Tờ
Inquirer xuất bản tại Philippines hôm 4/7 có bài nhận định, chỉ sau 1 năm đã có nhiều khác biệt trong nhận thức và hành động về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. ASEAN đã trở nên đoàn kết hơn trước và Camphuchia đã bắt đầu "thấy lỗi và sửa sai".
Khoảng thời gian này năm ngoái ASEAN đã rơi vào "một vụ bê bối bất ngờ" khi lần đầu tiên trong 45 năm lịch sử của tổ chức này Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN không thể ra tuyên bố chung chỉ vì Trung Quốc đã ép Campuchia - nước chủ nhà, Chủ tịch luân phiên ASEAN không được đưa vấn đề Biển Đông đang rất căng thẳng vào trong dự thảo. Khi đó Campuchia đã chọn Trung Quốc, thay vì ASEAN.
Động thái của Trung Quốc lập tức gây ra những hậu quả trong khu vực, hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông thu hút sự chú ý ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh đó Campuchia cảm thấy nhu cầu cấp thiết phải "điều chỉnh" mối quan hệ với nước láng giềng Việt Nam, một bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông - tờ Inquirer nhận định, trong khi các thành viên khác của ASEAN là Indonesia và Singapore liên tục có những chuyến ngoại giao con thoi để hàn gắn những rạn nứt bất ngờ trong khối.
Sáng kiến của Indonesia đã trở nên rõ ràng hơn vào cuối tuần qua tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 46 tại Brunei đã có hiệu quả tăng cường quyết tâm của ASEAN trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán COC với Trung Quốc, một trong những công cụ kiểm soát nguy cơ xung đột ở Biển Đông.
"Chúng ta phải có bộ quy tắc ứng xử", Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết, "nếu không sự bấp bênh sẽ vẫn tiếp diễn" ở Biển Đông.
Và cuối cùng trong tuyến bố chung sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 46 đã dành một phần xứng đáng để nói về vấn đề tranh chấp Biển Đông cũng như hướng thúc đẩy COC.
Inquirer nhận định, có thể là Campuchia đã nhận ra rằng là thành viên của ASEAN họ sẽ mất đi nhiều vai trò, tiếng nói một khi Campuchia được coi như "cái bóng" của Trung Quốc.
Và cũng có thể là những nỗ lực toàn tâm toàn ý của nước chủ nhà Brunei trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN đối với Biển Đông hay sự hung hăng của Trung Quốc trên thực địa, hoặc việc cả Philippines và Việt Nam đều không lùi bước đã củng cố niềm tin ASEAN có "vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang phát triển”.
Dù với lý do nào cuối cùng thì Trung Quốc cũng đã chịu lắng nghe tiếng nói chung của ASEAN đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông và đây không phải là chuyện nhỏ, tờ Iquirer nhận định.