Tất cả các chi tiết đều cho thấy tuy vụ khủng bố xảy ra trên lãnh thổ nước Anh, nhưng đây là vấn nạn chung cho cả Châu Âu.
|
Tưởng nhớ các nạn nhân của vụ khủng bố tại Manchester Arena. Ảnh: Reuters |
Trước hết là địa điểm: Manchester Arena chứa được trên 20.000 người. Tiếp đến là công chúng: các em gái nhỏ đi cùng cha mẹ đến xem buổi diễn của thần tượng trẻ tuổi người Mỹ Ariana Grande. Cuối cùng là thời điểm : 22 giờ 30, khi mọi người chen chúc ở một cửa ra nối trực tiếp với một nhà ga, nơi các phụ huynh đến đón con em.
Thủ phạm kích nổ quả bom là Salman Abedi, sinh ra và lớn lên tại Manchester, trong một gia đình người Libya chạy trốn chế độ Gaddafi hồi những năm 1980. Vụ nổ được nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) nhận trách nhiệm. Đầy đủ những yếu tố để bị tấn công khủng bố ở Châu Âu; một địa điểm giải trí, một cách sống đặc thù phương Tây mà Hồi giáo cực đoan thù ghét.
Ngược với lý lẽ sai lạc của những người ủng hộ Brexit, nạn khủng bố không phải do tình trạng nhập cư giữa những nước Châu Âu, trong không gian Schengen (mà Vương quốc Anh chưa hề tham gia). Cũng chẳng phải do các đối tượng từ Syria hay Iraq (những nước đang có chiến tranh) hay từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Phản ứng đầu tiên ở cả hai bên eo biển Manche đều như nhau : Brexit không thể làm giảm nhẹ nỗ lực hợp tác với cảnh sát trong Liên minh Châu Âu. Manchester, Luân Đôn, Paris, Berlin: đây là bi kịch chung. Đó là hiện tượng cực đoan hóa của một thiểu số thanh niên Hồi giáo sinh tại Châu Âu bị tẩy não. Đó là sự thâm nhập của Hồi giáo cực đoan từ Ả-rập Xê-út hay Pakistan.