Về việc Nga-Mỹ điện đàm cấp bộ trưởng quốc phòng, Lầu Năm Góc thông báo: "Hai bên nhất trí về cơ cấu đối thoại tiếp theo nhằm chấm dứt xung đột ở Syria và về chiến dịch chống ISIL (nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo IS)”.
|
Hội đàm quốc phòng Nga-Mỹ diễn ra giữa lúc Washington đang chật vật đối phó với sự hiện diện quân sự gia tăng của Nga ở Syria. |
Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố "quá trình đối thoại cho thấy lập trường của hai bên về hầu hết các vấn đề được đưa ra thảo luận là gần gũi hoặc trùng hợp”.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 50 phút, lần đầu tiên trong hơn một năm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoygu đã nói chuyện với nhau, giữa lúc căng thẳng leo thang giữa hai nước về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Đây là cuộc thảo luận đầu tiên với Nga kể từ khi ông Ashton Carter lên giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và cũng là cuộc thảo luận đầu tiên kể từ khi Washington đình chỉ các chương trình hợp tác quân sự với Moscow sau khi các lực lượng Nga tiến vào bán đảo Crimea.
Hội đàm quốc phòng Nga-Mỹ diễn ra giữa lúc Washington đang chật vật đối phó với sự hiện diện quân sự gia tăng của Nga ở Syria.
Trong khi chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo IS của Mỹ là giành lại các khu vực rộng lớn bị IS đánh chiếm ở Iraq và Syria, phía Nga kêu gọi thành lập một liên minh rộng rãi – trong đó có chính phủ Syria – để chống lại phiến quân IS.
Cũng trong ngày 18/9, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết Nga sẽ cân nhắc việc đưa quân đến Syria, nếu được chính phủ ở Damascus yêu cầu. Ông Peskov nói: “Nếu có yêu cầu (của chính phủ Syria), thì sau đó yêu cầu này sẽ được thảo luận và cân nhắc trong khuôn khổ thỏa thuận song phương”.
Tuy nhiên, theo VOA, những hành động của Nga ở Syria đang khiến cho một số giới chức ở Washington thừa nhận là tình hình Syria khó lòng cải thiện nếu không để cho Moscow nắm giữ một vai trò lớn hơn.
Các giới chức Mỹ cho biết sự tăng cường hiện diện của Nga tại một căn cứ không quân ở Latakia, dọc theo vùng duyên hải còn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad, là có tính chất phòng vệ, nhưng tình hình có thể thay đổi một cách nhanh chóng.
Các giới chức Mỹ nói rằng mỗi ngày có hai chiếc máy bay vận tải quân sự khổng lồ An-124 Condor của Nga chở tiếp liệu tới Latakia. Nhiều tàu chở hàng của Nga cũng cập bến Syria với nhiều trang thiết bị quân sự. Một giới chức Lầu Năm Góc Ngũ Giác Đài cho biết trong số những khí tài mới được chở tới có hai chiếc trực thăng tấn công loại Mi-24, hai chiếc trực thăng vận tải Mi-15 và 6 xe tăng.
Ngày 17/9, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng mục tiêu của Moscow là rất rõ ràng: “Chúng tôi đang tìm cách ngăn chặn một thảm họa to lớn trong khu vực. Bất cứ khi nào phía Mỹ bày tỏ ý muốn thảo luận về sự hợp tác quân sự-kỹ thuật của chúng tôi với Syria, chúng tôi sẵn sàng làm điều đó”.
Ông Christopher Harmer, một nhà phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, nói những vũ khí mới và những chương trình huấn luyện cộng với sự khích lệ về mặt tâm lý mà sự hiện diện của Nga mang lại cho các lực lượng của Tổng thống Assad chẳng những có thể làm thay đổi cục diện trên chiến trường mà còn làm thay đổi tình thế chính trị ở Syria. Ông nói: “Về cơ bản, việc này bảo đảm trong tương lai trước mắt, sẽ không có một giải pháp chính trị trong đó ông Assad phải rời khỏi Syria”.