Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu ngày 5/4/2014 cho biết, NATO sẽ tăng cường hiện diện tại nước này trong vài tuần tới. Bước đi của NATO nhằm xoa dịu các nước Đông Âu về vấn đề an ninh sau khi Nga sáp nhập vùng Crimea của Ukraine.
Phát biểu của ông Tusk được đưa ra 3 ngày sau khi ngoại trưởng các nước trong liên minh NATO ra lệnh tăng cường phòng thủ của NATO tại các nước thành viên Đông Âu bao gồm Ba Lan, một nước láng giềng của Ukraine.
Việc Nga sáp nhập Crimea đã dẫn tới cuộc khủng hoảng sâu sắc giữa Nga và NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Trong Chiến tranh Lạnh, hầu hết các nước Đông Âu là thành viên của Liên bang Xô Viết, chịu sự chi phối của Moscow.
Để giảm thiểu khả năng có xung đột với Nga, NATO cho biết liên minh này sẽ tăng cường an ninh các nước Đông Âu bằng lực lượng luân phiên thay vì có lực lượng thường trú.
|
Các binh sĩ Ba Lan đang tập luyện.
|
“Việc tăng cường hiện diện quân sự của NATO tại Ba Lan sẽ được tiến hành trong vài ngày tới. Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào vấn đề về quy mô, tốc độ và một số khía cạnh kỹ thuật của việc tăng cường an ninh của Ba Lan”, ông Tusk trả lời hãng truyền hình TVN.
Các nhà hoạch định quân sự đã nhận được yêu cầu có kế hoạch chi tiết vào ngày 15/4. Một quan chức NATO cho biết, còn quá sớm để đưa ra thông tin chi tiết khi các nhà hoạch định vẫn đang cân nhắc về các lựa chọn.
Tuy nhiên, các phương thức có thể bao gồm gửi binh sĩ NATO và trang thiết bị tới các nước đồng minh Đông Âu trong các cuộc tập trận hoặc đồn trú ngắn hạn cũng như đảm bảo lực lượng phản ứng nhanh của NATO có thể triển khai nhanh hơn.
Ba Lan – một nước cựu thành viên Liên Xô, đang rất mong muốn có thêm binh sĩ Mỹ trên lãnh thổ nước này. Hồi đầu tháng 4/2014, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết, Warsaw mong muốn NATO đồn trú 2 lữ đoàn hạng nặng ở nước này. Nhưng điều này dường như sẽ không thành hiện thực.
Trước đó, ngày 3/5, để đáp lại các nghi vấn của Nga về việc quân đội NATO triển khai tại các nước Đông Âu, NATO cho biết những gì liên minh đang làm vẫn phù hợp với hiệp ước hợp tác được ký năm 1997 với Nga. Theo hiệp ước này, NATO đồng ý bảo vệ các nước thành viên Đông Âu bằng quân tiếp viện thay vì có lực lượng đồn trú thường trực ở các nước này.
Nga cảnh báo rằng, Ukraine nằm trong tầm ảnh hưởng truyền thống của nước này và chính phủ mới thân EU của Kiev sẽ là một dấu hiệu đe dọa xâm lấn của phương Tây.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes của Nhà Trắng trong cuộc tháp tùng ông Barack Obama tới châu Âu cuối tháng 3/2014 trả lời báo chí cho biết, Mỹ sẽ tăng cường luân chuyển các lực lượng mặt đất cũng như lực lượng hải quân tới các nước đồng minh Đông Âu đi kèm với những máy bay được gửi đi trước đó. Ông Ben Rhodes cũng bày tỏ hi vọng các đồng minh NATO sẽ giúp Mỹ trong những nỗ lực này.
Trong tháng 3/2014, Mỹ tăng số lượng quân tham gia tập trận ở Ba Lan và gửi tới nước này 12 máy bay chiến đấu F-16 cũng như 300 quân nhân để đáp ứng lại yêu cầu của Warsaw. Số quân này cũng chỉ là một đội nhỏ trong số nhiều binh sĩ Mỹ đang có mặt tại Ba Lan để hỗ trợ huấn luyện phi công nước này. Mỹ có kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở Ba Lan vào năm 2018.