Tờ The Indian Express cho biết những hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng một đường băng thích hợp cho mục đích quân sự trong khu vực tranh chấp tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) ở Biển Đông và có thể đang có một kế hoạch khác, động thái khiến Mỹ và châu Á lo ngại.
Báo trên dẫn tin của tạp chí quốc phòng IHS Jane's cho rằng những hình ảnh do hãng Airbus Defence&Space cung cấp hôm 23/3 cho thấy rõ đường băng trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc đang mở rộng một đường băng khác tại quần đảo Hoàng Sa, nơi có trữ lượng lớn tài nguyên năng lượng ở Biển Đông và là tuyến hàng hải quan trọng - lưu thông một khối lượng lớn hàng hóa trị giá lên tới 5.000 tỷ USD mỗi năm.
|
Hoạt động bồi đắp, lấn biển của Trung Quốc trên Biển Đông. |
Trước đó, giáo sư David Rosenberg thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), chuyên gia về chính sách môi trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận định việc
Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo ở Hoàng Sa và Trường Sa sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với môi trường và sinh thái ở Biển Đông.
Phát biểu trong bài trả lời phỏng vấn với tiêu đề “Trung Quốc đang phá hoại Biển Đông” số ra ngày 17/4 trên báo điện tử Sóng Đức (Deutsche Welle - DW), giáo sư Rosenberg cho rằng việc cải tạo, xây dựng của Trung Quốc và Đài Loan ở quần đảo Trường Sa trước tiên để phục vụ các mục đích quân sự khi các đảo Ba Bình, đá Gaven, đá Gạc Ma và Chữ Thập đã được củng cố mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Giáo sư Rosenberg nhận định chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông rất tham vọng với mục tiêu tăng cường sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ để cũng cố các đảo đang chiếm giữ và mở rộng kiểm soát các khu vực trên Biển Đông trong phạm vi cái gọi là “đường 9 đoạn”, qua đó nhằm bảo vệ yêu sách chủ quyền lịch sử và các lợi ích của Trung Quốc về thủy sản, tuyến đường hàng hải cùng tài nguyên dầu khí.