Ông Billie Vincent, cựu Giám đốc an ninh tại Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) Mỹ đồng thời là nhân chứng quan trọng trong vụ đánh bom Lockerbie nhấn mạnh, ông tin rằng,
máy bay Malaysia đang mất tích không bị không tặc và các phi công là những anh hùng khi nỗ lực đến cùng để cứu máy bay thoát khỏi tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng bất lực.
“Máy bay không bị không tặc, phi hành đoàn đã anh dũng cố gắng cứu máy bay, cứu 239 hành khách và chính bản thân mình khi máy bay gặp nạn”, ông Vincent nhấn mạnh.
|
Một chuyên gia hàng không kỳ cựu của Mỹ cho rằng, máy bay Malaysia không bị không tặc.
|
Cựu kiểm soát không lưu Mỹ đồng thời là người đóng góp vào việc thiết kế hệ thống an ninh sân bay quốc tế Kuala Lumpur cho biết, ông tin MH370 đã phải trải qua một "sự kiện thảm khốc" khi trong buồng lái đầy khói hoặc khí độc ngay sau khi các phi công liên lạc lần cuối cùng với kiểm soát không lưu dưới mặt đất lúc 1h19 ngày 8/3. Theo đó, khả năng ngọn lửa bùng phát trong khoang hành lý và phá hủy các hệ thống liên lạc cũng như Hệ thống Báo cáo và Truyền dữ liệu (ACARS) của máy bay. Khói độc cũng nhanh chóng tràn vào khoang hành khách và buồng lái.
“Dữ liệu đến nay cho thấy, nhiều khả năng vấn đề nằm ở chỗ các vật liệu nguy hiểm. Kịch bản có thể đã xảy ra là các chất độc trong khoang hàng hóa bị phát tán, do không đóng gói cẩn thận hoặc vận chuyển lậu".
Theo ông, sự cố này có khả năng xảy ra do một sự cố về điện hoặc chất độc hại lan ra từ khoang hàng hóa hay thậm chí, một quả bom nhỏ, không đủ sức phá hủy máy bay. Việc ai đó cố tình vô hiệu hóa cả 2 hệ thống liên lạc của máy bay là một quá trình cực kỳ phức tạp không phải ai cũng có thể làm được.
Giả thuyết này cũng giải thích lý do tại sao máy bay liên tục thay đổi độ cao, lúc bay ở 13.000 m, lúc hạ thấp tới 7.000 m.
“Tôi đoán trong điều kiện khủng khiếp khi buồng lái đầy khói, phi công quyết định quay đầu máy bay nhưng họ không thể nhìn thấy bất cứ công cụ nào”, chuyên gia hàng không Mỹ nhấn mạnh.
Cuối cùng, chuyên gia này nhấn mạnh, chính phủ Malaysia dường như do quá áp lực dưới sức ép của truyền thông nên mới đưa ra hàng loạt thông tin mâu thuẫn để sau đó phải đính chính lại.