Quân đội “có tiếng nói cuối cùng” ở Ai Cập

Google News

(Kiến Thức) - Theo nhận xét của giới phân tích, vai trò của quân đội rất quan trọng trong đời sống chính trị của nhiều nước Arập.


 

Quân đội không tham gia vào chính trường, đó là quan điểm chung. Tuy nhiên, ngay từ thời cổ xưa, giới quân sự đã can dự và gắn kết với chính trường. Khi sự việc phát triển đến mức bạo loạn, quân đội vẫn giữ quyền có tiếng nói quyết định cuối cùng.

Trong thế giới Hồi giáo, cách hành xử của quân đội tiếp tục đóng vai trò quyết định trong những năm gần đây. Trong làn sóng "Mùa xuân Arập", giới quân sự hoặc là chuyển giao quyền lực của ban lãnh đạo cũ cho phe đối lập như ở Ai Cập và Tunisia hoặc là ủng hộ nhà lãnh đạo hiện tại như trường hợp Syria. Ai Cập là điển hình nổi bật nhất của phương thức "quân quản không lộ diện”.

Chuyên viên phân tích chính trị Kirill Benediktov nhận định: “Ở Ai Cập trong mấy thập niên qua, quân đội là sức mạnh quyền lực thực sự. Có thể đó là thế lực ẩn kín không lộ diện. Tổng thống Hosni Mubarak chỉ là một đại diện của giới quân sự. Rồi ông ta đã ra đi không do ý nguyện cá nhân, mà là theo chỉ đạo của chính giới mà ông khởi nghiệp. Cả động thái từ chức của Mubarak, cả cuộc chính biến hiện nay với việc loại bỏ Tổng thống dân cử Mursi – đều là biểu hiện sức mạnh của một cấu trúc quyền lực hiện thực, không hề thay đổi ở Ai Cập trong nhiều năm qua. Còn sự đối đầu giữa tổ chức ‘Anh em Hồi giáo’ và các lực lượng tự do của xã hội thì chỉ là những gợn sóng trên mặt biển”.

Vấn đề của quân đội Ai Cập hiện thời là thiếu một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn như Gamal Abdel Nasser. Vì thế họ buộc phải tìm kiếm một nhân vật chính trị trong số các nhà hoạt động xã hội.

Ông Benediktov lý giải tác động to lớn của giới quân sự và quân đội đối với xã hội các nước Trung Đông là do đặc thù sự hình thành các quốc gia này. Bản thân cấu trúc quốc gia của các nước trong khu vực là do quân đội tạo ra và xoay xung quanh quân đội.

Bạo loạn trong thế giới Arập buộc quân đội phải can thiệp, bất kể để tạo thuận lợi cho quá trình thay đổi hoặc là để bảo vệ chế độ. Cách hành xử của giới quân sự Ai Cập đóng vai trò quyết định và có thể thấy rằng thực tế này khó có thể thay đổi trong tương lai gần.

Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)