Nga trình kết quả thực nghiệm toàn diện quanh thảm kịch MH17

Google News

Công ty Almaz- Antey tổ chức cuộc họp báo quốc tế công bố kết quả cuộc thực nghiệm toàn diện xung quanh thảm kịch MH17.

10h sáng 13/10 (tính theo giờ Nga) tại Moscow, Công ty sản xuất tên lửa Nga Almaz- Antey đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế công bố kết quả cuộc thực nghiệm toàn diện xung quanh thảm kịch MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airline rơi xuống miền Đông Ukraine ngày 17/7/2014.
Cuộc họp báo có sự tham dự của 250 hãng thông tấn đến từ nhiều quốc gia.
Nga trinh ket qua thuc nghiem toan dien quanh tham kich MH17
 Rất đông phóng viên quốc tế tham dự họp báo.
MH 17 cất cánh từ sân bay Schipol, Amsterdam, Hà Lan lúc 10h31 GMT và dự kiến hạ cánh tại Kuala Lumpur, Malaysia vào 22h10 cùng ngày. Lúc 14h15 GMT khi phi cơ đang ở độ cao 10km trên không phận miền Đông Ukraine thì mất liên lạc với kiểm soát không lưu. Chiếc Boing 777 sau đó đã rơi xuống khu vực gần làng Grabove, vùng Donetsk, cách không xa biên giới Nga, toàn bộ 298 người trên khoang, trong đó có 283 hành khách (80 trẻ em) đều thiệt mạng.
Đây là lần thứ 2, Công ty Sản xuất tên lửa của Nga Almaz- Antey tổ chức họp báo, công bố nguyên nhân thảm hoạ MH17. Cuộc họp lần đầu tiên diễn ra vào ngày 2/6/2015. Sau đó, toàn bộ thông tin đã được chuyển cho Ủy ban điều tra quốc tế.
Trong sáng 13/10, Tập đoàn sản xuất tên lửa Almaz Antey đã công bố kết quả thực nghiệm việc dùng tên lửa “Buk” bắn vào một chiếc máy bay Boeing đã thanh lý tương tự như máy bay của hãng hàng không Malaysia trong chuyến bay mang số hiệu MH17. Cuộc thực nghiệm đã được tiến hành tại bãi thử nghiệm của tập đoàn “Almaz-Antey” trong khuôn khổ hoạt động nghiên cứu nguyên nhân dẫn tới thảm họa MH17.
Nga trinh ket qua thuc nghiem toan dien quanh tham kich MH17-Hinh-2
 Các mô hình đồ họa tái hiện vụ tai nạn MH17.
Cụ thể, trong cuộc thực nghiệm nói trên, các chuyên gia của tập đoàn đã tìm cách tái lập những điều kiện va chạm giữa tên lửa của tổ hợp “Buk” với máy bay. Giai đoạn hai của cuộc thực nghiệm hoàn thành ngày 7/10 vừa qua.
Theo ông Yan Novikov- Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Almaz-Antey: Việc phân tích sơ bộ những kết quả thực nghiệm đã khẳng định giả thuyết của tập đoàn về những điều kiện tên lửa va chạm với máy bay mà tập đoàn đã công bố trước đây.
Tại cuộc họp báo. Almaz- Antey giới thiệu những hình ảnh cùng các đoạn clip mô tả lại bài kiểm tra đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 7 năm 2015. Một thân máy bay được trang bị vỏ sắt và các bộ phận phát hiện đầu đạn đặc biệt, các bảng kim loại được lắp ráp mô phỏng hình dạng của động cơ trái. Một tên lửa được khai hỏa từ góc độ mô phỏng góc bắn như từ vùng Zaroshchenskoe. Kết quả giám định các mảnh vỡ được số hóa vào một mô hình máy bay Boeing-777 dựng bởi máy tính. Dữ liệu từ thảm họa MH17 cũng được tích hợp vào trong mô hình này.
Kết quả đã xác nhận báo cáo của Almaz-Altay Thử nghiệm tổng thể này hướng tới kiểm tra tình huống được trình bày trong báo cáo sơ bộ của Ủy ban điều tra quốc tế, đã kết luận rằng tên lửa được phóng từ vùng Snezhnoye.
Một chiếc máy bay Il-86 đã qua sử dụng, tương đồng với Boeing-777 về các yếu tố khí động học, kỹ thuật, vật lý và các đặc tính khác, được sử dụng cho bài kiểm tra này. Một siêu máy tính có khả năng xử lý hơn 14 triệu tình huống về vị trí động và tĩnh của tên lửa và máy bay. Một tên lửa 9M38M1 với đầu đạn 9N314M được bắn vào máy bay. Thử nghiệm này đã bác bỏ diễn giải sơ bộ của Ủy ban điều tra quốc tế, rằng việc phóng tên lửa đã được thực hiện từ vùng Snezhnoye.
Nga trinh ket qua thuc nghiem toan dien quanh tham kich MH17-Hinh-3
 Đại diện Tập đoàn Almaz Antey công bố kết quả thực nghiệm.
Bản chất của hư hại trên thân máy bay ở góc tên lửa kích nổ trong quá trình thử nghiệm có sự khác biệt với hư hại tìm thấy trên thân của chiếc Boeing thật. Các mảnh đạn chủ yếu làm hư hại phần thân trái của chiếc Boeing MH17, chủ yếu là khoang lái, cánh trái, động cơ trái, và bên trái của phần đuôi.
