|
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
|
Iran sẽ bảo đảm phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình, đổi lại lệnh cấm vận kinh tế Iran sẽ được giảm nhẹ hạn chế.
Theo nhà báo Richard Spencer, ai cũng có thể đoán được Israel sẽ giận dữ, phẫn nộ khi kẻ thù số 1 của họ và phương Tây, bao gồm Mỹ (đồng minh ruột của Nhà nước Do thái) phá vỡ bế tắc hàng thập kỷ, đạt được thỏa thuận hạt nhân.
Thỏa thuận lịch sử này quy định Iran sẽ bảo đảm phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình, đổi lại lệnh cấm vận kinh tế Iran sẽ được giảm nhẹ. Cụ thể, Nhà Trắng thông báo thỏa thuận quy định Iran phải ngừng làm giàu uranium trên 5% và xây lắp các lò ly tâm mới.
Theo đó, Cộng hòa Hồi giáo cam kết vô hiệu hóa các kho uranium làm giàu với mức 20%, đặc biệt là dừng dự án lò phản ứng nước nặng ở Arak (như Pháp đề nghị). Đổi lại, trong vòng sáu tháng tới, các nước phương Tây sẽ không áp đặt thêm lệnh cấm vận mới đối với Iran.
Trong khi cả thế giới phấn khởi với thỏa thuận này, Israel lại cảm thấy phẫn nộ, bất mãn, hậm hực. Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu sử dụng mọi loại vũ khí ngoại giao và những lời lẽ gay gắt để chỉ trích, lên án và đả kích thỏa thuận.
Văn phòng Thủ tướng ra thông cáo chỉ trích, đây là một thỏa thuận tồi tệ, ngu ngốc vì nó đáp ứng đúng những gì Iran mong muốn là giảm bớt cấm vận và duy trì một phần chương trình hạt nhân để tiếp tục chế tạo bom nguyên tử. Thêm nữa, thỏa thuận giữa Iran và phương Tây cũng khiến Israel cảm thấy quan hệ đồng minh chiến lược, gần gũi nhất với Mỹ bị đe dọa.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman mỉa mai: “Đây là chiến thắng ngoại giao lớn nhất của Iran”. Tuy nhiên, phản ứng của Nhà nước Do Thái bị làm ngơ.
Ngoại trưởng Anh William Hague, trong tuyên bố bày tỏ sự phấn khởi của mình đối với thỏa thuận, không buồn đả động đến Israel – vốn đang bất mãn vì cảm thấy sự tồn tại bị đe dọa.
Ngoại trưởng John Kerry thậm chí còn vô tư khẳng định, đánh tan những lo ngại của ông Netanyahu: “Một thỏa thuận toàn diện sẽ khiến thế giới, thậm chí, Israel an toàn hơn”.
Tương tự, không một lời nhắc đến Israel, Trung Quốc hoan nghênh thỏa thuận mang tính đột phá với Iran – giảm trừng phạt để để ngăn chặn chương trình hạt nhân Iran. Bắc Kinh tin tưởng, thỏa thuận với Tehran sẽ "giúp giữ hòa bình và ổn định ở Trung Đông, đồng thời đặt "nền tảng" cho đối thoại sâu rộng hơn nữa để có thể tạo ra kết quả, thậm chí tích cực hơn.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích hoài nghi vẫn quan ngại, thỏa thuận có thể là một trò chơi ngoại giao tinh vi vì trên phương diện nguyên tắc bất biến, Iran khó lòng chấp nhận một thỏa thuận như vậy.