Các hình ảnh có độ phân giải cao chụp hôm 17/4/2015 cho thấy, trong vòng 10 tuần, Bắc Kinh đã xây dựng một hòn đảo nhân tạo trên bãi đá Subi (thuộc Quần đảo Trường Sa).
|
Ảnh vệ tinh chụp ngày 6/2 và 17/4 cho thấy tiến độ bồi đắp đất mà Trung Quốc tiền hàn trái phép ở bãi đá Subi. |
Kích thước và hình dáng của công trình đang được xây dựng này khá phù hợp với một đường băng dài 3.300 mét. Nó cũng giống với một bãi đáp đang được Trung Quốc dựng lên trái phép ở bãi đá Chữ Thập thuộc Trường Sa.
Vào ngày 6/2, các chuyên gia nhận thấy chỉ hai khu vực có diện tích nhỏ trên bãi đá Subi đang tiến hành hoạt động nạo vét và bồi đắp. Tuy nhiên, cho tới ngày 17/4, diện tích đắp đất ở đây tăng lên tới 2,27 km vuông, tương đương với hòn đảo nhân tạo trên bãi Chữ Thập.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, đường băng 3.300 mét ở bãi đá Subi có thể hỗ trợ cho tất cả các loại máy bay chiến đấu và hỗ trợ của Hải quân và Không quân Trung Quốc.
Sự khác biệt đáng kể trong hoạt động bồi đắp đất của Trung Quốc ở bãi đá Chữ Thập và đá Subi chính là một cảng cỡ lớn cùng một đường băng/đường lăn đang xây dựng trên bãi Chữ Thập.
|
Ảnh vệ tinh chụp ngày 14/2 và 17/4 ở bãi Vành Khăn thuộc Quần đảo Trường Sa ở Việt Nam. |
Không có một cơ sở dùng cho hải quân nào xuất hiện trong các bức hình về bãi đá Subi. Tuy nhiên, con kênh ở rìa phía nam bãi đá Subi cũng đang được mở rộng và sắp hoàn thành.
Cho tới ngày 13/4/2015, bãi đá Vành Khăn, khu vực cũng đang có hoạt động cải tạo đất nhanh chóng, đã được lắp đầy bằng cát và san hô ở một khu vực có diện tích xấp xỉ 2,42 km vuông. Trước đó chỉ một vài tháng, nơi này hoàn toàn ngập nước.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, ít nhất 23 máy hút bùn hiện diện ở bãi Vành Khăn. Chưa kể, một số lượng tàu xây dựng tương tự có mặt ở một con vũng được hình thành bởi một rạn san hô gần đó.
Cũng trong bức ảnh vệ tinh chụp ngày hôm đó, 28 xe tải trộn bê tông cùng hàng chục xe tải lớn nhỏ và máy xúc đang hoạt động tích cực ở bãi đá này.