những chính phủ khác được họ xem là đồng minh) để chống lại những kẻ thù của họ (đặc biệt là Nhật Bản).
Sing Tao nhận định, thông điệp chúc mừng sinh nhật của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang muốn bắt tay với Seoul để chống lại Nhật Bản.
|
Chủ tịch Tập Cận Bình đang muốn liên minh với chính quyền Tổng thống
Park Geun-hye để chống lại Nhật Bản.
|
Theo báo này, với chiến lược ngoại giao phân biệt rõ ai là bạn, ai là kẻ thù như hiện nay, chính quyền Tập Cận Bình rõ ràng đang “bỏ rơi” học thuyết có từ thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trong những năm 1980 nhấn mạnh, Bắc Kinh chỉ nên tập trung phát triển kinh tế, thêm bạn bớt thù và không nên để bị lôi kéo vào các phe phái trong những vấn đề chính trị quốc tế.
Thực tế, trong suốt 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã nỗ lực thực hiện học thuyết trung lập của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, nỗ lực tránh gây thù chuốc oán, để vươn lên thành cường quốc kinh tế theo một trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu. Song theo tờ Sing Tao, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã bắt đầu thực hiện chính sách đối ngoại mới “phân biệt rõ ràng ai là bạn, ai là kẻ thù”.
Ngoài mối quan hệ bạn – thù với Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc cũng hợp tác với Nga để đối phó với các ảnh hưởng quân sự cũng như chính trị của Mỹ theo sau chiến lược “xoay trục về châu Á” - khu vực được Washington xem là giữ vai trò quan trọng sống còn đối với tương lai nước Mỹ.
Cũng theo báo Hong Kong, Chủ tịch Tập Cận Bình hiện “coi trọng việc vun vén quan hệ không chỉ với các cường quốc lớn mà còn với các nước láng giềng trong khu vực”.
Cụ thể, theo báo này, chiến lược đối ngoại mới của Trung Quốc sẽ tập trung vào 3 khu vực: một là “Con đường tơ lụa mới” bao gồm các quốc gia Trung Á, hai là con đường tơ lụa trên biển" ở Đông Nam Á và cuối cùng là tạo ra “hành lang kinh tế” kết nối Myanmar, Bangladesh và Ấn Độ với Trung Quốc.