Nhật siết chặt luật giữ bí mật quốc gia tranh cãi

Google News

(Kiến Thức) - Quan chức có thể bị phạt tối đa 10 năm tù nếu rò rỉ tin mật cho báo chí theo dự luật giữ bí mật quốc gia Hạ viện Nhật vừa thông qua bất chấp nhiều tranh cãi.

Các tranh cãi bao gồm quan ngại dự luật sẽ vi phạm quyền tự do báo chí và quyền được biết của công chúng. Liên minh cầm quyền thúc đẩy dự luật này nhằm mục đích mở rộng định nghĩa về bí mật quốc gia và gia tăng hình phạt cho bất cứ ai bị cáo buộc là người rò rỉ thông tin.
Động thái này sẽ ngăn chặn báo chí và các cơ quan truyền thông tiếp cận thông tin trên 4 lĩnh vực nhạy cảm bao gồm: quốc phòng, ngoại giao, chống khủng bố và chống gián điệp.
Theo dự luật, thông tin sẽ được chia thành 23 loại. Các quan chức hàng đầu của tất cả các phòng ban sẽ có quyền tuyên bố một vấn đề nào đó là "bí mật". Khi đó, các “bí mật” có thể được giữ kín tới 60 năm.
Các nhà báo và những cá nhân khác cũng có thể bị tuyên phạt 5 năm tù giam nếu bị phát hiện sử dụng “các biện pháp không phù hợp để thu thập thông tin.
Dự luật bí mật quốc gia cũng có thể tác động sang cả các ngành công nghiệp hạt nhân. Những vấn đề của ngành này đặc biệt nhạy cảm trong thời điểm xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima tháng 3/2011 .
"Thông tin về các lỗ hổng của các nhà máy điện hạt nhân cùng với các kế hoạch bảo vệ chúng có thể được xếp vào loại bí mật đặc biệt. Như vậy bất cứ ai có thẩm quyền biết các bí mật trên rò rỉ thông tin ra ngoài để cảnh báo về sự nguy hiểm của các nhà máy hạt nhân sẽ bị trừng phạt", Luật sư Yutaka Saito cho biết.
Dự luật được thông qua tại Hạ viện và đã được gửi tới Thượng viện. Theo các nhà phân tích, Liên minh cầm quyền chiếm đa số ghế tại Thượng viện nên dự luật này dễ dàng thông qua tại đây bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của công chúng.
 Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thúc đẩy thông qua dự luật bí mật quốc gia tại Hạ viện.
Theo một cuộc khảo sát do hãng tin Kyodo tiến hành, 63% số người được hỏi quan ngại dự luật sẽ vi phạm quyền tự do báo chí và quyền được biết của công dân. Theo đó, hàng nghìn người đã tổ chức biểu tình tại một công viên ở Tokyo để phản đối.
“Rõ ràng, (dự luật) sẽ có tác động mạnh mẽ đối với việc tiếp cận và thu thập một loạt các thông tin. Dự luật rõ ràng nhắm vào báo chí và các phương tiện truyền thông phơi bày một loạt các vấn đề nhạy cảm có thể dẫn tới việc chính phủ bị chỉ trích”, Giáo sư luật ĐH Meiji Lawrence Repeta chia sẻ.
Trong khi đó, ông Atsushi Oshima, một quan chức của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập, phản đối dự luật cáo buộc: “đây là một thất bại của ngành lập pháp”.
Còn Kyouji Yanagisawa, một cựu quan chức quốc phòng trong nội các Nhật giai đoạn 2004-2009 bày tỏ: “Mối bận tâm lớn nhất của của tôi là người dân sẽ ngày càng khó lòng biết và được chia sẻ về quá trình đưa ra quyết định của chính phủ. Dự luật có nghĩa là chúng tôi sẽ không có khả năng kiểm tra khi nào chính phủ sai lầm và sai ở đâu cũng như kiến nghị để giúp chính phủ đưa ra những quyết sách khôn ngoan”.
Bạch Dương (theo RT)

Bình luận(0)