Mạng DW cho biết, chiến dịch quân sự của Nga tại Syria cần sự hỗ trợ của lực lượng bộ binh để đạt được thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến chống phiến quân IS. Tuy nhiên, cả Mỹ và Nga đều nhận thấy rằng việc triển khai bộ binh ở Syria là quá mạo hiểm.
Về vấn đề này, Washington thực hiện "sáng kiến" riêng và đang tìm kiếm các đối tác, những quốc gia sẽ đồng ý đưa bộ binh tới Syria tham gia cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, giải pháp này xem ra không thành công.
|
Các tay súng IS. |
Mạng DW viết, ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia thành viên của liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu – đã triển khai lực lượng vũ trang của họ tới Iraq. Tuy nhiên, hành động này của Ankara bị chính phủ Baghdad cực lực phản đối bởi họ không muốn thấy bất kỳ binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hay Mỹ nào trên lãnh thổ nước mình.
Tiếp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã kêu gọi Đức tăng số lượng binh sĩ của nước này như một phần của liên minh chống IS. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thận trọng đáp lại đề nghị của Mỹ. Theo bà, Đức đã và đang đóng góp vào việc giải quyết vấn đề.
Ngày 4/12, Quốc hội Đức đã thông qua kế hoạch triển khai binh sĩ và phương tiện của nước này tham gia cùng lực lượng liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Theo đó, Đức sẽ triển khai tối đa 1.200 binh sĩ cùng 6 máy bay trinh sát Tornado.
Ngoài ra, Mỹ cũng đề nghị tương tự đối với các nước đối tác khác, song chưa quốc gia nào phản hồi tích cực.
Nga và Syria đã giành được thắng lợi đáng kể trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Ở phía nam tỉnh Aleppo, quân đội Syria tiếp tục giành lại quyền kiểm soát nhiều khu định cư từ tay các nhóm khủng bố.
Cho đến nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn bác bỏ việc triển khai bộ binh nước này tới Syria, cho rằng việc can thiệp sâu hơn vào cuộc xung đột này là quá mạo hiểm.