Trong bài thử nghiệm xác minh kết luận của Ủy ban điều tra quốc tế, động cơ trái của chiếc Il-86 vẫn còn nguyên vẹn. Phần có sức công phá lớn nhất của đầu đạn, được gọi là “lưỡi dao cạo”, bay xuyên qua khoang máy bay, có nghĩa là cả bên phải của thân máy bay cũng không thể còn nguyên vẹn.
Ông Mikhail Malyshevsky, Cố vấn Tổng giám đốc Tập đoàn Almaz- Antey, người trình bày kết quả thực nghiệm cho biết, có thể kết luận rằng tên lửa bắn vào máy bay Boeing MH17 không khai hỏa từ vùng Snezhnoye. Điều này bác bỏ hoàn toàn tình huống đưa ra bởi Ủy ban điều tra quốc tế.
Theo báo cáo sơ bộ của Ủy ban điều tra quốc tế, chiếc MH17 đã bị bắn hạ bởi một đầu đạn 9M38M1 với các mảnh đạn “I-beam”. Trong thử nghiệm của mình, Almaz-Antey đã bắn một quả tên lửa 9M38M1 được trang bị I-beam, theo như Ủy ban điều tra quốc tế đã khẳng định. Một đặc tính của tên lửa 9M38M1 khi kích nổ là việc hình thành hai hướng công phá của các mảnh đạn. Hướng đầu tiên bao gồm các mảnh nhẹ hơn, hướng thứ hai bao gồm các mảnh “I-beam” nặng hơn, tạo ra động năng tối đa.
Kết quả của sự công phá của các mảnh đạn I-beam là hư hại trên thân máy bay sẽ có hình dạng như một cánh bướm. Thông tin đưa ra trong họp báo nhấn mạnh, các phiên bản cũ của tên lửa 9M38 không có các mảnh đạn I-beam; phần hư hại sẽ có hình dạng tứ giác. Trong thời kỳ Xô viết, Ukraine đã được cung cấp các tên lửa 9M38 cũ này. Không có con số chính xác cho thấy quân đội Ukraine ngày nay đang lưu giữ bao nhiêu quả tên lửa loại này. Hiện tại, Nga không còn sử dụng loại tên lửa 9M38 này nữa. Chúng không còn được trang bị cho các lực lượng vũ trang Nga kể từ năm 1986, và những đơn vị cuối cùng đã không còn trong biên chế quân đội từ năm 2011.
Trong quá trình thử nghiệm, sau khi tên lửa kích nổ, phần hư hại có hình dạng cánh bướm gây ra bởi mảnh đạn I-beam đã xuất hiện trên thân máy bay. Tuy nhiên, thực tế, không có một lỗ thủng hình cánh bướm nào trên thân của chiếc Boeing MH17 xấu số, phần hư hại có hình tứ giác, như bị gây ra bởi các thế hệ tên lửa 9M38 cũ. Do đó, thử nghiệm tổng thể này không chỉ bác bỏ giả thuyết của các chuyên gia Hà Lan thuộc Ủy ban điều tra rằng tên lửa được khai hỏa từ vùng Snezhnoye, mà còn giả định rằng tên lửa này thuộc dòng 9M38M1.
Nga trinh ket qua thuc nghiem toan dien quanh tham kich MH17-Hinh-4
 Mảnh vỡ trong quá trình thực nghiệm.
Ông Yan Novikov thông tin thêm, Almaz-Antey tiến hành thử nghiệm tổng thể này trong quỹ thời gian hết sức eo hẹp và có nhiều vấn đề cần giải quyết, từ việc tìm kiếm một chiếc máy bay đã qua sử dụng cho tới các vấn đề hậu cần khác, như lựa chọn địa điểm tiến hành. Nếu tính đến các yếu tố khách quan, cũng như các hạn chế về hậu cần và thời gian, thì không thể mua được một chiếc Boeing-777. Mặc dù vậy, thân máy bay Il-86 về tổng thể thiết kế, về các đặc điểm khí động học, kỹ thuật, vật lý và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới độ tin cậy của thử nghiệm, đều tương đồng với Boeing-777.
Với các điều kiện này, và các tham vấn với chuyên gia, lãnh đạo công ty đã quyết định mua một chiếc Il-86 đã qua sử dụng để dùng cho thử nghiệm này. Đầu đạn 9N314M trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên và 9M38M1 trong giai đoạn thử nghiệm tổng thể thứ hai được chuyển giao cho Tập đoàn từ kho của Bộ Quốc phòng Nga. Các chuyên gia của Almaz-Antey đã chuẩn bị các quả tên lửa cho việc thử nghiệm sao cho các đặc tính của chúng hoàn toàn tương thích với hành trình bay 40 giây.
Các chuyên gia của công ty, trong đó có Nhà máy Sản xuất Khoa học Dolgoprudny, cũng như Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ khí Liên bang V. V. Bakhirev, Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương trực thuộc Không quân Liên bang Nga, đã tham gia các thử nghiệm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo, phía công ty nói ngay sau khi thảm họa này xảy ra, công ty đã phải chịu sự trừng phạt về kinh tế từ phương Tây, chính vì thế các nghiên cứu, điều tra, thực nghiệm kể trên sẽ giúp ích cho Tập đoàn thêm chứng cứ trong đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Hơn thế nữa đây là Tập đoàn sản xuất tên lửa Buk, và các chuyên gia này hiểu hơn ai hết mọi tính năng, kỹ thuật của loại tên lửa được cho là đã bắn MH17.
Theo ANTĐ

Bình luận(0)