Giới truyền thông Indonesia cho rằng để làm được điều này, Việt Nam thực sự đã có bí quyết mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Quyết sách chính xác, nhanh chóng và kịp thời
Truyền thông Indonesia dẫn lời ông Ibnu Hadi - Đại sứ Indonesia tại Việt Nam cho rằng, bí quyết thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát, ngăn chặn dịch COVID-19 giúp tăng trưởng kinh tế chính là việc Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các quyết sách chính xác, nhanh chóng và kịp thời. Các quyết sách này đã được tất cả các tầng lớp trong xã hội Việt Nam ủng hộ và thực hiện rất nghiêm túc.
Truyền thông Indonesia cho rằng, đại dịch COVID-19 đã thực sự “tấn công” tất cả các nền kinh tế trên thế giới và nền kinh tế của Việt Nam cũng không thoát khỏi vòng xoáy này. Tuy nhiên, trong lúc các nền kinh tế đang bị “tổn thương” nghiêm trọng, thậm chí nhiều quốc gia chính thức bước vào giai đoạn suy thoái, nền kinh tế Việt Nam lại chứng tỏ khả năng phi thường khi có mức tăng trưởng tích cực.
|
Tất cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân có tính kỷ luật cao, chấp hành tốt mọi quy định tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19. |
Theo Đại sứ Ibnu Hadi, quý I-2020, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 3,82%. Trong khi đó, trong quý II-2020 là giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất tại Việt Nam, nhưng kinh tế nước này vẫn tăng trưởng ở mức dương, cụ thể là 0,36%. Vị Đại sứ này cho biết Việt Nam điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 xuống còn từ 2-2,5% do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được.
Cũng theo Đại sứ Ibnu Hadi, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngành xuất khẩu. Nhưng nhờ có sự đánh giá và dự báo chính xác tình hình nên Chính phủ Việt Nam đã sớm đưa ra những quyết sách đúng đắn để giảm thiểu các tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra và giúp cho nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng tích cực, ấn tượng. Việt Nam đã sớm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hoạt động trong điều kiên tốt nhất, thoải mái nhất, phát huy tối đa thế mạnh của từng doanh nghiệp trong giai đoạn bệnh dịch.
Các mặt hàng thế mạnh như hàng may mặc, giầy dép và thiết bị y tế được Việt Nam tập trung thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, sức mạnh tổng thể đã được huy động, nền kinh tế của Việt Nam đã rất kiên cường, phát triển tích cực trươc sự ngưỡng mộ không chỉ của các quốc gia trong khu vực mà của tất cả các quốc gia khác trên thế giới.
|
Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia ngày 28-9 cho biết Việt Nam không có thêm ca mắc Covid-19 mới; như vậy đã 26 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. |
Tất cả hệ thống chính trị đã vào cuộc
Tại đợt bùng phát lần thứ hai của dịch COVID-19, Việt Nam cũng đã thực hiện rất tốt và kiểm soát bệnh dịch một cách nhanh chóng, có hiệu quả khi phong tỏa khu vực lây nhiễm bệnh dịch cục bộ thay vì phong tỏa trên diện rộng như đã thực hiện tại đợt bùng phát dịch lần thứ nhất. Chính điều này đã giúp cho nền kinh tế của Việt Nam vẫn vận hành bình thường và không bị thiệt hại.
Trích lời Đại sứ Ibnu Hadi, truyền thông Indonesia cho rằng để làm tốt và có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, tất cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã vào cuộc, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương phối hợp thực hiện đồng bộ và nhịp nhàng. Bên cạnh đó, người dân có tính kỷ luật cao, chấp hành tốt mọi quy định của Chính phủ. Tất cả những yếu tố trên đã tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp cho Việt Nam thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19. Theo Đại sứ Ibnu Hadi, những bí quyết của Việt Nam cũng cần được nhanh chóng phổ biến rộng rãi để các quốc gia khác áp dụng với mục đích chung ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Lý giải về thành công của Việt Nam, Hãng tin ABC (Australia) cho biết ngay từ đầu của đại dịch, Việt Nam đã vào cuộc nhanh chóng và quyết liệt để chống lại đại dịch. Tháng 6-2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá ngay từ giai đoạn đầu, Việt Nam đã thông tin rất minh bạch về dịch bệnh. Giáo sư Guy Thwaites - Giám đốc Cơ sở nghiên cứu lâm sàng trường Đại học Oxford, có trụ sở tại TP.HCM cho biết: “Cách ứng phó của Việt Nam với dịch COVID-19 không phải là cách ứng phó công nghệ cao, mà là cách ứng phó rất nhanh và được tổ chức rất tốt”.
Trong đợt dịch thứ hai này, theo Giáo sư Guy Thwaites, Việt Nam đã thực hiện tất cả những biện pháp đơn giản đã làm lần trước nhưng với quy mô lớn hơn và rất nhanh chóng. Điểm khác biệt là trong lần này, là việc lấy mẫu được tiến hành theo nhóm 5 hoặc 6 người để được xét nghiệm cùng một lúc. Nếu có kết quả dương tính, tất cả các mẫu sẽ được xét nghiệm riêng. Tất cả các thành viên trong mỗi gia đình tham gia một mẫu xét nghiệm.
Các cộng đồng hoặc các khu vực có các ca nhiễm được phát hiện sẽ được ưu tiên xét nghiệm trước. Theo Giáo sư Guy Thwaites, bằng cách đó, họ có thể xét nghiệm tương đương với khoảng 100.000 người thông qua khoảng 20.000 xét nghiệm. Điều này cho phép tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc.
* Hãng tin ABC (Australia) nhận định, thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra cho Việt Nam không nghiêm trọng như các nước láng giềng trong khu vực.
* Công ty Tư vấn quốc tế PricewaterhouseCoopers cho biết, Việt Nam vẫn được dự đoán là một trong số ít quốc gia sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2020, trong khi phần còn lại của thế giới đang rơi vào suy thoái.
* Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm nay, trở thành một trong những nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất không bị tăng trưởng âm.