Theo tờ South China Morning Post, các vùng biển trên Biển Đông có thể “bình lặng” trong một thời gian ngắn (những tháng đầu năm nay) khi các quốc gia trong khu vực tập trung vào việc tìm kiếm một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc.
Ít nhất 4 cuộc họp giữa Trung Quốc và các nước thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông đã được lên kế hoạch tổ chức vào đầu năm nay.
|
Một cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của ASEAN với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh tháng 4/2013.
|
Trong suốt nhiều năm qua, ASEAN không ngừng nỗ lực thúc đẩy việc thông qua một bộ quy tắc ràng buộc để tránh xung đột tại các vùng biển tranh chấp giữa các bên. Trung Quốc trước đó luôn tỏ quan điểm cứng rắn, không muốn đàm phán về COC. Thay vào đó, Bắc Kinh muốn đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp nhằm tìm kiếm nhiều lợi thế nhất về phía họ.
Nhưng những tháng cuối năm ngoái, lập trường của họ bắt đầu thay đổi. Chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra, Carl Thayer nhấn mạnh, Trung Quốc gần đây chỉ ra cách tiếp cận chủ động hơn trong việc thúc đẩy đàm phán về COC với ASEAN. Tháng 9/2013, giới chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc và ASEAN đã họp tham vấn lần đầu về COC ở Tô Châu.
Do đó, theo ông Carl Thayer, các nước có liên quan sẽ hạn chế các hành vi khiêu khích để không làm ảnh hưởng đến mục tiêu trên khi tất cả đều kỳ vọng vào những cuộc đàm phán sắp tới.
Tuy nhiên, hiện trạng "bình lặng" tại Biển Đông có khả năng thay đổi vào giữa năm 2014 khi Tòa án Phân xử Quốc tế của Liên Hiệp Quốc bắt tay vào giải quyết vụ kiện của Philippines về tính hợp pháp của các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Vào ngày 30/3 tới, Philippines sẽ phải đệ trình lên Tòa án Phân xử Quốc tế về Luật Biển bản tóm tắt về vụ kiện chống lại cái gọi là “Đường chín đoạn (Đường lưỡi bò) của Trung Quốc trên Biển Đông” mà theo cáo buộc của họ là bao trọn gần như toàn bộ khu vực.
Sau đó, tòa án sẽ gửi cho Trung Quốc một bản tóm tắt vụ kiện và nếu Bắc Kinh tiếp tục bất hợp tác, bác bỏ vụ kiện, phán quyết có thể được tòa đưa ra sớm hơn dự kiến, ông Carl Thayer cho biết.