|
Toàn cảnh khu lăng mộ. |
Đà Lạt có nét u huyền của một thành phố nghỉ dưỡng đúng nghĩa. Không gian Đà Lạt, là sự phối hợp hài hòa giữa cổ kính và hiện đại. Thành phố và không gian thiên nhiên xung quanh nó luôn nghiêng về sự êm đềm thơ mộng đúng như tên gọi “thành phố Mộng Mơ”.
Nếu có dịp đến Đà Lạt, thăm thú bao thắng cảnh lãng mạn và hùng vĩ, đừng quên một di tích lịch sử - văn hóa đang bị lãng quên. Đó là Lăng mộ Nguyễn Hữu Hào - cha Hoàng hậu Nam Phương. Dù đã được Sở Du lịch - Thương mại Lâm Đồng xếp vào danh sách 150 khu, điểm có tiềm năng khai thác du lịch, nhưng hiện nay Lăng Nguyễn Hữu Hào đang có nguy cơ hoang phế...
Ông Nguyễn Hữu Hào là một đại điền chủ, quê ở Gò Công, Tiền Giang. Vợ ông là bà Lê Thị Bình. Hai ông bà sinh được một người con gái, đặt tên là Nguyễn Hữu Thị Lan. Là một đại điền chủ giàu có, theo đạo Thiên Chúa, năm 1927 ông bà cho con sang Pháp du học. Sau bảy năm du học trở về Việt Nam, Nguyễn Hữu Thị Lan được giới thiệu cho Hoàng đế Bảo Đại, và được Cựu Hoàng tấn phong ngôi Hoàng hậu, hiệu là Nam Phương. Hoàng hậu Nam Phương đưa cha mình lên Đà Lạt nghỉ dưỡng. Mùa thu năm 1939, ông từ trần tại đây, Hoàng hậu đã cho xây dựng lăng mộ thờ ông vào cuối năm 1939, trên một ngọn đồi bạt ngàn thông reo...
|
Du khách bên văn bia tưởng niệm. |
Ngọn đồi rộng 16ha, ở hướng Tây Nam thành phố Đà Lạt, trên đường Vạn Thành - đi Tà Nung, cách thác Cam Ly 150m. Đứng dưới chân đồi nhìn lên, chu vi Lăng như một đóa sen chớm nở. Cổng được thiết kế gồm 4 trụ biểu lớn, thẳng đứng, trên đỉnh trang trí hoa sen và chó ngao cách điệu. Hoàng hậu muốn lưu lại cho hậu thế lòng hiếu bằng hai cặp đối:
Dữ quốc đồng hưu thiên cổ hà sơn thư khoán vĩnh
Dưỡng thân dục đãi bách niên phong thụ đỉnh chung bi
Chất giáng trụ thiên phảng phất anh linh qui thổ lạc
Chung trừ tích địa uất thông vượng khí hộ giai thành
Tạm dịch nghĩa:
Một lòng với nước non ngàn năm sông núi mãi ghi trong sử sách
Nuôi dưỡng cha mẹ trăm năm cây gió khắc ghi nỗi buồn trên chuông đỉnh
Chót vót chống trời phảng phất khí thiêng về nơi an lạc
Đất thiêng tốt lành bao trùm vượng khí bảo vệ chốn giai thành.
Con đường lên Lăng phải bước qua 36 bậc đá nghiêm trang. Khoảng 9-13 bậc lại có một khoảnh rộng để nghỉ chân, gọi là chiếu nghỉ rất hợp cho du khách cao tuổi dừng lại nghỉ chân trong chốc lát, nghe tiếng thông reo trong gió thoảng. Trước Lăng là một khoảng sân rộng, và cái đỉnh hương lớn dùng làm nơi tế tự, có thành lan can xây đá rửa vây quanh. Nhà mộ được xây bằng gạch trát đá rửa, mái đúc bê tông có tán xòe rộng, lợp ngói lưu ly xanh. Nội thất có 2 ngôi mộ nổi khoảng 30cm. Giữa 2 ngôi mộ bài trí một hương án xây bằng đá xanh là nơi cúng tế ngày xưa.
|
Lăng mộ vắng vẻ ít khách tham quan. |
Đây là một di tích lịch sử, trong hệ thống những di tích còn lại của triều Nguyễn tại thành phố Đà Lạt. Một di tích hình như đang bị lãng quên và có nguy cơ trở thành hoang phế. Chúng tôi đã nhiều lần tới thăm và ngậm ngùi cho một công trình dần dần xuống cấp, cỏ dại mọc lan.
Dĩ nhiên, việc trùng tu một di tích vẫn có cái khó của nó, nhưng để di tích này ngày càng bị phá hoại là điều thật đáng xót xa. Người dân quanh đây cho biết, ngôi mộ đã bị kẻ gian đào bới trộm của quý? Điều đập vào mắt du khách là nhiều kẻ vô ý thức dùng sơn viết bậy lên ngôi mộ. Nhìn vẻ hoang tàn do sự gặm nhấm của thời gian, cộng với nhang khói lạnh lùng khiến du khách không khỏi chạnh lòng nghĩ đến một ngày kia di tích này có thể bị xóa sổ theo thời gian...
Nếu có dịp đến Đà Lạt, mời bạn hãy ghé thăm một phế tích lặng thầm. Hy vọng, di tích sẽ được trùng tu trong nay mai, đem lại dấu ấn cho thành phố ngàn hoa. Và cũng không biết chừng, sẽ trở thành tua du lịch thú vị.