Những bữa tiệc xa xỉ, tốn kém là một trong những “chìa khóa” quan trọng trên con đường quan lộ của nhiều quan chức Trung Quốc. Theo đó, những bữa tiệc xa xỉ là nơi để các quan chức Trung Quốc bày tỏ lòng trung thành với cấp trên, lôi kéo bè cánh cũng như ngã giá để mua danh bán chức hoặc mặc cả lợi ích với giới doanh nhân.
Điển hình, cựu Cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân, đang phải ngồi tù 15 năm vì tội tham nhũng và cố đào tẩu, nổi tiếng hay mở tiệc tối xa xỉ. Năm 2005, một số lãnh đạo mới của một ngôi làng ở Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc khiến dư luận choáng váng khi tổ chức một bữa tiệc kéo dài 10 ngày cho 9.000 dân để lấy lòng họ. Dù vậy hành động này lại gây phản ứng trái ngược khi nhiều người dân chỉ trích các quan chức lãng phí, hành xử kém hiểu biết khi muốn dùng “miếng ăn để mua chuộc lòng người”.
Ngoài ra, cựu Phó Chủ tịch tỉnh An Huy, Ni Fake, hiện đang ngồi tù vì tội nhận hối lộ cũng bị tố thường xuyên tham dự các bữa tiệc riêng do doanh nhân Ji Lichang tổ chức. Chính những bữa tiệc này dẫn đến sự sụp đổ của ông Ni Fake, khiến cựu Phó Chủ tịch tỉnh thân bại danh liệt.
|
Tiệc của quan chức Trung Quốc có nhiều luật lệ đặc biệt. Ảnh minh hoạ.
|
Đã vậy, tham gự tiệc còn phải tuân thủ nhiều quy ước và phép tắc. Chẳng hạn, nết ăn của một quan chức trên bàn tiệc phản ánh tham vọng chính trị của ông ta. Trong khi đó, tửu lượng là thước đo khả năng giao tiếp của một vị quan chức. Ngay cả việc sắp xếp chỗ ngồi trong các bữa tiệc này cũng được đặc biệt chú trọng và phản ánh mối quan hệ gần gũi hay xa cách cũng như vị thế của những người dự tiệc. Ngoài ra, khăn trải bàn và hình dạng của chiếc bàn tiệc cũng phản ánh nhiều điều về người tổ chức tiệc và khách dự tiệc.
Một bữa tiệc “mua quan bán chức” có 4 đặc trưng quan trọng. Trong đó, đầu tiên là chủ nhân bữa tiệc không phải là nhân vật chính, thay vào đó khách mời mới chính là thành phần quan trọng nhất. Thứ 2, không quan trọng ai đặt tiệc, người ngồi ngay bên cạnh mình là ai mới đáng phải quan tâm. Thứ 3, những gì được mang ra chiêu đãi (các món cao lương mĩ vị) không quan trọng, thay vào đó, những gì người ta nói với nhau trong suốt bữa tiệc mới chính là điều cần phải lưu tâm. Cuối cùng, không quan trọng tiệc được tổ chức ở đâu, kết quả sau cùng của bữa tiệc ấy mới là mục tiêu theo đuổi.
Nơi chuyên tổ chức tiệc xa hoa cho các quan chức Trung Quốc ở tỉnh Hồ Nam phía nam Trung Quốc tiết lộ, các bàn tiệc không được dài quá 1,5 m và chiếc bàn chính dành cho chủ tiệc không nên cách chiếc bàn dành cho khách quá 2 m. Các bàn tiệc nên cách tường 1,2 m.
Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức các bữa tiệc xa xỉ ở các quan chức Trung Quốc bị cấm theo chiến dịch chống tham nhũng được Chủ tịch Tập Cận Bình phát động. Vương Kỳ Sơn, một thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc kể từ khi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan giám sát chống tham nhũng hàng đầu của chính quyền Bắc Kinh tuyên bố, ông sẽ không tổ chức hoặc nhận lời tham dự các bữa tiệc xa xỉ nữa. Thay vào đó, ông sẽ chỉ mời bạn bè đến nhà ăn cơm đạm bạc để không vi phạm quy định của đảng mà vẫn giữ được liên lạc với đồng nghiệp, bạn bè.