Theo tuyên bố Chủ tịch sau cuộc gặp lãnh đạo ASEAN tại Jakarta, Indonesia ngày 24/4, lãnh đạo các khối đã đạt được đồng thuận ở 5 điểm. Điểm đầu tiên là yêu cầu chấm dứt bạo lực ngay lập tức tại Myanmar, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa.
Thứ hai, các bên bắt đầu đối thoại với mục đích xây dựng, tìm kiếm một giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân. Thứ ba, một đặc phái viên của chủ tịch ASEAN sẽ điều phối quá trình đối thoại. Thứ tư, ASEAN sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo thông qua cơ chế hỗ trợ nhân đạo của khối. Và đặc phái viên cùng phái đoàn ASEAN được phép vào Myanmar để gặp các bên liên quan.
"Phải bắt đầu đối thoại với tất cả các bên", Nikkei Asia dẫn lời Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người chủ trì họp báo sau cuộc gặp ASEAN. "Tất cả tù nhân chính trị phải được trả tự do. Và chúng ta phải bổ nhiệm một đặc phái viên ASEAN để thúc đẩy đối thoại giữa các bên".
|
Thống tướng Myanmar đến dự cuộc họp tại tòa nhà thư ký ASEAN ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Sau cuộc họp, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết các lãnh đạo ASEAN đã nêu lên yêu cầu, và Thống tướng quân đội Myanmar, ông Min Aung Hlaing "đã đáp lời".
"Ông ấy nói ông ấy đã nghe chúng tôi, và sẽ ghi nhận những điểm hữu ích. (Ông ấy nói) rằng mình không phản đối việc ASEAN đóng vai trò xây dựng, hay việc một phái đoàn ASEAN đến Myanmar, cũng như viện trợ nhân đạo", Channel NewsAsia dẫn lời ông Lý.
"Nhưng có một khoảng cách lớn giữa việc nói và làm", ông nói. "Việc đạt được giải pháp chính trị còn khó hơn, nhưng ít ra chúng ta có thể làm một số thứ".
Thủ tướng Singapore cũng không nói Singapore sẽ cử ai tham gia phái đoàn này, cũng như việc phái đoàn có bao gồm tất cả thành viên ASEAN không. "Tôi sẽ nói rằng đó là một cuộc họp có kết quả".
Ông Lý cũng nói mọi giải pháp chính trị để đưa Myanmar trở lại con đường dân chủ đều phải bao gồm quân đội và đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).
Cuộc họp lãnh đạo ASEAN là lần đầu tiên Thống tướng Min Aung Hlaing ra nước ngoài kể từ cuộc binh biến ngày 1/2, khi quân đội dưới sự lãnh đạo của ông đã lật đổ chính phủ dân cử.
Hơn 700 người đã thiệt mạng kể từ khi các cuộc biểu tình phản đối binh biến nổ ra. 250.000 người Myanmar đã mất nơi ở, trong khi nhiều lãnh đạo dân cử bị quản thúc tại gia hoặc phải đi trốn.
|
Cuộc họp cấp lãnh đạo ASEAN hôm 24/4. Philippines, Thái Lan và Lào không tham gia. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Singapore miêu tả lại cuộc họp: Thống tướng Myanmar thông báo về tình hình trong nước, con đường ông ấy thấy cho Myanmar, sau đó lãnh đạo từng nước ASEAN trình bày quan điểm của họ.
Truyền hình quân đội Myanmar đưa tin rằng thống tướng tham dự cuộc họp ASEAN nhưng không nêu chi tiết cuộc thảo luận.
Bản tin của đài này chỉ dẫn lại lời ông Min Aung Hlaing nói rằng quân đội Myanmar ủng hộ khu vực phát triển bền vững và sẽ hợp tác với các nước láng giềng để đạt được các mục tiêu trong Hiến chương ASEAN.
Bản tin cũng nói rằng thống tướng đã giải thích các "diễn biến chính trị hiện tại" cho các lãnh đạo ASEAN.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói rằng dù các quốc gia đồng ý gặp mặt thống tướng quân đội Myanmar, họ sẽ không gọi ông là nguyên thủ Myanmar.